1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuốn nhật ký liệt sĩ thất lạc 45 năm và hành trình về quê hương

(Dân trí) - “Nhận nhật ký một cách thụ động, nhưng mở từng trang ra đọc tôi thấy đó như một thư viện nhỏ với những vần thơ đầy cảm xúc. Chúng tôi truyền tay nhau say mê ghi chép, học thuộc… lớn lên theo nó. Sau này, tôi luôn mong đưa cuốn sách về với gia đình”.

Đó là những lời chia sẻ đầy cảm xúc của ông Lý Quang Nhân (quê Quảng Bình) trên hành trình dài hàng trăm kilômét đưa cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng về với gia đình liệt sĩ ở Hải Phòng. Ông Nhân cũng chính là người mất rất nhiều công sức để lưu giữ - tìm kiếm gia đình liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng.

Tuổi thơ bồi đắp từ những dòng nhật ký của liệt sĩ

Vì hồi hộp mong gặp gia đình liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng và cũng vì sắp phải chia tay cuốn nhật ký đã trân trọng lưu giữ hàng chục năm, nên hành trình xuyên đêm trên xe khách mặc dù rất mệt nhưng ông Nhân không hề chợp mắt. “Đưa được cuốn sổ về với gia đình tôi thực sự cảm thấy vui mừng khôn xiết, nhưng đôi lúc lại thấy bùi ngùi như mình đang phải xa chú Hùng. Không bùi ngùi sao được bởi nó là kỷ vật nó luôn bên mình, thậm chí dù đã thuộc lòng nhưng vẫn hàng ngày bỏ ra đọc”, ông Nhân bùi ngùi nói.

Ông Lý Quan Nhân thận trọng dở từng trang nhật ký

Ông Lý Quang Nhân thận trọng dở từng trang nhật ký

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nhân cho biết, hồi nhỏ (khoảng 11 tuổi) ông nhận được cuốn nhật ký (khoảng năm 1968) một cách thụ động từ đồng đội của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng nên lúc đó chưa cảm thấy hết giá trị, ý nghĩa lớn lao của nó. Tuy nhiên, sau này khi mở từng trang nhật ký ra đọc ông mới cảm thấy đó như một thư viện nhỏ nuôi dưỡng tâm hồn ông.

“Đọc những đoạn tư liệu (trích những câu văn thơ hay của nhiều tác giả) và những vần thơ đầy cảm xúc viết về chiến tranh, người lính ra trận, khi đó tôi thấy rất cảm phục chú Hùng. Nghĩ vật báu đó không phải của riêng mình nên tôi truyền tay cho bạn bè trong xóm sao chép, suy ngẫm, học tập đển noi theo”, ông Nhân nhớ lại.

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng đã tìm được về với gia đình

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng đã tìm được về với gia đình

Cũng từ đó, cuốn nhật ký đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương đất nước cậu học trò Nhân từ lúc nào không hay và sau này ông Nhân là thầy giáo dạy văn, mỹ thuật.
 
Trong cuốn nhật ký, chiến sĩ Lưu Mạnh Hùng đã viết:
 
Nghe lời cha, con muốn là Thánh Gióng
Vút bổng trời cao kéo Mỹ lộn nhào
Nghe lời cha, con muốn làm viên gạch
Xây lên nhiều nhà máy, lò cao
Nghe lời cha, con muốn là dòng nước
Chảy theo kênh tưới mát ruộng vườn
Còn muốn là viên đạn thép bọc đồng
hay là viên đạn phá
Nhằm thẳng quân thù con sáng rực không trung
Gặp máy bay thù con sẽ nổ tung

Nghe lời cha:

Trái tim con với quân thù là đá
Với nhân dân con là cả tình thương
Nguyện một đời con mãi dưới cờ cha

(Dòng tâm huyết khi nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch)

Đáp lại những vần thơ đầy nhiệt huyết đó của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, năm 1975 ông Nhân viết:

Mạnh Hùng ơi anh có hiểu chăng
Chúng em đây tuổi trẻ giết thù
Chúng em đây tiếp bước đường anh
Tiếp bước đường cách mạng Việt Nam

(Đoạn thơ được cậu học sinh Nhân hồi đó viết tiếp vào cuốn nhật ký)

Dù chưa một lần được gặp chủ nhân nhật ký, nhưng từ những gì học được trong đó, ông Nhân luôn coi tinh thần lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn và ý chí chiến đấu trong chiến tranh như một tấm gương lớn để mình noi theo.

Gian nan hành trình đưa nhật ký về quê hương

Trừ những lúc cho bạn bè mượn để ghi chép, học hỏi, ông Nhân lưu giữ cuốn nhật ký như một vật báu bên mình. Cho chúng tôi xem những trang viết đầy cảm xúc của liệt sĩ Hùng, ông Nhân hết sức cẩn trọng lật từng trang giấy. Trải qua thời gian gần 50 năm, cùng với mưa bom bão đạn, một phần cuốn nhật ký đã bị mục, mực cũng đã nhòe. Nhưng chỉ cần nhìn nét chữ thanh thoát của liệt sĩ Hùng và người bạn (Xuân Thân) được viết trong chiến tranh ác liệt cũng khiến người đọc rưng rưng nước mắt.

Qua thời gian, cùng với chiến tranh một phần của cuốn nhật ký bị mục nát
Qua thời gian, cùng với chiến tranh một phần của cuốn nhật ký bị mục nát

Đến năm 1978, cuốn nhật ký đã bị lưu lạc và ông Nhân bắt đầu hành trình tìm nó mất gần 20 năm. “Nghĩ những dòng trong nhất ký có quá nhiều giá trị thế nên tôi cho bạn bè mượn đọc. Thế nhưng mọi người truyền tay nhau quá nhanh nên có bị thất lạc”, ông Nhân nói.

Luôn đau đáu đưa cuốn nhật ký về với gia đình người liệt sĩ, nên khi nghe thấy bất kỳ manh mối nào dù là nhỏ nhất, ông Nhân cũng tìm đến tận nơi hoặc gọi điện để xin lại. Trải qua gần 20 năm tìm kiếm, mãi đến năm 2008, ông Nhân mới nhận lại được cuốn nhật ký.

“Vào Nam, ra Bắc lần theo dấu vết những người bạn đã mượn nhật ký, cuối cùng tôi thấy nó trong hộp đựng đàn người bạn học cùng lớp trước đây. Lúc đó bạn tôi cũng đã mất khá lâu, trong gia đình không ai biết anh ấy là người cuối cùng giữ nhật ký”, ông Nhân nghẹn ngào nói.

Nội dung trong cuốn nhật ký có ảnh hưởng không nhỏ đến ông Nhân và người bạn

Nội dung trong cuốn nhật ký có ảnh hưởng không nhỏ đến ông Nhân và người bạn

Trong cuốn nhật ký có câu thơ “Quê mình Nam Triệu, Đồ Sơn”, ông Nhân đã phán đoán đây là quê hương liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng. Từ đó ông nhiều lần tìm cách liên lạc với gia đình liệt sĩ Hùng nhưng không có kết quả. Ngày 17/7/2013, ông gửi thông tin về cuốn nhật ký tới Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) và không ngờ Giám đốc Nguyễn Quốc Hưng đặc biệt quan tâm đến thông tin này.

Ông Hưng cho biết, ngay sau khi nhận được thư, trung tâm MARIN đã tra cứu dữ liệu và kiểm tra thông tin về liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng hy sinh ngày 26/5/1968 tại Quảng Bình với thông tin nguyên quán có thể là Hải Phòng. Sau đó, đơn vị này tiếp tục liên hệ với cán bộ Phòng Người có công của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng và được cung cấp thông tin chi tiết về thân nhân của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng là ông Lưu Mạnh Dũng (em trai), hiện đang sống tại số nhà 11/75 đường Cát Bi, phường Cát Bi, thành phố Hải Phòng.

Chị Lưu Thùy Dương (gọi liệt sĩ Hùng là bác ruột) cho biết, nhận được thông tin cuốn nhật ký sắp trở về, cả gia đình rất bất ngờ, xúc động. “Trước đây, khi bác hy sinh, đơn vị cũng gửi một số kỷ vật về, tuy nhiên năm 1972, khi Mỹ ném bom B52 rải thảm miền Bắc, nhà tôi bị đánh sập mất toàn bộ vật dụng. Trưa ngày 17/7, nhận được tin chú Nhân giữ cuốn sổ của bác, cả nhà rất ngỡ ngàng, xúc động”, chị Dương chia sẻ.

Theo chị Dương, gia đình rất nhiều lần vào Quảng Bình để tìm kiếm mộ liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng nhưng không thành. Gia đình được biết, trước đó, mộ của liệt sĩ Hùng được một người mẹ tên là Sệu chăm lo, nhưng khi quy tập về nghĩa trang ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình không được đánh số cẩn thận nên chưa xác định rõ ngôi nào.

Quang Phong