1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cưỡi tàu cá “đi săn” tàu ngầm

Mọi mệt nhọc, đói khát như tan biến, chúng tôi hào hứng, mê mải chụp ảnh tàu ngầm Hà Nội - HQ182, với cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc, tiến vào Quân cảng Cam Ranh lúc 14 giờ ngày 3/1.

Tàu ngầm Hà Nội - HQ182 được đưa ra khỏi tàu Rolldock Sea.
Tàu ngầm Hà Nội - HQ182 được đưa ra khỏi tàu Rolldock Sea.
 
Tàu ngầm Hà Nội, số hiệu HQ-182, là chiếc đầu tiên trong số 6 chiếc tàu ngầm diesel - điện lớp 636 Varshavyanka (Kilo), do Nga sản xuất cho Việt Nam theo hợp đồng được ký kết trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 12/2009.

 

Việc Việt Nam sở hữu loại tàu ngầm tấn công phi hạt nhân hiện đại là niềm vui, niềm tự hào của người dân Việt Nam. Việc tàu ngầm Hà Nội - HQ182 được đưa lên tàu Rolldock Sea, chuyển từ Nga về Việt Nam thu hút được nhiều sự chú ý, ngay từ cuối tháng 11/2013.

 

Từ cuối tháng 12/2013, khi tàu Rolldock Sea đưa tàu Hà Nội - HQ182 về gần vùng biển Việt Nam, tôi liên tục nhận các cuộc gọi. Có người xin ảnh, có người dặn “nhớ quay clip vài phút lễ bàn giao, tiếp nhận tàu nhé”.

 

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ tư lệnh Vùng 4 nói rằng, thẩm quyền cho phóng viên tác nghiệp tại sự kiện đón tàu Hà Nội là của Bộ Tư lệnh Hải quân, không thuộc Bộ tư lệnh Vùng 4. Gọi cho lãnh đạo Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân, được trả lời, chưa có chủ trương mời nhà báo đón tàu.

 

Cưỡi tàu cá đi săn ảnh tàu ngầm

 

Tôi và đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, TTXVN và VTV bàn nhau, sẽ thuê tàu đi săn ảnh tàu Rolldock và tàu ngầm Hà Nội trên vịnh Cam Ranh. Dù một nguồn tin rất đáng tin cậy cho biết, tàu Rolldock Sea không thể về đến vịnh Cam Ranh trước đêm 31/12/2013, nhưng các ngày 30/12/2013 và 31/12/2013, lúc nào chúng tôi cũng trong trạng thái sẵn sàng lên đường.

 

Tàu ngầm tiếp xúc nước vịnh Cam Ranh.

Tàu ngầm tiếp xúc nước vịnh Cam Ranh.

 

Sáng sớm 1/1, chúng tôi vào phường Cam Phúc Nam (thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa), thuê tàu cá ra vịnh Cam Ranh tìm tàu Rolldock Sea. Hơn 8 giờ sáng, chúng tôi chụp những bức ảnh, quay những đoạn phim đầu tiên về tàu Rolldock Sea, chở theo tàu ngầm Hà Nội – HQ182 đang neo đậu tại khu vực mũi Sộp (Mũi Hời), thôn Tàu Bể (xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh). Mỗi khi tàu chở chúng tôi tiến lại gần tàu Rolldock, liền có những hồi còi cảnh báo vang lên. Dẫu sao, tôi cũng đã có bức ảnh cho thấy rõ một phần tàu ngầm Hà Nội – HQ182 đang nằm trong lòng tàu Rolldock Sea.

  

Theo kế hoạch, tàu ngầm Hà Nội sẽ được đưa ra khỏi tàu Rolldock Sea và vào Quân cảng Cam Ranh ngày 3/1. Nhưng chiều 2/1, nhóm phóng viên chúng tôi đã tìm tới Mũi Hời, xã Cam Lập. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Nguyên và anh Trai, hai người dân xóm Tàu Bể, sau gần một giờ mệt bở hơi tai leo dốc đá, chui qua những bụi cây gai rậm rạp, chúng tôi tới được một mỏm đá cao gần Mũi Hời. Từ đây, có thể thấy rõ tàu Rolldock Sea, nhưng để có ảnh đẹp, lại phải cần đến ống kính siêu zoom. Chiều tối, chúng tôi quyết định nghỉ lại thôn Bình Lập, tìm thuê tàu để mai đi biển.

 

Tại một khu nghỉ mát bình dân, đám phóng viên tròn mắt khi nghe báo, giá một phòng ở đây là 800.000 đồng/đêm. Đang phân vân thì anh Nguyên gọi báo, có anh Nguyễn Văn Dô ở thôn Bình Lập cho nghỉ lại nhà, lại có tàu chở chúng tôi… Sau một bữa tối vui vẻ, thân tình với gia chủ và một giấc ngủ say, 5 giờ sáng 3/1, chúng tôi theo tàu của anh Dô ra nơi tàu Rolldock neo đậu. Trời còn chưa sáng, nhưng nhờ ánh đèn của Rolldock Sea, chúng tôi nhận thấy dòng chữ Rolldock Sea ở mạn tàu bắt đầu tiếp giáp mặt nước, biết rằng nó đang được làm chìm xuống.

 

Khoảnh khắc tuyệt vời

 

Từ Mũi Hời, quan sát và chụp ảnh quá trình Rolldock Sea được làm chìm khá thuận lợi, nhưng nghiệt nỗi, không như hôm 2/1, đuôi tàu quay vào Mũi Hời, ngày 3/1, đuôi tàu lại quay về phía Quân cảng. Muốn quan sát phần đuôi Rolldock Sea để biết thời điểm đưa tàu Hà Nội ra, chúng tôi phải vào gần Quân cảng, và chắc chắn sẽ bị đuổi ra. Do vậy, lúc gần 10 giờ, khi nhận thấy Rolldock Sea đã được làm chìm gần đến mức tối đa, chúng tôi mới lên tàu, tiến lại phía đuôi tàu…

 

Tàu ngầm tiếp xúc nước vịnh Cam Ranh.
Nhóm phóng viên và anh Nguyễn Văn Dô (thứ ba từ trái sang) sau chuyến săn ảnh tàu ngầm Hà Nội chiều 3/1

 

Chỉ vài chục phút sau đó, tất cả dường như cùng ồ lên, khi nhìn thấy phần đuôi tàu ngầm Hà Nội đã chạm vào nước vịnh Cam Ranh. Máy ảnh bấm tanh tách, liên hồi. Chỉ được vài phút, có chiếc xuồng CQ của Vùng 4 hú còi, lao tới yêu cầu tàu chúng tôi ra xa khu vực tàu Rolldock Sea.

 

Gần 12 giờ, tàu chúng tôi thả trôi ở khoảng giữa tàu Rolldock Sea và Cty Công nghiệp tàu biển Cam Ranh. Mọi người đều đói, nhất là khát. Lúc sáng vội đi sớm, chả ai kịp mang theo đồ ăn và nước uống. Bây giờ, dù đói khát, không dám rời xa “trận địa”, vì không biết tàu Hà Nội sẽ được đưa ra khỏi tàu Rolldock Sea vào lúc nào. Gần 1 giờ chiều, bác tài cũng không chịu nổi cơn khát, bàn cách đến các bè nuôi tôm cá xin nước, mua mì tôm. Tìm mãi mới gặp một bè có người canh, nhưng không còn mì tôm, chỉ còn chưa đầy hai bát cơm nguội, và nước lã. Tám người chia nhau hai bát cơm nguội, chưa bao giờ thấy cơm nguội ngon như thế.

 

Tàu ngầm được lai dắt vào Quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Nguyễn Đình Quân.
Tàu ngầm được lai dắt vào Quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Nguyễn Đình Quân.

 

Anh chủ bè lấy nải chuối trên bàn thờ, chưa chín hẳn, mọi người vừa lột vỏ chuối, bỗng thấy một chiếc tàu lai dắt cạnh Rolldock Sea phun khói. Tàu Hà Nội đang được kéo ra. Chiếc tàu của chúng tôi vội vã nhằm hướng tàu Rolldock Sea lao tới. Vừa kịp khoảnh khắc tàu Hà Nội được kéo ra khỏi Rolldock Sea, bơi trên vịnh Cam Ranh. Lúc đó là 13 giờ 30 phút. Một khoảnh khắc tuyệt vời. Càng vui hơn khi qua ống kính têlê, tôi nhìn thấy quốc kỳ Việt Nam đã được treo trên boong tàu Hà Nội, tàu được sơn số hiệu HQ182. Sau đó là những cú bấm máy liên tục, là đoạn clip quay trong khi tàu tròng trành, nghiêng ngả, trong tiếng xuýt xoa của các đồng nghiệp…

 

Theo Nguyễn Đình Quân
 Tiền Phong