1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hoá:

Cuộc sống ở nơi cứ mùa mưa là đi ở nhờ

Bình Minh

(Dân trí) - Nhiều năm qua, hơn 600 hộ dân thuộc huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hoá) phải sống thấp thỏm vì nằm trong vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Đặc biệt, cứ mùa mưa bão, bà con đều phải đi ở nhờ.

Cứ mưa to là đi ở nhờ

Xã Trung Thượng hiện có 50 hộ đang sống tại khu vực ven bờ sông Lò, mỗi khi mưa bão đến, nước sông dâng cao sát mép nhà. Dù biết được tai hoạ khôn lường, tuy nhiên do điều kiện kinh tế khó khăn nên không có đủ kinh phí để tìm nơi ở mới.

Chị Hoàng Thị Tính, bản Bách, xã Trung Thượng, lo lắng: “Hiện sông Lò đã sạt lở đến sát nhà tôi rồi. Nhiều năm qua, mỗi khi mưa lũ về, nước sông dâng cao, cả gia đình phải đi ở nhờ nơi khác”.

Cuộc sống ở nơi cứ mùa mưa là đi ở nhờ - 1

Mỗi khi mưa bão về, nước sông Lò dâng cao sát nhà dân.

Hoàn cảnh chị Tính khó khăn, rất muốn tìm chỗ ở mới cho an toàn nhưng không có kinh phí. Chị Tính mong cấp trên có chương trình hỗ trợ xây kè bờ sông hoặc hỗ trợ kinh phí cho người dân di dời đến nơi khác để có thể yên tâm sinh sống.

Để hạn chế sạt lở bờ sông ngay sát nhà, anh Hà Văn Ôn, bản Bách đã phải mua bạt che phía sau bờ sông để nước chảy ra. Anh Ôn cũng có chung suy nghĩ với chị Tính, anh mong Nhà nước có phương án hỗ trợ để gia đình anh cũng như những người xung quanh có nơi ăn chốn ở ổn định, yên tâm phát triển kinh tế.

Cuộc sống ở nơi cứ mùa mưa là đi ở nhờ - 2

Sạt lở càng ngày càng lấn sâu vào sát nhà anh Hà Văn Ôn.

“Tôi sống ở đây đã 20 năm, trước kia, nhà tôi ở trên đường lớn, sau khi xã lấy đất xây trường học, tôi phải di dời xuống ven sông ở. Cứ vào mùa mưa bão, cả gia đình phải đi đến nhà anh em để ở nhờ vì sợ bờ sông sạt lở khiến nhà đổ sập” – anh Ôn nói.

Không có kinh phí để di dời!

Theo ông Hà Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Trung Thượng, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND xã đã xây dựng các phương án hỗ trợ, di dời các hộ dân sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét về nơi an toàn. Tuy nhiên, do không có kinh phí, xã chưa giải quyết dứt điểm được.

Thống kê của UBND huyện Quan Sơn cho thấy, hiện toàn huyện có hơn 659 hộ dân với 2.982 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở đất. Những xã có nhiều hộ dân đang sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống và lũ quét gồm xã: Sơn Thủy, Trung Tiến, Mường Mìn, Trung Xuân, Na Mèo…

Cuộc sống ở nơi cứ mùa mưa là đi ở nhờ - 3

Anh Ôn phải dùng những tấm bạt chằng chéo cùng với đất đá để tránh nước ngập và sạt lở.

Được biết, để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, đầu năm 2020, UBND huyện Quan Sơn đã xây dựng phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm về phòng chống ngập lụt, lũ quét, sạt lở, cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực nguy cơ cao để cảnh báo.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn cho biết, nhiều hộ đã có đất để di dời đến ở, song kinh phí để di chuyển và xây nhà mới còn đang thiếu. Thời gian tới, huyện Quan Sơn kiến nghị các cấp, ngành đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa quan tâm hỗ trợ kinh phí để di dời các hộ dân đến nơi ở mới an toàn.

Ngoài huyện Quan Sơn, các huyện miền núi khác như Mường Lát, Lang Chánh, Quan Hóa, Thường Xuân cũng đang có nhiều hộ dân sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống và lũ quét.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh còn khoảng 50.000 hộ dân với hơn 201.000 nhân khẩu sống tại khu vực ven biển, các cửa sông phải sơ tán khi có bão đổ bộ và gần 48.000 hộ dân với 311.000 nhân khẩu sống tại khu vực bãi sông, ven sông không có đê nên phải sơ tán khi có lũ; khoảng 23.000 hộ ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 4.148 hộ dân với 17.238 khẩu đang sinh sống ở 85 xã thuộc 13 huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét và 4.330 hộ dân với 18.858 khẩu đang sinh sống tại 86 xã thuộc 12 huyện có nguy cơ sạt lở đất. 

 Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu UBND các huyện rà soát, lên phương án di dời các hộ dân đến nơi ở an toàn; đồng thời, hoàn thiện phương án huy động lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai, thành lập các đội xung kích phòng chống thiên tai với 56.618 người tham gia, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.