1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Da cam - nỗi đau bao giờ nguôi ngoai!

(Dân trí) - Sau 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2011), dọc dài mảnh đất hình chữ S này, nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng.

Tận cùng nỗi đau

 

Chúng tôi tình cờ gặp chị trên chiếc xe lăn, khuôn mặt sáng sủa, đôi chân tật nguyền, mọi sinh hoạt đi lại phải nhờ vào chiếc xe lăn.
 
Da cam - nỗi đau bao giờ nguôi ngoai! - 1

Ông Võ Phốc và 4 người con bị chất độc màu da cam

 

Chị là Võ Thị Luôn (33 tuổi, thị trấn Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định) - là 1 trong 8 người con của ông Võ Phốc và là 1 trong 4 người con bị nhiễm chất độc da cam.

 

Câu chuyện vừa bắt đầu thì ông Phốc trên chiếc xe đạp lạch cạch đi về. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình thương khá khang trang được Nhà nước hỗ trợ xây dựng làm mái ấm cho cả gia đình, ông Phốc ngầm ngùi kể về gia cảnh bi đát của mình.

 

Sinh ra lớn lên trong vùng đất có truyền thống về cách mạng của huyện Hoài Nhơn. Như bao người con yêu nước ông xung phong tham gia cách mạng chiến đấu ở khắp chiến trường miền Trung - Tây nguyên.

 

“Ở đâu có quân thù, ở đó có bộ đội, tiêu giệt quân thù là nhiệm vụ của người lính cầm súng” - ông kể lại.

 

Giải phóng, ông trở về với thương tật hạng ¾, nhưng nỗi đau không chỉ ở thể xác. Ông và vợ có với nhau 8 người con, 2 người đã mất từ hồi mới lọt lòng. Trong 6 người con còn sống có tới 4 người bị nhiễm chất độc da cam. 
 
Da cam - nỗi đau bao giờ nguôi ngoai! - 2
Nỗi đau da cam - nỗi ám ảnh hậu chiến tranh

 

Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống hơn 3 triệu  hécta, trên gần 26.000 thôn, bản của người Việt Nam. Rừng bị hủy diệt nặng nề. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người, làm cho 4, 8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân…

Anh Võ Văn Chương (36 tuổi) bị nặng nhất. Từ nhỏ sinh ra đã mang đôi chân teo tóp, không phát triển, thiểu năng về trí tuệ, chỉ nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt của anh Chương đều do vợ chồng ông Phốc thay nhau chăm sóc. Anh Võ Tỳ (42) bề ngoài trông có vẻ bình thường nhưng lúc trở trời lại lên cơn động kinh, đập phá, chạy lung tung. 2 người còn lại là chị Võ Thị Luôn liệt 2 chân phải ngồi xe lăn và anh Võ Văn Thích (30 tuổi) ngớ ngẩn chẳng biết gì.

 

“Chiến tranh ác liệt, có những lúc cái chết kề bên nhưng mình luôn chắc súng, chân vẫn vững, chưa bao giờ tôi chùn bước. Nhưng bây giờ nhiều lúc tôi muốn chết đi cho xong nhưng mình chết đi các con biết dựa vào ai. Thôi đành ngậm đắng nuốt cay chú ơi!” - ông Phốc nghẹn ngào tâm sự.

 

Năm nay ông Phốc bà Quyết đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải lam lũ với ruộng đồng để nuôi 4 người con nhiễm chất độc da cam. Bà Quyết sáng nào cũng dậy sớm đi chợ tận Tam Quan lấy chuối để bán, chiều tối mới về, ngày cũng kiếm được 15-20 ngàn đồng.

 

Nỗi đau còn đến bao giờ?

 

Tỉnh Bình Định là một trong những tỉnh có nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam của cả nước. Theo thông kê mới nhất, hiện có trên 14.700 nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng mới có 395 trường hợp được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
 
Da cam - nỗi đau bao giờ nguôi ngoai! - 3
Ôm đứa con vào lòng, bà Quế chỉ biết ngậm ngùi khóc.

 

Họ phần lớn là những người nông dân có hoàn cảnh khó khăn, cần lắm sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

 

Chia tay gia đình ông Phốc bà Quyết, chúng tôi về xã Cát Sơn, huyện Phù Cát(Bình Định) thăm chị Đinh Thị Xuân (44 tuổi, xóm Sơn Lộc, thôn Thạch Bàn Tây, Cát Sơn). Không trực tiếp tham gia chiến tranh nhưng vì sống trong vùng đất bị giặc Mỹ rải chất độc hóa học nên chị bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong 4 người con của chị có em Bạch Thanh Bích Ngọc (16 tuổi) bị nhiễm di chứng của chất độc da cam.

 

Ôm đứa con vào lòng, chị Xuân nghẹn ngào: “Từ lúc sinh ra người cháu mềm như bún, phải uống thuốc cứng xương quanh năm. Đến giờ chỉ có nằm một chỗ, thấy người lạ chỉ cười ê a vậy thôi. Con đau một, mình đau mười!”.

 

Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Xuân là gia đình bà Trần Thị Quế (55 tuổi). Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, vợ chồng bà Quế hy vọng sinh được đứa con khỏe mạnh nhưng hậu quả của chất độc da cam đã khiến cho bé Trầm mới sinh đã dị tật khác người, lớn lên cũng chẳng biết nói cười, chỉ nằm một chỗ.

 

“Không biết kiếp trước cha mẹ mình ăn ở bạc hay sao mà con cháu phải chịu khổ thế này” - bà Quế dưng dưng nước mắt.
 
Da cam - nỗi đau bao giờ nguôi ngoai! - 4
Bé Bích Ngọc đã 16 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng 15kg và chẳng biết nói cười.

 

Ông Võ Thanh Hùng (70 tuổi) một cán bộ lão thành cách mạng ở đây cho biết: “Vùng đất Cát Sơn thời chiến tranh phải chịu nhiều đợt quân Mỹ rải chất độc hóa học. Năm 1965 quân Mỹ sau mỗi đợt chúng dùng máy bay oanh tạc bắn phá làng mạc. Tiếp sau đó dùng máy bay vận tải cứ 3 chiếc một chở chất hóa học rải xuống trắng cả vùng đất này. Hậu quả là cây cối trong rừng chết hết, nguồn nước bị nhiễm độc. Hậu quả đến ngày hôm nay khiến nhiều trẻ em trong xã bị nhiễm chất độc da cam. Quân Mỹ thật thâm độc chúng đánh mình mà đến bây giờ con cháu mình giờ còn phải gánh chịu”.

Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng. Biết bao giờ mới nguôi ngoai.

 

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm