1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cứu được đàn lợn hàng chục tỷ đồng nhờ tiêm vắc xin thử nghiệm

(Dân trí) - Một cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn ở thị trấn Bích Động (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã cứu được đàn lợn hàng nghìn con trị giá hàng chục tỷ đồng vì tiêm thử nghiệm vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTN, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 8.570 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là gần 6 triệu con, tổng trọng lượng là hơn 340.000 tấn. Hiện nay, cả nước chỉ còn gần 540 xã (chiếm 6,3% tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Văn Tú, cán bộ thú y của thị trấn Bích Động (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, thời điểm trước khi có dịch, tổng số đàn lợn ở địa bàn có khoảng 2.300-2.400 con (các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ). Đến ngày 20/3/2019, DTLCP bắt đầu bùng phát tại địa phương này, khiến 90% đàn lợn của địa phương phải tiêu hủy. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn khoảng trên dưới 500 con lợn ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Cứu được đàn lợn hàng chục tỷ đồng nhờ tiêm vắc xin thử nghiệm - 1

Ông Trần Văn Tú trao đổi với phóng viên Dân trí.

“Đến thời điểm này, rất nhiều hộ chăn nuôi lợn của xã đã trắng tay vì DTLCP. Hiện nay dịch này đã giảm, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tích cực tái đàn để đảm bảo cân đối nguồn cung thịt lợn cho thời gian tới. Tuy nhiên, chỉ những hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học mới được tái đàn, nếu tự ý tái đàn mà xảy ra dịch sẽ không được nhà nước hỗ trợ” – ông Tú nói.

Theo lời ông Tú, thời điểm DTLCP “càn quét” trên địa bàn thị trấn Bích Động, nhiều hộ chăn nuôi “đứng ngồi không yên” vì trót đầu tư hàng tỷ đồng cho đàn lợn.

Tuy nhiên, trên địa bàn thị trấn Bích Động có một cơ sở chăn nuôi đã cứu sống được hàng nghìn con lợn trị giá hàng chục tỷ đồng nhờ “đánh liều” tiêm vắc xin thử nghiệm phòng DTLCP của nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT), đó là cơ sở chăn nuôi của anh Lê Văn Hải.

Anh Trần Thanh Liêm, phụ trách kỹ thuật tại cơ sở chăn nuôi trên chia sẻ: “Cơ sở chúng tôi có quy mô khoảng hơn 1.000 con lợn thịt. Thời điểm có dịch chúng tôi rất lo lắng, do không có vắc xin nên chúng tôi chỉ biết làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như đảm bảo tốt vấn đề an toàn sinh học. Khi thấy nhiều hộ chăn nuôi xung quanh lợn chết hết, chúng tôi rất lo lắng vì đầu tư quá nhiều tiền, nếu lợn nhiễm dịch tả là chúng tôi trắng tay”.

Cũng theo anh Liêm, vào thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” thì được một thành viên của nhóm nghiên cứu vắc xin DTLCP của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặt vấn đề sẽ cung cấp một số lượng vắc xin thử nghiệm để tiêm cho đàn lợn của cơ sở này. Sau đó, cơ sở của anh Liêm đã đồng ý và tiến hành tiêm vắc xin thử nghiệm cho 100% đàn lợn.

“Khi chúng tôi tiêm vắc xin này vào đàn lợn thịt, tôi thấy 1-2 con có biểu hiện sốc nhẹ như nôn, tôi cho rằng phản ứng của vắc xin như vậy là tốt. Sau đó, chúng tôi tiến hành tiêm đồng loạt thì đàn lợn đều ổn định, phát triển tốt. Sau khi tiêm xong một thời gian, chúng tôi tiến hành lấy mẫu phẩm ở lợn mang đi xét nghiệm và tất cả đều âm tính với dịch tả lợn châu Phi ” – anh Liêm phấn khởi chia sẻ.

Cứu được đàn lợn hàng chục tỷ đồng nhờ tiêm vắc xin thử nghiệm - 2
Cứu được đàn lợn hàng chục tỷ đồng nhờ tiêm vắc xin thử nghiệm - 3
Cứu được đàn lợn hàng chục tỷ đồng nhờ tiêm vắc xin thử nghiệm - 4

Đàn lợn thoát dịch tả châu Phi tại cơ sở chăn nuôi của anh Lê Văn Hải.

Mặc dù là cán bộ thú y nhưng gia đình anh Trần Văn Tú nói trên cũng bị thiệt hại 500 triệu đồng vì DTLCP.

Anh Tú cho biết, vào tháng 8/2018, gia đình anh mua 30 con lợn nái về nuôi; đến tháng 3/2019, toàn bộ đàn lợn này đang chuẩn bị sinh sản thì mắc DTLCP nên buộc phải tiêu hủy.

“30 con lợn nái của gia đình tôi ở thời điểm tháng 3/2019 trị giá khoảng 500 triệu đồng đã buộc phải tiêu hủy vì nhiễm DTLCP. Đến tháng 8/2019, tôi lại bắt 20 con lợn nái về nuôi và tôi cũng lấy vắc xin thử nghiệm chỗ Học viện Nông nghiệp Việt Nam về tiêm thử nghiệm thì thấy đến nay đàn lợn nái 20 con này vẫn phát triển tốt. Thú thực có ít vắc xin thử nghiệm này tôi mới dám tái đàn như vậy” – ông Tú chia sẻ.

Trước đó, cuối tháng 12/2019, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu để sản xuất vắc xin phòng DTLCP và cũng giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện công việc này, bước đầu đã có tín hiệu tích cực ở giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Cứu được đàn lợn hàng chục tỷ đồng nhờ tiêm vắc xin thử nghiệm - 5

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (phải) trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn về nghiên cứu sản xuất vắc xin DTLCP, hồi tháng 12/2019.

Tại cuộc họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vắc xin, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống bệnh DTLCP ở Bộ NN&PTNT, hồi tháng 7/2019, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, học viện đã nghiên cứu vắc xin vô hoạt, bước đầu đã thành công trong phòng thí nghiệm.

Đặc biệt, trong khi thử độc lực virus trên lợn đã chọn ra được 3 chủng virus DTLCP có độc lực cao, xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bố của virus trong cơ quan con lợn.

Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin, đến nay các nhóm nghiên cứu của Học viện đã tạo được vắc xin vô hoạt thế hệ mới, bước đầu có kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp. 

Đánh giá về độ an toàn của vắc xin, đại diện Học viện Nông nghiệp cho biết, vắc xin an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên). 

Nguyễn Dương