1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuối năm Hà Nội xây mới khu tập thể Văn Chương

Ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng nhà số 2, vừa cho biết, cuối năm dự kiến có thể khởi công khối nhà 15 tầng đầu tiên trong tổ hợp nhà cao tầng, dần biến khu tập thể Văn Chương cũ (quận Đống Đa, Hà Nội) thành khu đô thị hiện đại, văn minh.

Theo dự án, trên diện tích 4,2 ha, nhiều khối nhà 5-6 tầng đã xây dựng từ những năm 60-70 sẽ được đập đi, xây mới thành 4 khối nhà 15 tầng, 3 khối nhà 19 tầng và 2 nhà cao 25 tầng cùng với chuỗi văn phòng thương mại, siêu thị, trường học... Mật độ xây dựng đạt 42% thay vì mật độ 70% như hiện nay. Khu đô thị sẽ định cư hơn 4.000 dân, trong đó 3.800 người dân được tái định cư tại chỗ. Ba hồ Văn Miếu, Linh Quang, Văn Chương sẽ là không gian xanh tạo hai tuyến trục cảnh quan chính, công trình nhà ở cao tầng kết hợp thương mại kéo dài từ hồ Linh Quang đến nhà thờ Hàng Bột.

 

Theo Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng nhà số 2 Nguyễn Chí Sỹ, đơn vị chủ đầu tư chuẩn bị trình thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trong thời gian xây dựng, các hộ dân tạm cư sẽ được chuyển đến Làng sinh viên trong thời gian 1,5-2 năm.

GS Nguyễn Thế Bá, chủ nhiệm tư vấn, khẳng định, các khối nhà cao tới 25 tầng tại đây sẽ không phá vỡ cảnh quan của trung tâm thành phố. Bởi nó nằm sát hồ Linh Quang, trên không gian rộng, lại bố trí trong khu dân cư chứ không nằm dài trên các tuyến phố.

 

Cơ cấu căn hộ rộng từ 60 đến 100m2, với diện tích bình quân đạt 25m2/người, đảm bảo điều kiện sống lâu dài cho dân cư.

 

Tuy nhiên, việc triển khai dự án cũng gây nhiều băn khoăn cho dân cư khu vực. Theo ông Chu Văn Nguyên, tổ 2BA3, phần lớn các hộ dân tại đây là công nhân viên chức, hưu trí, thu nhập thấp, đang sống trong diện tích căn hộ khoảng 20-30 m2. "Việc mua thêm diện tích là khó khăn. Gia đình tôi không thể có tiền để mua thêm 40-50 m2 nhà", ông Nguyên nói.

 

Ngoài ra, tình trạng cơi nới, lấn chiếm tại khu tập thể Văn Chương là khá phổ biến. Một số căn hộ tại tổ 2BA3 có diện tích cơi nới gấp 2- 3 lần so với diện tích nhà. Như căn hộ ông Nguyên rộng hơn 100 m2, song chỉ 21 m2 là hợp pháp, còn lại là cơi nới mà thành. Một số người dân cho biết, họ sẽ không chấp thuận nếu nhà nước chỉ bồi thường diện tích hợp pháp. Bởi họ đã định cư ổn định trên diện tích lấn chiếm đã 20-30 năm nay.

 

Bên cạnh đó, những căn hộ tầng 1 cũng lo lắng sẽ mất nguồn thu nhập từ kinh doanh cửa hàng, bởi sẽ phải chuyển lên các nhà cao tầng theo như dự án.

 

Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Ban quản lý dự án, chủ đầu tư cho biết chưa có chính sách đền bù cụ thể tới người dân, bởi dự án đang trong thời gian chờ thành phố phê duyệt. Dự kiến, tổ hợp nhà cao tầng này sẽ được đưa vào sử dụng sau 5 năm.

 

Ông Nguyễn Đình Huấn, Chủ tịch phường Văn Chương, cũng nhận xét, việc giải phóng mặt bằng sẽ rất khá phức tạp vì liên quan gần 1.000 hộ dân, trong đó nhà cho thuê của nhà nước là 32%, tư nhân là 42%, nhiều căn hộ đã qua tay nhiều đời chủ, tình trạng cơi nới, tranh chấp khá phổ biến. Do vậy, ngoài nỗ lực địa phương và chủ đầu tư, sẽ phải kiến nghị thành phố có cơ chế đặc biệt đối với dự án này.

 

Theo VnExpress