1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Cứu tàu chở 12 ngư dân gặp nạn trên đường đi tránh bão

(Dân trí) - Chiều tối 7/8, lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã phối hợp với BĐBP tỉnh Hà Tĩnh điều động tàu ứng cứu thành công chiếc tàu tàu chở 12 ngư dân chết máy khi đang trên đường đi tránh bão số 6.

Chiều tối ngày 7/8, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An - cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã phối hợp với BĐBP Hà Tĩnh ứng cứu một chiếc tàu gặp nạn trên đường trú bão số 6.
 
Trước đó, vào khoảng 13h30 phút ngày 7/8, chiếc tàu mang số hiệu NA-93044 TS, công suất 280CV do ông Trương Văn Thức (trú tại xóm Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu) làm chủ phương tiện cùng 12 thuyền viên đang trên đường di chuyển vào bờ tránh trú bão thì bị chết máy tại vị trí có tọa độ 18050’N và 105050’E, cách bờ biển Cửa Lò khoảng gần 20 hải lý. 

Gần 4.000 tàu thuyền tại Nghệ An đã cập bờ trú bão an toàn (Ảnh: Nguyễn Duy)
Gần 4.000 tàu thuyền tại Nghệ An đã cập bờ trú bão an toàn (Ảnh: Nguyễn Duy)

Nhận được tin báo, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An đã điều động 1 tàu của Hải đội 2 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh với 7 cán bộ để cứu nạn. Tuy nhiên, do sóng to gió lớn nên tàu cứu nạn không thể tiếp cận được tàu bị nạn. Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã báo cáo Bộ Tư lệnh Hải quân cho phép tàu của Hải đội 2 quay trở về. Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều 1 tàu số hiệu BP34-1901 thuộc bộ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tham gia cứu nạn.

“Chúng tôi đã liên lạc được với tàu gặp nạn và các thuyền viên vẫn đang an toàn. Đến khoảng 18h tối, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được tàu bị nạn và lai dắt vào bờ thành công”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết.

Theo Ban PCLB&TKCN Nghệ An cho biết, đến chiều ngày 7/8 địa phương này đã kêu gọi trên 3.585 phương tiện,với gần 17 ngàn lao động vào nơi trú ẩn an toàn. Ngoài ra, 438 phương tiện với 2696 lao động đánh bắt của các địa lao động đang đánh bắt hải sản ở vùng biển của các tỉnh khác cũng đã nhận được thông báo và đang trên đường trở về bờ trú bão, 56 phương tiện với 286 lao động ngoài tỉnh đã vào các vùng neo đậu của Nghệ An tránh trú bão.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, nhiều tuyến đường ở TP Vinh bị ngập úng (Ảnh: Doãn Hòa)
Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, nhiều tuyến đường ở TP Vinh bị ngập úng (Ảnh: Doãn Hòa)

Bên cạnh việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, công tác chèn chống nhà cửa tại các huyện ven biển, kiểm tra hồ đập cũng đã được triển khai đồng bộ. Tại huyện Quỳnh Lưu, tính đến 11h sáng nay, đã có 1190 tàu thuyền của bà con ngư dân thuộc 8 xã biển đã được kêu gọi về nơi trú ẩn an toàn tại các khu neo đậu tránh trú bão, bến cá, cửa lạch cùng ở khu tránh trú bão tỉnh bạn. Để giúp đỡ ngư dân đối phó với bão dố 6, đồn biên phòng Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu đã chủ động kết hợp với các ngành chức năng huyện Quỳnh Lưu, người thân của chủ tàu kêu gọi ngay tàu thuyền về nơi an toàn.

Anh Trần Văn Công (45 tuổi, xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu) cho biết, đây là lần thứ 2 trong vòng 2 tháng, tàu thuyền của bà con phải rời bỏ ngư trường khi đang đánh bắt để về đất liền do có bão. Mặc dù bị thiệt hại về kinh tế, nhưng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện Diễn Châu cho biết, Đồn biên phòng Diễn Thành và chính quyền 9 xã ven biển kêu gọi trên 1400 phương tiện tàu thuyền đang tham gia đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn. Đến thời điểm này, 100% tàu thuyền đã về khu neo đậu an toàn, một số tàu đánh bắt xa bờ cũng đã kịp về cập càng Cửa Lò và Thanh Hóa. Cùng với việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, Diễn Châu cũng quán triệt toàn bộ tàu thuyền chưa được ra khơi đánh bắt khi chưa có quyết định của cơ quan chức năng.

Tại thị xã Cửa Lò, 339 tàu thuyền đánh cá các loại của bà con ngư dân Cửa Lò đã cập bến. Cùng với việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ và bố trí nơi neo đậu an toàn, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Cửa Lò còn chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra các vị trí xung yếu để bổ cứu kịp thời các phương án đối phó. Đặc biệt, ở khu vực bãi tắm, lực lượng cứu hộ thị xã phải túc trực thường xuyên để không cho du khách xuống tắm nhằm đảm bảo an toàn. Thị xã cũng đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân làm dịch vụ ở đây vận chuyển tài sản vào nơi an toàn và chằng chống ki-ốt cẩn thận để đối phó cơn bão số 6.

Trong công điện khẩn, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm (vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét); chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện. Hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người khu vực bị ngập, tràn qua suối, bến đò ngang…

Cùng ngày, vào khoảng 15 giờ chiều nay, một chiếc sà lan của đơn vị thi công các công trình biển đang neo đậu tại khu vực Cảng nước sâu Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị đứt neo. Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết, trên sà lan có 3 người, do sóng to gió lớn và trời tối nên hiện các ngành chức năng và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa xác định được vị trí của sà lan.

Cứu tàu chở 12 ngư dân gặp nạn trên đường đi tránh bão

Đến 20 giờ 30 phút ngày 7/8, bộ đội Biên phòng Thanh Hoá và các lực lượng chức năng vẫn đang liên lạc bằng điện thoại với những người trên sà lan. Theo thông tin ban đầu thì chiếc sà lan nói trên đang trôi về phía vùng biển Nghệ An.

Hiện Trung tâm tìm kiếm cứu nạn đang xác định vị trí của chiếc sà lan gặp nạn và tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Doãn Hòa - Nguyễn Duy - Duy Tuyên