Cuộc vận động lớn vì chất lượng dân số
"Đất nước ta hiện nay đất quá chật, người quá đông, mật độ dân số lớn mà người dân vẫn theo tập quán muốn có đông con. Điều này sẽ tạo áp lực dân số đến môi trường, tài nguyên, y tế, giáo dục, an sinh xã hội..."
Ông Dương Quốc Trọng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, trao đổi với phóng viên về ý nghĩa của việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số (PLDS) 2003, thuận lợi và thách thức của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới...
Điều 10 PLDS 2003 đã được UBTV Quốc hội thông qua sửa đổi. Xin ông cho biết điều có ý nghĩa nhất mà việc sửa đổi này đem lại?
Việc sửa đổi Điều 10 PLDS 2003 lần này thể hiện chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết TW 4 khóa VII về chính sách DS -KHHGĐ. Đảng và Nhà nước ta luôn quan niệm rằng, công tác DS-KHHGĐ là một cuộc vận động lớn, giải pháp cơ bản vẫn là tuyên truyền giáo dục, thuyết phục để người dân tự nguyện, tự giác chấp hành. Cuộc vận động đó là thực hiện quy mô gia đình ít con - mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng hoặc cá nhân có 1 – 2 con. Đất nước ta hiện nay đất quá chật, người quá đông, mật độ dân số lớn mà người dân vẫn theo tập quán muốn có đông con. Điều này sẽ tạo áp lực dân số đến môi trường, tài nguyên, y tế, giáo dục, an sinh xã hội...
Việc sửa đổi Điều 10 PLDS 2003 cũng ghi rất rõ “quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động DS và KHHGĐ, chăm sóc SKSS”. Đó là, vận động để mỗi cặp vợ chồng và cá nhân quyết định thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh. Bởi nếu sinh sớm quá cơ thể người mẹ chưa phát triển đầy đủ cho việc mang thai và sinh nở, bên cạnh đó điều kiện kinh tế cũng chưa đảm bảo. Còn sinh con muộn quá (sau 30 tuổi, thậm chí sau 35 tuổi mới sinh con lần đầu) thì dễ mắc nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con. Còn khoảng cách giữa các lần sinh thì từ 3 – 5 năm là vừa.
Vận động để mỗi cặp vợ chồng và cá nhân sinh 1 hoặc 2 con; tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đặc biệt như các dân tộc quá ít người, dưới 10.000 dân hoặc trên 10.000 dân nhưng có nguy cơ suy giảm số dân sẽ được khuyến khích sinh đẻ, để làm sao cộng đồng 54 dân tộc anh em sống trong một môi trường hài hòa, phát huy được bản sắc của mỗi dân tộc. Chúng tôi cũng đã có dự thảo trình Chính phủ thông qua 7 nhóm đối tượng không bị coi là vi phạm cuộc vận động chính sách DS-KHHGĐ.
Quyền và nghĩa vụ trong PLDS còn có ý nghĩa rất nhân văn là “bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến SKSS”.
Việc sửa đổi Điều 10 PLDS 2003 sẽ đem lại thuận lợi gì cho người làm công tác dân số, thưa ông?
Điều 10 PLDS 2003 trước đây đã khiến nhiều người dân lầm tưởng về việc “có quyền quyết định số con” là đẻ bao nhiêu tùy thích. Lần này, Điều 10 được sửa đổi, nói rõ đây là cuộc vận động sinh từ 1 – 2 con nên rất thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước ở cơ sở.
Chính phủ sẽ có Nghị định hướng dẫn thi hành cụ thể. Ngành dân số sẽ có các công việc để triển khai PLDS sửa đổi cũng như Nghị định hướng dẫn kèm theo. Mong rằng, các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng tuyên truyền Pháp lệnh này và Nghị định kèm theo để người dân thống nhất cách hiểu, thống nhất về tư tưởng và hành động trong công tác DS - KHHGĐ. Điều này gắn với việc nâng cao chất lượng dân số (CLDS) như chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ và các dự án sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện trong thời gian tới như dự án chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, dinh dưỡng học đường cho trẻ em vùng sâu vùng xa, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao CLDS ở một số tộc người có nguy cơ suy giảm dân số và nghiên cứu khoa học cơ bản về nâng cao CLDS. Cùng đó là việc chuẩn bị cho bước tiếp theo của quá trình dân số - đó là “đón” sự già hóa dân số trong thời gian sắp tới.
Đây là cuộc vận động, vì vậy, vai trò của cán bộ làm công tác dân số từ TW đến cơ sở rất quan trọng, để làm sao truyền thông - giáo dục thay đổi hành vi, thay đổi nếp nghĩ của mỗi người dân, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa. Và cuộc vận động này cần phải có sự phối hợp giữa tất cả các ban ngành, đoàn thể trong đó vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương là cực kỳ quan trọng để điều phối, lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
Với thuận lợi là ngay từ đầu năm 2009 PLDS có hiệu lực thi hành (dự kiến vào ngày 1/2/2009), xin ông cho biết thêm về thông điệp của công tác DS-KHHGĐ năm 2009?
Năm 2009 trong bối cảnh kinh tế - xã hội chung của đất nước và những khó khăn của năm 2008, công tác DS-KHHGĐ sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về quy mô dân số (đang đà tăng), cơ cấu dân số (đang có báo động về chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh), CLDS còn thấp cả về mặt thể chất, trí tuệ...
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước những vận hội: Đảng và Nhà nước ta cũng hết sức quan tâm đến công tác DS - KHHGĐ; Ban Bí thư đã thông qua báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 47, tới đây Bộ Chính trị sẽ ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 47 về chính sách DS-KHHGĐ. Đây là một chủ trương lớn không chỉ cho ngành DS - KHHGĐ mà còn cho toàn Đảng, toàn dân thực hiện.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 23 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác DS - KHHGĐ. Các cấp ủy ở một số địa phương sau một thời gian có nhận thức chưa đúng đắn về công tác dân số, nhất là sau khi Ủy ban DSGĐTE “giải thể”, thì nay đã chấn chỉnh lại, công tác dân số đã đi vào nền nếp. Sắp tới, Chính phủ sẽ xem xét, thông qua Chiến lược Dân số - sức khỏe sinh sản năm 2010 - 2020.
Ngày Dân số Việt Nam 26/12 vừa qua, chúng ta đã có thông điệp “Tăng cường cam kết, nhanh chóng ổn định mức sinh thay thế” làm kim chỉ nam cho nhiệm vụ và giải pháp về DS - KHHGĐ thời gian tới. Tôi cũng mong toàn ngành, các cán bộ, các cộng tác viên cơ sở sẽ bước vào năm mới với một tâm thế mới, một tầm mới trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng lực đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới như lời Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Hà Thư
Gia đình và Xã hội