1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

TPHCM:

Đã có quy chế ứng phó với thị trường biến động

(Dân trí) - Khi có biến động giá cả trong 15 ngày liên tục do bất cứ lý do gì, các ban ngành chức năng TPHCM sẽ tập trung toàn bộ nhân lực và vật lực để giải quyết trong vòng 24 giờ.

Đã có quy chế ứng phó với thị trường biến động - 1
Khi giá cả bất thường, đối tượng bị tác động đầu tiên là người nghèo.

Từ nỗi lo của người dân

Hai tuần đầu tháng 4, giá xăng tăng 2 lần, tuy mỗi lần chỉ tăng 500 đồng/lít nhưng người dân lo lắng đây có thể là dấu hiệu cho thấy giá xăng sẽ còn tăng nữa.

Anh Hồ Huy Lộc, chạy xe ôm trên đường Hai Bà Trưng, gần chợ Tân Định, cho biết: “Tăng 500, 1.000 đồng/lít thì hiện cũng chưa thấy gì. Vì mỗi ngày tôi chạy “ngon” lắm cũng chỉ hết 1 - 2 lít xăng là cùng. Nhưng nếu nó tăng đến mức như năm ngoái là gay!”.

Còn anh Vũ Văn Duy (trọ tại hẻm 245, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, Bình Thạnh) than thở: “Báo mới đăng tin là giá điện tăng, nước chuẩn bị tăng nhưng hiện nước nhà tôi trọ đã tăng chóng mặt. Trước điện 2.000 đồng nay lên 3.000 đồng/kwh, nước 12.000 đồng nay lên 15.000 đồng/m3”.

Chị Nguyễn Thị Hảo (trọ trên đường Phan Huy Ích, phường 15, Tân Bình), công nhân một công ty may trong Khu công nghiệp Tân Bình thì lo lắng vì giá nhà trọ tăng quá nhanh. Từ cuối năm 2008 cho đến nay chỗ chị thuê trọ đã thay đổi giá… 4 lần.

Ngày 1/5 tới, lương cơ bản sẽ tăng từ 540.000 đồng lên 650.000 đồng. Tuy lương cơ bản tăng chỉ nhắm vào đối tượng cán bộ công chức và diện chính sách, hưu trí… nhưng với tiểu thương tại các chợ tự phát, chợ khu phố… thì cứ tăng lương là tăng giá.

Mặc dù các món hàng họ bán ra giá trị rất nhỏ, đôi khi chỉ là bó rau muống, vài miếng đậu phụ, dăm con cá, mấy lạng thịt… nhưng khi có cớ để tăng giá thì họ tăng rất nhanh, thậm chí lên đến 30 - 50% chứ không chỉ vài % như chỉ số giá tiêu dùng.

Với những lý do trên, chị Hảo không giấu nổi vẻ lo lắng: “Chỉ sợ hàng hóa lại đùng đùng tăng giá như năm ngoái, nhất là thực phẩm. Vì điện nước có thể “nhịn” được, ở thì chịu chật, dồn người để bớt tiền thuê… nhưng thực phẩm tăng thì không thể nhịn ăn được”.

Đã có chính sách ứng phó thị trường biến động

Ngay từ đầu 2009, UBND TPHCM đã liên tục nhận được kiến nghị tăng phí, giá các dịch vụ công ích… với những lý do không thể bác bỏ. Vừa qua, thực tế là giá điện đã tăng, phí rác thải sinh hoạt sắp tăng, giá xe buýt đã chấp nhận cho tăng, giá nước đang tính tiếp…

Nhận thấy khả năng có thể xảy ra những biến động bất thường của thị trường nên ngày 24/3, UBND TPHCM đã ban hành Quy chế phối hợp xử lý biến động thị trường bất thường trên địa bàn.

Theo đó, khi giá cả các mặt hàng thiết yếu không bình thường, giá bán lẻ tăng hoặc giảm bình quân 15% trở lên so với mức giá trên thị trường trong thời gian 15 ngày liên tục, các ban ngành sẽ tập trung toàn bộ nhân lực và vật lực để giải quyết ngay trong vòng 24 giờ.

Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền, liên kết độc quyền để “định giá” gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác, các cơ quan chức năng có thể phạt cảnh cáo, phạt tiền, thu chênh lệch bất hợp lý vào ngân sách nhà nước hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Nếu biến động do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, tin đồn thất thiệt hoặc do các điều kiện bất thường khác thì TPHCM sẽ quyết định đình chỉ thực hiện các mức giá hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định và yêu cầu thực hiện các mức giá trước khi có biến động.

TPHCM cũng giao cho Thường trực ban chỉ đạo xử lý những biến động thị trường bất thường TP sẵn sàng phối hợp với Sở Tài chính xin ý kiến Chính phủ, Bộ Tài chính để xử lý ngay những trường hợp TPHCM không đủ thẩm quyền quyết định.

Tùng Nguyên