1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Cửu non” - Mắt thấy tai nghe

(Dân trí) - Từ lâu, địa bàn Lạng Sơn là điểm nóng về buôn lậu, đặc biệt là khu vực Hang Dơi, thác Ném. Bằng đủ mọi thủ đoạn, bọn buôn lậu tìm mọi cách thức để làm sao các kiện hàng có thể vượt biên trót lọt, kể cả ném tiền bắt trẻ em cõng hàng thuê.

Với con đường núi toàn đất đá ghồ ghề dài ước chừng hai trăm mét, chúng tôi ì ạch mãi mới “bò” được đến gần đỉnh đồi. Thế nhưng, với những gùi hàng nặng gấp nhiều lần trọng trọng lượng bản thân, rất nhiều đứa trẻ vẫn chạy băng băng từ trên đỉnh núi xuống và trả những bao tải cho chủ của nó. Rồi, lại thoăn thoắt leo lên đỉnh núi. Cứ như thế, các em không khác gì một con thoi, leo lên rồi lại xuống.

 

Để tiếp cận và phá bỏ sự dè dặt của các “cửu vạn nhí”, chúng tôi phải trở thành những chủ hàng bất đắc dĩ. Trong những phút nghỉ ngơi, chúng tôi đã hiểu khá nhiều chuyện xung quanh công việc này của các em.

 

Người chúng tôi gặp đầu tiên là Vân, năm nay mới chỉ 14 tuổi nhưng em phổng phao hơn các bạn cùng trang lứa. Khuôn mặt sạm đen và già trước tuổi, ai cũng đoán Vân chừng 17 hoặc 18 tuổi gì đó. Với hơn một năm kinh nghiệm trên “đường đài”(từ lóng dân buôn lậu gọi đường mòn, dốc núi phía sau trạm Hải quan và Biên phòng Cốc Nam), em có thể biết được lúc nào thì “đường thông”( ít có sự kiểm soát của các lực lượng chức năng) và biết cách ra hiệu cho nhau để trốn tránh, những điều này em không được học trong suốt 7 năm ngồi trên ghế nhà trường cho dù Vân luôn là học sinh giỏi. Những kiến thức mà em có được từ trường lớp chỉ là tính tiền giỏi cho khỏi nhầm vì hết lớp 7, bố mẹ nghe những kẻ buôn lậu xúi giục bắt ở nhà và đi làm cửu vạn. Kể từ bấy đến giờ, em chỉ còn biết nhìn các bạn đi học trong ánh mắt buồn.

 

Hàng ngày, nhiệm vụ của Vân là gùi hàng từ bên kia biên giới qua “đường đài” rồi chuyển xuống chân núi. Mỗi gánh hàng như vậy, trừ “tiền đường”(những người đi qua đường này đều phải nộp 2.000 đồng một người do dân ở đây thu), Vân cũng có 8.000 đồng. Mỗi ngày, nếu “đường thông”, em cũng kiếm được 50.000 đồng.

 

Bất kể mưa gió, nắng nôi, Vân vẫn cặm cụi gùi những thùng hàng nặng gấp hai, ba lần trọng lượng cơ thể để lấy tiền phụ thêm với mẹ nuôi sáu miệng ăn, trong đó có ông bố và anh trai nghiện ma tuý nặng. Khi chúng tôi hỏi về những dự định cho tương lai, em chỉ biết cười buồn: “Chắc chỉ đi buôn lậu thôi, anh ạ”.

 

Trong nhóm “cửu non”(những người chuyên khuân vác hàng hoá trẻ tuổi), Vân được coi là lớn nhất. Tung kém Vân 2 tuổi nhưng lại có thâm niên hơn 2 năm “xẻ biên”(khuân vác hàng hoá khu vực hang Dơi). Hết tiểu học, bố mẹ em nhìn thấy mối lợi nhuận từ việc sử dụng Tung vận chuyển hàng lậu. Và, Tung đã bước vào nghề như vậy.

 

Ngày ngày, cậu có nhiệm vụ gom hàng hoá từ bên kia biên giới và phân phát cho những “cửu non” khác cùng nhóm rồi chuyển xuống dưới chân núi, giao cho chủ hàng. Mỗi ngày như vậy, trừ ăn uống, chi tiêu vặt vãnh, cậu cũng đưa cho bố mẹ khoảng 40.000 đồng. Hai anh lớn của Tung cũng làm cửu vạn như cậu. Còn cô em út, theo dự tính của bố mẹ cậu thì: “Đợi cho nó học hết lớp 5 đi rồi theo anh nó “lên núi” làm”.

 

Cậu cũng muốn đi học nhưng cứ khi nào cậu xin bố mẹ thì nhận được ngay những ánh nhìn dữ dằn: “Mày định ăn bám bố mẹ đến lúc nào đây?”. Như một chuyện khó tin, bố mẹ cậu “khoán” cho hàng ngày phải đem về nhà một số tiền nhất định tuỳ vào thời điểm hàng hoá nhiều hay ít, các lực lượng chức năng có kiểm soát gắt gao hay không.

 

Để đủ tiền nộp “khoán”, cậu có thể liều mạng làm mọi việc. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng tranh giành từng thùng hàng nhóm của cậu với tốp khác. Trong lúc tức giận, nhóm của cậu rút dao găm trong người đuổi và định chém nhóm kia. Ở cái tuổi 12 của cậu, đáng nhẽ được tung tăng đến trường, nô đùa với chúng bạn thì cậu phải mưu tính với cuộc sống đầy phức tạp mà với suy nghĩ non nớt của cậu chưa bao giờ hình dung ra hậu quả của nó.

 

Theo thống kê tạm thời của chúng tôi tại khu vực hang Dơi, thác Ném, có khoảng hơn 30 trẻ vị thành niên làm những công việc tiếp tay cho buôn lậu. Hầu hết các em đều chưa tốt nghiệp trung học cơ sở.

 

Những gì mà tôi được chứng kiến quả thật sẽ làm sửng sốt những nhà quản lý có trách nhiệm: 12 tuổi, Tung biết hút thuốc lá, biết cầm dao đuổi người khác; 15 tuổi, Vân biết đem “vốn tự có” của mình ra “dâng” cho “cai bãi”(người chuyên bảo kê cho đường vận chuyển hàng lậu) để có được những mặt hàng nhẹ mà giá thành vận chuyển lại cao.

 

Bước chân xuống núi, hàng loạt câu hỏi cứ lẩn quất chúng tôi. Nếu các em khác trên địa bàn cứ lún sâu vào những hoạt động tiếp tay cho buôn lậu, lún sâu vào những vòng xoáy tù tội, đánh giết lẫn nhau… thì các bậc làm cha, làm mẹ sẽ nghĩ gì? Họ đã bao giờ hình dung ra nó chưa? Câu hỏi này không phải một sớm một chiều giải quyết được cả.

 

Đem những câu hỏi này cho một vị lãnh đạo của Lạng Sơn, tôi được cho biết giải pháp để giảm rồi chấm dứt hiện tượng này: “Chúng tôi cố gắng phát triển nông nghiệp và các ngành nghề khác để nâng cao đời sống nhân dân, thu hút bà con trở lại với cuộc sống trước đây thì chuyện tiếp tay cho hàng lậu sẽ giảm”. Nhưng khi hỏi về biện pháp cụ thể, không chung chung như vậy thì… “còn chờ chính sách hỗ trợ”. Điều này đồng nghĩa với việc các em vẫn “xẻ biên” đều đều cho đến khi có “chính sách hỗ trợ”.

 

Hưng Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm