Đắk Lắk:
Cuối năm lam lũ lau “nhà” cho người chết
(Dân trí) - Dưới cái nắng chói chang ngày cận tết, từng phận đời dáng vẻ gầy nhom, mặt bịt kín, tay cầm xô, chậu, khăn giẻ… len lỏi giữa hàng nghìn nấm mồ tất bật lau dọn. Họ chính là những người lau mộ phần cho người đã khuất.
“Làm dâu trăm họ…”
Hơn 8 năm qua, chỉ trừ những ngày áp thấp hoặc bão tố, đều đặn ngày 2 buổi bà H. (nhân vật đề nghị không nêu tên, 47 tuổi, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) vẫn đều đặn đến nghĩa trang thành phố Buôn Ma Thuột để làm công việc lau mộ phần cho người đã khuất. Nói về công việc này, bà bảo: “Làm công việc này cũng giống như làm dâu trăm họ! Có nhà người ta dễ chịu thoải mái, rối rít cảm ơn, nhưng cũng có nhà lại khó chịu, bắt phải thế này thế kia cũng khổ lắm”.
Mặc cho cái nắng gắt gỏng, bà H. hai tay cầm xô, chậu, khăn giẻ… đi về phía một ngôi mộ để lau chùi. Đến nơi, bà vắt chiếc khăn sạch rồi bắt đầu lau từ trên bàn thờ của người đã khuất lau xuống. Từng động tác lau chùi của bà H. rất tỉ mẩn nên chẳng mấy chốc ngôi mộ lại sạch loáng như mới xây.
Ở nghĩa trang này, bà H. nhận lau chùi 100 ngôi mộ cho gia đình người quá cố nên dù vất vả đến mấy, bà vẫn hoàn thành trước lúc mặt trời khuất bóng. Dù thỉnh thoảng thân nhân của người đã khuất mới đến thăm viếng, hương khói, nhưng không vì thế mà những người lau mộ phần như bà làm qua loa, đối phó. “Tự lương tâm mình làm thôi, chứ không gian dối bao giờ vì mình làm cho người ta để lấy tiền. Vả lại mình luôn tâm niệm làm công việc này để người âm họ còn phù hộ độ trì cho mình nữa”, bà H. tâm sự.
Cạnh khu mộ lau dọn của bà H. chừng vài trăm mét, chị L. (32 tuổi, phường Tân Lợi) đang hoàn tất công đoạn lau chùi cuối cùng cho một phần mộ với chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi. Chị L. chia sẻ: “Ngày thường thì mình lau dọn từ từ cũng được, nhưng mấy ngày tết này, 2 hoặc 3 giờ sáng phải đánh xe vô đây lau dọn để 8 giờ thân nhân vào hương khói, thăm viếng”.
Chị L. kể, công việc lau mộ phần cho gia đình người đã khuất không phải ai cũng có thể hiểu được. Với những gia đình thường xuyên vào nghĩa trang thăm viếng, thì dĩ nhiên họ hiểu và thông cảm với công việc mà các chị làm hàng ngày. Tuy nhiên, công việc này cũng lắm oái oăm, không ít gia đình do đặc thù công việc hoặc bận làm ăn xa, một năm chỉ đôi lần ghé thăm nghĩa trang, nên chỉ một lần thấy phần mộ không tinh tươm, họ lại “lôi” người lau dọn ra cằn nhằn.
“Mặc dù ngày nào mình cũng lau dọn rất đàng hoàng, làm công việc này không ai dám làm qua loa đâu, làm như vậy mang tội chết. Lỡ may gió hất đất làm bẩn ngôi mộ, người ta lấy tay quẹt một cái, tỏ ra không hài lòng, những lúc ấy cảm thấy rất buồn, không biết phải giải thích thế nào”, chị L. trải lòng.
Tủi phận… ngày cuối năm
Với công việc lau mộ phần cho người đã khuất, hàng tháng đem lại thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng cho các chị em mưu sinh ở đây. Nhưng ngặt ở chỗ, công việc này không thanh toán theo tháng, mà đến cuối năm, thân nhân người quá cố mới thanh toán cho người chăm mộ.
Chị L. kể, do không có tiền trang trải nên hàng ngày chị đi chợ “mua chịu” rồi hẹn cuối năm trả, hiện đã cận tết nhưng tiền công lau mộ chưa lấy được nên chị còn nợ 10 triệu đồng tiền gạo, ga, muối, mắm... ở ngoài chợ. “Mọi người đi làm thì tới tháng lãnh lương, nhưng các chị em làm nghề lau mộ ở đây hàng tháng không dám nghĩ đến tiền bạc, cứ nghĩ số tiền đó là phù du, ở đâu đâu chưa hề về đến nhà mình. Còn chuyện con cái đi học, thì vay chỗ nọ đập chỗ kia rồi cuối năm trả, mấy chục chị em lau mộ ở đây ai cũng vậy”, chị L. tâm sự.
Trong khi đó, ở khu mộ bên cạnh, dù trời đã đứng bóng nhưng bà Đ. (50 tuổi) vẫn nán lại nghĩa trang để cộng tiền công lau mộ cuối năm. “Nghĩa trang này đã tạo công an việc làm cho hơn 30 người. Nhiều gia đình khó khăn, làm ăn bết bát thì họ trả tiền công cho mình hơi chậm, hoặc ra tết trả lần lần, mình hiểu nên cũng thông cảm. Có gia đình họ làm ăn được thì trả đầy đủ, nhiều khi lại cho thêm. Làm nghề này chỉ mong cuối năm thân nhân trả hết tiền cho mình là rất mừng vì đó là công lao động cả một năm”, bà Đ. chia sẻ.
Trời dần xế chiều, dòng người vào nghĩa trang thăm viếng đã dần thưa thớt, nhưng hàng chục phụ nữ vẫn len lỏi giữa hàng ngàn ngôi mộ lạnh lẽo để lau dọn mộ phần. Trong tiếng gió rít qua, đâu đó tiếng ai đó nói khẽ: “Giờ này người ta ở nhà dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón tết, còn mình thì ngồi ở nghĩa địa để chực lấy tiền, chực đến 8 đến 9 giờ tối đâu có thời gian làm mâm cơm đặt lên bàn thờ ông bà, có làm đi chăng nữa thì giao cho chồng, cho con”.
Viết Hảo