An Giang:
Cuộc sống mới trên quê hương Bác Tôn
(Dân trí) - Xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên) - nơi chôn nhau cắt rốn của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - là một xã cù lao nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng của tỉnh An Giang. Từ sự chung sức chung lòng của Đảng bộ và nhân dân nơi đây, bộ mặt nông thôn xã đang ngày càng đổi mới, đời sống người dân ấm no, yên bình...
Xã Mỹ Hòa Hưng tuy thuộc TP Long Xuyên nhưng lại là một xã cù lao bốn mặt là sông; việc lưu thông rất cách trở, muốn qua đây phải đi đò, đi phà... Do đó, đời sống người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt.
Vào những năm 2010, 20611, có những ấp như Mỹ Thạnh được gọi là ấp “5 không”: không điện, không nước sạch, không đường, không trường, không trạm.
Mặc dù khó khăn là thế, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm thay đổi bộ mặt quê hương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Hòa Hưng đã vượt qua mọi khó khăn, bằng cách huy động sức dân cộng với khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó, đã từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2015, xã đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đây là xã đầu tiên của TP Long Xuyên hoàn thành chương trình này. Hiện nay, đường trục chính đến trung tâm xã được nhựa hóa 100%, đường liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn...
Năm 2017, tổng thu ngân sách đạt gần 9 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 38 triệu đồng/người/năm. Chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhiều cơ hội trong phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhằm thoát nghèo một cách bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 89 hộ nghèo, chiếm 1,64% ...
Cuộc sống ở xã Mỹ Hòa Hưng hôm nay.
Bà Huỳnh Lê Thùy Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết, thay đổi của Mỹ Hòa Hưng hôm nay là kết quả của “ý Đảng, lòng dân”. Thời gian qua, xã đã xác định nông nghiệp và du lịch là kinh tế mũi nhọn để phát triển. Toàn xã chỉ khoảng 1.000 ha diện tích đất canh tác, nhưng địa phương mạnh dạn phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang trồng màu và lúa xen canh màu; đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất... từ đó đã đưa giá trị sản xuất lên gần 150 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, xã còn khai thác triệt để lợi thế về sông nước để nuôi trồng thủy sản, từ đó đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Hiện nay, toàn xã có hơn 560 lồng bè và hơn 85 ha ao hầm.
Cuộc sống hôm nay trên quê hương Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng
Với lợi thế sông rạch, khu lưu niệm Bác Tôn - xã Mỹ Hòa Hưng với gần chục gian nhà cổ kính, xung quanh có nhiều cây cối, khu vườn hoa kiểng xanh tốt... Đây cũng là thế mạnh mà địa phương đã và đang khai thác, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Hiện nay, xã có 9 hộ làm du lịch homestay, phục vụ các hoạt động ẩm thực, lưu trú và hướng dẫn du khách tham quan; trung bình mỗi tháng đón từ 400 đến 500 khách theo tour homestay.
Những ngày Tháng 8 lịch sử này, về Mỹ Hòa Hưng, ai cũng đều cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi của người dân nơi đây; trên đường đến khu nhà lưu niệm Bác Tôn, hai bên đường là hàng cây xanh rợp bóng, xen lẫn những ngôi nhà mới khang trang.... Nhiều hoạt động sôi nổi, nhiều công trình trọng điểm của địa phương được hoàn thành đưa vào sử dụng, mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhật Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2018).
Cuộc sống trên quê hương Bác Tôn hôm nay:
Đến TP Long Xuyên, xuống bến đò Ô Môi, du khách có thể đi phà hoặc đi đò dọc qua xã Mỹ Hòa Hưng.
Sắp đến ngày kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cờ hoa rực rỡ trên bến phà chào mừng du khách đến thăm quê.
Các tuyến đường nông thôn trong xã khang trang.
Một ngôi nhà cổ được gìn giữ rất cẩn thận trong xã.
Mỹ Hòa Hưng không chỉ phát triển mạnh việc nuôi trồng thủy sản, hoa màu mà còn hướng tới phát triển du lịch.
Căn nhà sàn Bác Tôn.
Một góc vườn nhà Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Chiều 18/8, dù trời mưa nhưng rất đông du khách đã đến tham quan Khu tưởng niệm Bác Tôn nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh (20/8/1888 - 20/8/2018).
Nguyễn Hành