1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Chủ tịch Quốc hội:

Cuối năm vẫn lấy phiếu tín nhiệm

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí ngày 23/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sẽ lùi thông qua dự thảo Nghị quyết 35 sửa đổi, do vậy, cuối năm nay vẫn tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đến thời điểm này dự thảo Nghị quyết 35 (sửa đổi) về lấy phiếu tín nhiện, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu, vậy xin ông cho biết ngày mai Quốc hội có thông qua dự thảo Nghị quyết này không?

Vấn đề về hình thức, thời điểm, thời gian lấy phiếu, cũng như quy trình xử lý hệ quả của việc lấy phiếu cũng có những ý kiến khác nhau. Chính vì thế đại biểu Quốc hội đồng ý với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là lùi thời hạn việc thông qua Nghị quyết 35 để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo chất lượng tạo ra sự đồng thuận cao hơn.

Quốc hội cũng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan lấy ý kiến của cử tri, lấy thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội Hội đồng nhân dân để hoàn thiện dự thảo của Nghị quyết 35.

Cuối năm vẫn lấy phiếu tín nhiệm
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chú Lưu việc lấy phiếu tín nhiệu trong kỳ họp tới sẽ thực hiện theo Nghị quyết 35 như vừa qua (Ảnh: Việt Hưng)

Chưa thông qua dự thảo Nghị quyết 35, vậy thì kỳ họp diễn ra vào cuối năm nay, Quốc hội có lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn không?

Ủy ban Thường vụ Quốc và đại biểu Quốc hội đều nhất trí 3 nội dung quan trọng, thứ nhất là phải xác định tiếp tục chủ trương lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Thứ hai cuối năm nay vẫn tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn. Thứ ba là đồng ý chuyển sang kỳ họp sau để làm cho tốt hơn.

Như vậy, đợt lấy phiếu tín nhiệm tới đây vẫn dựa vào Nghị quyết 35?

Dự kiến trong kỳ họp cuối năm, Quốc hội cũng sẽ thông qua nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 35. Như vậy, Nghị quyết này sẽ không thể có hiệu lực ngay tại kỳ họp thứ 8, do cần ít nhất 45 ngày để làm các thủ tục cần thiết, trước khi nghị quyết có hiệu lực. Do vậy, việc lấy phiếu tại kỳ họp tới sẽ thực hiện theo Nghị quyết 35 như vừa qua.

Nhiều đại biểu cho rằng cần mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm xuống lãnh đạo các Sở ngành ở UBND thành phố trực thuộc Trung ương thì sao, thưa ông?

Tại kỳ họp này có rất nhiều ý kiến đại biểu khác nhau về nội dung, ví dụ như đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu và cử tri đề nghị mở rộng thêm đối tượng là Giám đốc Sở và các Trưởng phòng của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chức danh đầu ngành khác, đấy cũng là vấn đề khác biệt.

Những ngày qua, một số đại biểu cho rằng Quốc hội nên có Nghị quyết riêng về tình hình biển Đông để thể theo nguyện vọng của cử tri. Vậy xin ông cho biết, Quốc hội có tính đến việc này hay không?

Ngay từ đầu kỳ họp Quốc hội đã thảo luận, trao đổi kỹ tại hội trường về vấn đề trên. Từ đó, Quốc hội đã ra thông báo tuyên bố rõ lập trường chính nghĩa của ta và nói rõ quan điểm xử lý vấn đề Biển Đông. Trong kỳ họp, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cũng đã gửi công hàm đến cho Quốc hội và nghị sỹ các nước, trong đó nêu rõ những yêu cầu và quan điểm của Việt Nam với vấn đề biển Đông. Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa sẽ nói rõ lập trường của Quốc hội Việt Nam để cử tri và đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế về thái độ của Việt Nam trước vấn đề Biển Đông.

Xin cám ơn ông!

Quang Phong (ghi)