Cuối năm 2019, An Giang hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới
(Dân trí) - Tính đến tháng 6/2019, An Giang đã có 50/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”. An Giang quyết tâm cuối năm 2019 có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Chuẩn bị có “Huyện nông thôn mới” đầu tiên của tỉnh
Để đạt kết qua như trên, Ban chỉ đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh được phân công phụ trách địa bàn xã, huyện xây dựng nông thôn mới và các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện xây dựng nông thôn mới các địa bàn phụ trách.
Hầu hết các xã đã được các Tỉnh ủy viên đến kiểm tra và làm việc trực tiếp với đại diện lãnh đạo Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã, đánh giá lại những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí và bàn các giải pháp, định hướng nhằm hỗ trợ các xã đảm bảo việc xây dựng xã nông thôn mới theo đúng tiến độ, lộ trình đề ra. Qua đó, đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm;
Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh đã có 50/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” đạt tỷ lệ hơn 42%; có 7 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; có 37 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; có 25 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí; số tiêu chí đạt bình quân của xã toàn tỉnh là 14,5 tiêu chí/xã.
Có 3 đơn vị cấp huyện (huyện Thoại Sơn, thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc) có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, thành phố Châu Đốc và thành phố Long Xuyên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Châu Đốc công nhận năm 2017, thành phố Long Xuyên công nhận năm 2018). Đặc biệt, huyện Thoại Sơn đã được Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới” năm 2018.
Tổ công tác liên ngành Trung ương đến thẩm định hồ sơ và khảo sát thực tế huyện Thoại Sơn đề nghị công nhận “Huyện nông thôn mới”
Ban chỉ đạo tỉnh cũng nhận ra một số khó khăn, như: một số địa phương còn nặng tâm lý dồn sức cho xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đến phát triển sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân nông thôn; một bộ phận người dân còn thờ ơ, chưa quan tâm, trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Còn biểu hiện thỏa mãn với kết quả đạt được, thiếu sự tập trung, không tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng chất mức độ đạt chuẩn các tiêu chí.
Năm 2019, sẽ có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Chương trình hành động số 04-Ctr/TU, năm 2019 phấn đấu đạt thêm 7 xã và năm 2020 phấn đấu đạt 4 xã còn lại. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của BCĐ trung ương và UBND tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Chương trình trong năm 2019 nhằm phục vụ tổng kết 10 thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, phấn đấu năm 2019 đạt 11 xã điểm còn lại, nâng tổng số xã đạt chuẩn 61/119 xã (hoàn thành chỉ tiêu sớm hơn 1 năm).
Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong 6 tháng còn lại An Giang cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vân động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị, từ đó, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang có những tuyến đương hoa đẹp như thế này
Tăng cường kiểm tra, giám sát các xã đạt chuẩn nông thôn mới để đảm bảo tính bền vững. Duy trì, nâng chất các xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới và hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tại Quyết định số 1005/QĐ-UBND ngày 08/5/2018.
Tiếp tục rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới để điều chỉnh các quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Sự thành công của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở An Giang luôn có sự đóng góp tích cực của bà con nhân dân tại địa phương
Nhiều công trình xây dựng như cầu, đường, trường học... khang trang được hoàn thành
Tập trung phát triển sản xuất; đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Trong đó cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển đặc sản, sản phẩm làng nghề và du lịch nông thôn ở các địa phương theo hướng chuỗi giá trị gia tăng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
...Và nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được ngành chức năng đưa lên hàng đầu.
Tập trung nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh cho người dân ở nông thôn; lựa chọn, xây dựng mô hình điểm xã hội hóa trong sinh hoạt văn hóa - thể thao tại các trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng các xã nông thôn mới để phát huy hiệu quả công trình.
Đặc biệt là tập trung các nguồn lực để thực hiện dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mâu và hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng ấp nông thôn mới trên địa bàn các xã giới, xã khó khăn gồm các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú và thị xã Tân Châu.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia về việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trong năm 2019.
Nguyễn Hành