Cuộc sống trong vùng tâm dịch Covid-19 ở Quảng Nam

Công Bính

(Dân trí) - Được sự cho phép của những người có trách nhiệm, chúng tôi với trang phục bảo hộ kín kẽ đi vào bên trong khu phong tỏa ở huyện Duy Xuyên để tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của người dân ở đây.

Huyện Duy Xuyên đang trở thành vùng tâm dịch của tỉnh Quảng Nam khi có đến hơn 20 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Cuộc sống trong vùng tâm dịch Covid-19 ở Quảng Nam - 1

Hàng rào cách ly khu vực được phong tỏa ở khối phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước

Lãnh đạo địa phương cho biết, đến nay đã có gần 500 trường hợp F1 buộc phải cách ly tập trung tại các khu cách ly y tế của huyện, gần 4.000 trường hợp cách ly tại nhà. Khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất không đảm bảo cho việc cách ly tập trung, nguồn nhân lực để phục vụ cho việc cách ly còn hạn chế...

Nằm cách trung tâm huyện Duy Xuyên khoảng 1km về hướng Bắc là khối phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước. Nơi đây bình thường là cuộc sống nhộn nhịp, nhưng từ khi xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 và tử vong, khu phố trở nên hoang vắng, đìu hiu vì được phong tỏa. Người già, trẻ em được chuyển đến nơi khác an toàn hơn. Mỗi gia đình chỉ còn lại một vài người trông coi nhà.

Cuộc sống trong vùng tâm dịch Covid-19 ở Quảng Nam - 2

Người dân sống trong khu vực phong tỏa

Được sự cho phép của cơ quan chức năng, chúng tôi với trang phục bảo hộ kín kẽ đi vào bên trong khu phong tỏa để tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của người dân ở đây. Bước chân qua hàng rào để vào khu vực cách ly mà nghe “lành lạnh”; tuy nhiên cuộc sống ở trong khu dân cư vẫn diễn ra bình thường.

Nhà anh Nguyễn Hữu Sinh gần với nhà bệnh nhân 524, là 1 trong 4 ca nhiễm Covid-19 tử vong đầu tiên tại Việt Nam. Khi chúng tôi đến, anh Sinh đang lui cui dưới bếp lo bữa trưa cho 2 mẹ con. Anh tỏ ra bất ngờ khi có “người lạ” vào được bên trong khu phong tỏa.

Cuộc sống trong vùng tâm dịch Covid-19 ở Quảng Nam - 3

Các mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho khu vực phong tỏa

Hơn 10 ngày kể từ khi phát hiện nữ bệnh nhân 86 tuổi nhiễm Covid-19 và tử vong, sau đó là vài trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân 524 đều dương tính với SARS-CoV-2, nơi đây được chính quyền địa phương phong tỏa, không một ai được ra vào.

Khi chúng tôi hỏi: “Anh ở như vậy có sợ không?”, anh nói tỉnh bơ: “Sợ cái gì. Họ sống được mình sống được. Khu này còn nhiều người ở lắm chớ đâu riêng gì tôi”. “Những ngày qua anh ăn uống thế nào, có thiếu thốn không?”, “Biết mấy cho đủ anh. Nhà quê quen sống thiếu thốn rồi nên thấy cũng bình thường. Mấy hôm nay có chính quyền địa phương hỗ trợ, rồi mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm nên cũng tạm ổn”, anh Sinh nói.

Cuộc sống bên trong khu vực phong tỏa

Trong khu phong tỏa, nhiều gia đình chỉ có 1-2 người ở lại, họ cũng như anh Sinh. Suốt hơn hơn 10 ngày sống trong khu phong tỏa, họ nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Có mắm giúp mắm, có gạo giúp gạo nếu có ai đó bị thiếu hụt.

Trên địa bàn huyện Duy Xuyên, chỉ riêng thị trấn Nam Phước có 11 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong, những người nhiễm ở 6/10 khối phố trên địa bàn. Địa phương cũng có 142 ca F1 đang cách ly tập trung; 284 ca có nguy cơ cao đang cách ly tại nhà; 99 hộ ở hai khối phố có nguy cơ lây nhiễm cao đang bị phong tỏa tạm thời.

Ông Nguyễn Thế Đức - Bí thư thị trấn Nam Phước - cho biết, đời sống của bà con trong khu phong tỏa, khu cách ly còn gặp nhiều khó khăn. Do 2 khu phong tỏa đều nằm ở vùng ven thị trấn nên chính quyền địa phương cũng như các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hết sức quan tâm đến khu vực này.

Ông Đức cũng cho biết, hiện nay việc truy vết các trường hợp F1, F2 gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận dân cư không tự giác khai báo y tế hoặc khai báo quá muộn khi đã tiếp xúc với người mắc Covid-19, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất lớn.

Hiện địa phương đang tiến hành khẩn cấp việc phun thuốc tiêu độc tại các khu vực có các trường hợp dương tính cũng như triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch huyện Duy Xuyên chia sẻ, trong hàng loạt phương án đặt ra, địa phương đặc biệt quan tâm đến phương án khoanh vùng, tiếp cận và cách ly và tiến đến dập dịch, không để lây lan trên diện rộng. Địa phương quyết tâm không để bị động và bất ngờ trong mọi tình huống.

“Tinh thần chung là phải động viên, hướng dẫn cho mọi người thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, do số lượng người cách ly đông nên hiện nay chúng tôi đã huy động gần như hết các điều kiện có thể. Chúng tôi cũng đang khảo sát và thành lập một số khu mới nhưng về nguồn nhân lực huy động cho công tác này gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là đội ngũ y tế, thứ hai là lực lượng quân đội mỏng và thứ 3 nữa là các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch còn hạn chế”, ông Phan Xuân Cảnh nói.