Đắk Lắk:
Cuối năm đi chợ xuân mua… gỗ và đá
(Dân trí) - Phiên chợ cuối năm với người dân Tây Nguyên ngoài mai, đào, cúc… thì còn sự hiện diện của gỗ và đá. Ngày cuối năm, việc sắm một đôi lục bình bằng gỗ quý hoặc tượng phật bằng đá thạch anh là điều không thể thiếu với người dân xứ này.
Có mặt từ sáng sớm ở chợ hoa xuân thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ông Bình (56 tuổi) ở phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột rất hứng khởi sau khi mua được một bộ tượng gỗ di lặc ưng ý.
Ông Bình hí hửng khoe: “Tui chọn mãi từ sáng đến giờ mà mới lựa được một cặp tượng gỗ đẹp. Hoa thì tui giao mấy đứa nhỏ trong nhà đi mua, còn với đồ gỗ này, tui phải tự tay lựa chọn. Ngoài việc trang trí phòng khách thì “ổng” cũng phù hộ mình làm ăn tấn tới”.
Khác với ông Bình, anh Cường ở phường Tân Lập, một người chuyên chơi đồ gỗ cho biết: “Người Buôn Ma Thuột thường có thú trưng lục bình trong nhà, hầu như nhà nào cũng có. Nhà tôi cũng có 2 cặp lục bình rồi, nhưng vẫn chưa nhiều, Tết này tôi mua thêm một cặp nữa trưng trong phòng khách cho hoành tráng”. Nói xong anh Bình móc túi 2,5 triệu đồng mua một cặp lục bình bằng gỗ hương, ì ạch bê lên xe “cõng” về.
Tiếp xúc với PV Dân trí, anh Hoàng Nam Hải (trú phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột), chủ cửa hàng bán đồ gỗ mỹ nghệ cho hay: “Năm ngoái cửa hàng của tôi bán được khoảng 70-80 triệu đồng. Sản phẩm của tôi chủ yếu bằng gỗ hương, cẩm lai, chiêu liêu được chế tác thành tượng Phật, lục bình hoặc hình động vật. Ngày Tết người dân thường mua những sản phẩm này để trưng trong phòng khách, phòng ngủ hoặc để đặt lên bàn thờ cầu may mắn”.
Theo anh Hải, trong năm các sản phẩm gỗ mỹ nghệ bán chạy nhất chỉ rơi đúng vào dịp lễ và Tết, nên năm nay cửa hàng anh đã có sự chuẩn bị sớm để “tung” ra những mặt hàng đẹp nhất phục vụ nhu cầu “chơi” đồ gỗ của người dân. Trong số hàng trăm tác phẩm kỳ công, anh Hải có vẻ tâm đắc và giới thiệu với chúng tôi 2 cặp chân đèn mới óng vừa được xuất “lò” bằng gỗ hương và chiêu liêu đặt ngay ngắn trong cửa hàng. “Cặp chân đèn này phải kỳ công lắm mới hoàn thành, cặp nhỏ bằng gỗ hương giá 2,8 triệu đồng; cặp lớn bằng gỗ chiêu liêu có giá 4 triệu đồng. Người dân ở đây họ thường thích thú với chân đèn có kiểu dáng như vậy”, anh Hải chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm bằng đồ gỗ, chợ hoa xuân Buôn Ma Thuột còn có sự hiện diện rất nhiều các cửa hàng bán đồ đá, một điều có lẽ ít bắt gặp trong các chợ hoa xuân ở những vùng miền khác.
Các sản phẩm chủ yếu là đá mã não, đá Kasidol… có giá dao động từ vài trăm nghìn đồng đến cả trăm triệu đồng. Theo ghi nhận, trong phiên chợ Tết cuối năm, mặt hàng đá mỹ nghệ có sức hút đặc biệt đối với khách du xuân.
Ông Lê Phúc Tiếng (trú phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột), chủ cửa hàng bán sản phẩm đá mỹ nghệ tại chợ hoa xuân Buôn Ma Thuột, chia sẻ: “Mọi năm, người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột, nhất là giới thương nhân thường có thói quen chọn mua Đĩa ngọc thất tinh (bảy vị tinh tú trên một cái đĩa), hoặc có người chọn mua tác phẩm Bát tụ bảo để trước bàn thờ thần tài cầu may mắn”. Ông Tiếng cho biết cửa hàng của ông bày bán gần 500 sản phẩm bằng đá, trong đó sản phẩm đắt nhất là tác phẩm đá mã não đa sắc “Mã đáo thành công” có giá 55 triệu đồng, sản phẩm rẻ nhất là những viên bi đá có giá từ 300-500 nghìn đồng/sản phẩm.
“Trong ngày Tết các mặt hàng rẻ tiền, hàng nhỏ và vừa có giá từ 5 triệu đồng trở lại thì rất dễ bán. Năm nào cũng vậy, phải từ 25 Tết trở đi người dân mới mua các sản phẩm bằng đá nhiều hơn. Tôi mới dọn ra đây 3 ngày nhưng đã bán được 36 triệu đồng rồi, đó là mức tương đối khá”, ông Tiếng tiết lộ.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, nhu cầu mua các sản phẩm gỗ và đá vào dịp Tết là điều không thể thiếu đối với người dân phố núi Buôn Ma Thuột, bên cạnh hoa mai, hoa đào hay hoa cúc. Một số chủ cửa hàng tại Chợ hoa xuân Buôn Ma Thuột cho biết nhu cầu mua sản phẩm gỗ và đá sẽ tăng mạnh trong những ngày tới khi các công chức, nhân viên công sở chính thức nghỉ Tết.
Viết Hảo