DMagazine

Cuộc sống khốn khó của làng "nhiều không" giữa chốn thâm sơn

(Dân trí) - Gần 80 nóc nhà trong cảnh "nhiều không" giữa thung lũng Cư Bung (la Le, Chư Pưh, Gia Lai). Không có trường, hàng chục đứa trẻ phải "vượt núi" qua tỉnh bạn để học nhờ, nhiều em bỏ học để đi làm rẫy.

Thung lũng Cư Bung là “bãi đáp” của 79 hộ dân tứ xứ mang khát vọng thoát nghèo trong công cuộc mưu sinh. “Giấc mộng vàng” ở vùng đất mới của bà con di cư tự do gặp muôn vàn khó khăn, rất khó để an cư, lạc nghiệp. Chính vì vậy, tỉnh Gia Lai đang phối hợp để tìm phương án di dời những hộ này ra khu tái định mới để bà con ổn định sản xuất.

Cuộc sống khốn khó của người dân vùng Cư Bung
Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 1

Thung lũng Cư Bung rộng khoảng 229 ha, giáp ranh với huyện Phú Thiện (Gia Lai) và huyện Ea H’leo (tỉnh Đăk Lăk). Để đến được khu Cư Bung, chúng tôi phải chạy xe máy gần 1h đồng hồ trên con đường đất đất đỏ gập ghềnh, ngoằn ngoèo. Nhìn từ xa, khu Cư Bung chỉ là một vùng đất trống, khô khốc, cằn cỗi không có một bóng cây xanh. Theo người dân bản địa ví đây như một vùng hoang mạc của tỉnh Gia Lai. 

Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 2

Trong vùng núi Cư Bung có khoảng 79 hộ với 262 nhân khẩu. Trong đó, có 55 hộ với 181 nhân khẩu là dân di cư tự do, còn lại là dân xâm canh từ các các vùng giáp ranh. Hộ vào sớm nhất là từ năm 2003, còn đến năm 2012 thì bà con mới ồ ạt vào khu vực này. Người dân khu vực Cư Bung sống thành nhiều cụm cách xa nhau mấy quả đồi. Điển hình như cụm: 18 người Thái (Trú tại Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa); Cụm người dân ở các tỉnh miền Tây di dân lên; Cụm tổng hợp gồm các tỉnh: Nghệ An, Cao Bằng, Thái Bình, Đak Lak, Đak Nông... Cuộc sống bà con ở đây thiếu thốn đủ bề, đến cái tên làng cũng không có nên mọi người chỉ quen gọi là “dân Cư Bung”.

Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 3

Chúng tôi đặt chân vào nhà ông Lê Văn Thịnh (55 tuổi, Quê ở Tiền Hải, Thái Bình) giữa lúc trưa nắng chói chang. Được biết, ông Thịnh là người có uy tín ở khu Cư Bung, được người dân xem như “sợi dây liên lạc” với chính quyền. Căn ngôi nhà của ông Thịnh rộng khoảng 20m2, được lợp bằng ván, rất tạm bợ.

Ông Thịnh chia sẻ: “Đất miền Bắc nghèo khó, không có đất sản xuất nên tôi đã vào TP.Hồ Chí Minh để làm khu công nghiệp. Tại đây, tôi đã lập gia đình nhưng cuộc sống càng chật vật khi phải ở trọ, giá cả đắt đỏ. Năm 2012, khi nghe khu vực núi Cư Bung này bán 3ha đất chỉ khoảng 100 triệu nên vợ chồng tôi đã vay mượn để mua mảnh đất trồng trọt với hy vọng cuối đời còn có chỗ cắm dùi, chứ làm thuê miết, tủi lắm.”.

“Thung lũng Cư Bung ở đây: không đường, không điện, không trường, không y tế, không nước sạch, không hộ khẩu…Nhiều năm nay, hàng chục bà con trong vùng vẫn loay hoay để tìm cây trồng thích hợp nhưng đều thất bại vì nắng hạn.

Chỉ có cây mì là “năm được, năm mất” nên cuộc sống của bà con vẫn cứ đói. Chúng tôi mong sớm được tạo điều kiện ra vùng thuận lợi để yên tâm làm ăn, ổn định sản xuất”. Vì cuộc sống trong thung lũng Cư Bung còn khó khăn nên một mình ông Thịnh ở để làm rẫy, trồng trọt. Hai đứa con của ông Thịnh phải sống cùng mẹ ở ngoài TP.Hồ Chí Minh để tiện cho việc học tập và công việc vợ. Ông Thịnh hy vọng sắp tới sẽ được nhà nước hỗ trợ ra khu tái định cư. Lúc đó sẽ đưa vợ con vào để cùng sống và lập nghiệp.

Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 4

Theo con đường rừng đi xuyên qua 2 quả núi Chư Căm và Chư Mí, chúng tôi tiếp tục đặt chân đến Cụm dân cư người Thái. Dưới chân núi Chư Mí có khoảng 18 hộ dân tộc Thái, sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Nghe vùng núi Cư Bung có nhiều đất rộng, dễ làm ăn nên bà con đã bán nhà ở quê rồi cùng nhau vào đây làm ăn. Tuy cuộc sống ở đây đỡ khổ hơn khu vực phía Bắc nhưng vẫn còn thiếu thốn đủ bề.

Gia đình ông Vi Thanh Duẩn (50 tuổi) chuyển vào khu Cư Bung từ năm 2013. Ông Duẩn cho biết: “Năm 2012, con trai tôi là Vi Văn Khải vào đây và mua được 3 ha đất với giá 90 triệu đồng để làm rẫy. Thấy đời sống trong này đỡ hơn ngoài quê, chúng tôi chuyển vào đây luôn. Vợ chồng tôi, vợ chồng Khải và vợ chồng con gái thứ chuyển hết vào đây. Mỗi nhà mua được mấy ha đất làm rẫy. Dù trong này thiếu thốn nhưng còn có đồng ra đồng vào, chứ ở quê thiếu đói suốt.”.

Anh Vi Văn Khải (SN 1992) bộc bạch: “Khổ nhất ở đây là thiếu nước, đất đai cằn cỗi. Vừa rồi gia đình trồng 300 cây cà phê, 300 gốc tiêu nhưng cũng bị chết hết. Giờ tôi đã san ủi để chuyển ra trồng xoài xen với cây điều cao sản. Hy vọng, vài năm nó sẽ cho thu hoạch giúp cho gia đình qua cái đói mùa giáp hạt”.

Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 5
Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 6

Dưới cái nắng 40 độ trên vùng hoang mạc, chúng tôi thấy những đứa trẻ khoảng 7 – 12 tuổi đang lang thang trên những cánh đồng khô khốc để trồng mì giúp bố mẹ, đứa mặt thì mũi “nhem nhuốc” đi nhặt hạt điều… Theo đó, khu dân di cư tự do thung lũng Cư Bung có khoảng 40 cháu đang trong độ tuổi đến trường. Hộ ít thì 1 đứa con, hộ nhiều nhất là 4 đứa. Tuy nhiên, vì tách biệt trong núi, đường xá đi lại khó khăn nên chỉ còn 20 đứa trẻ đi học, chủ yếu là bậc tiểu học.

Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 7

Anh Vi Văn Khải cho biết: “Không có trường học, sợ con “thất học, mù chữ” nên vợ tôi đã đứa cháu Vi Hà Mi (học sinh lớp 2) sang xã Eahleo (huyện Eahleo, tỉnh Đăk Lăk) thuê một căn nhà để tiện cho cháu Mi tiện việc đi học. Mỗi tuần, tôi chở cả gia đình vượt qua ngọn núi Chư Mí và suối 110 dài khoảng 12km để đưa con ra học, cuối tuần lại ngược ra đón 2 mẹ con về… Vì đi lại khó khăn nên trẻ con trong Cư Bung này cũng nghỉ học gần hết rồi.”.

Gặp chúng tôi, cháu Vi Hà Mi rất lễ phép chào hỏi, rồi say sưa đọc cuốn truyện tranh mà cô giáo tặng. Góc học tập của Mi dán đầy những giấy khen học sinh xuất sắc, nét chữ của cô bé người Thái rất đẹp, nắn nót từng đường cong. Nhưng vì sống trong làng “nhiều không”, nên Hạ Mi không có giấy tờ tùy thân. Thấy hoàn cảnh khó khăn nên các giáo viên tại xã Ea H’leo đã tạo điều kiện để Mi học nhờ, không biết con đường đến trường của em tiếp tục được đến bao giờ?

Ông Lê Thanh Việt (Chủ tịch UBND xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho biết: “Khu vực thung lũng Cư Bung có khoảng có 79 hộ dân sinh sống, làm rẫy. Tuy nhiên qua rà soát, thẩm tra thì chỉ có 55 hộ thuộc trường hợp di dân tự do và đủ điều kiện để được chuyển về khu tái định cư; các hộ còn lại có nhà đất nơi khác, chỉ vào để làm rẫy và xâm canh. Để ra được điểm trường làng Ia Brel (xã Ia Le) học, những đứa trẻ phải vượt một gần chục cây số đường rừng khó khăn, hiểm trở nên bà con phải qua bên xã Ea H’leo thuê nhà cho con học nhờ. Các em cũng học đến hết cấp 1 rồi nghỉ dần, một phần thì gửi về quê cho đi học”.

Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 8
Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 9

Với mục đích giúp các hộ dân đang sống trong cảnh “nhiều không” có cuộc sống ổn định và hưởng các chế độ chính sách, chính quyền huyện Chư Pưh đã xây dựng phương án di dời 55/79 hộ dân khu Cư Bung ra nơi tái định cư tại làng Ia Brel (Ia Le). Nhận thấy tính cấp thiết phải di dời, ngăn chặn tình trạng di dân tự do, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã trực tiếp đến tận núi Cư Bung nhằm nắm tâm tư nguyện vọng của người dân. Đồng thời, đôn đốc công tác thực hiện việc di dời người dân ra khu tái định mới.

Vừa qua, Trung ương đã bố trí 5,55 tỷ đồng cho tỉnh Gia Lai để hỗ trợ ổn định cho 55 hộ dân này và 550 triệu đồng của địa phương để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân di dời nhà cửa. Hiện nay, tỉnh đang cho chủ trương để huyện Chư Pưh lập dự án bố trí dân di cư tự do ra sống tại thôn Ia Brel, xã Ia Le. Qua đó, giúp cho bà con sắp xếp, ổn định cuộc sống lâu dài cho 55 hộ dân trong năm 2020.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thạch (Phó Giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Chư Pưh) cho biết: “Huyện Chư Pưh đã trích hơn 430 triệu đồng mua 2,6 ha đất ở làng IaBrel để làm khu tái định cư cho các hộ dân di cư tự do ở xã Ia Le. UBND huyện cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh để phê duyệt chủ trương san ủi mặt bằng, xây dựng đường giao thông khu tái định cư, đường giao thông ra khu sản xuất; còn các hạng mục khác sẽ đầu tư bằng nguồn vốn khác.”.

Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 10

“Khi nghe về chương trình tái định cư, các hộ dân ở khu Cư Bung rất phấn khởi, mong chờ ngày được chuyển về. Khi ra với vùng đất mới sẽ thuận lợi cho việc đến trường của các con, đau ốm cũng được cấp phát thuốc kịp thời và đặc biệt là có điều kiện canh tác, sản xuất tốt nhất. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm triển khai dự án để bà con sớm được di dời đến khu ở mới”, chị Vi Thị Chon nói.

Ông Y Nguyên Ênuôl (Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Gia Lai) cho hay: “Từ năm 2005 đến 2020 đã có 6.411 hộ (24.222 nhân khẩu) dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh. Dân di cư tự do đến Gia Lai chủ yếu từ 48 tỉnh, thành phố trong toàn quốc, nhưng chủ yếu là từ các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ.

Dân di cư tự do hầu hết là hộ nghèo, cư trú ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, thu nhập thấp và bấp bênh. Số lượng người di dân này vào đã khiến tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương tăng lên. Những năm gần đây, các hộ dân di cư tự do có xu hướng đi vào những vùng lõi, vùng đệm của các khu rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nơi giáp ranh giữa các huyện, xã, các ban quản lý rừng phòng hộ, vùng biên giới để cư trú và canh tác, lấn chiếm đất rừng...

“Hiện nay, tỉnh Gia Lai chỉ còn hơn 90 hộ dân di cư tự do đang cần sắp xếp chỗ ở để ổn định đời sống. Đối với 55 hộ ở vùng Cư Bùng thì mới đây HĐND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương cho huyện Chư Pưh lập dự án bố trí dân di cư tự do tập trung tại thôn Ia Brel, xã Ia Le để sắp xếp, ổn định cuộc sống lâu dài cho 55 hộ dân trong năm 2020. Hiện, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các huyện để kiểm tra tình trạng di cư tự do, nhất là cái vùng giáp ranh”.

Cuộc sống khốn khó của làng nhiều không giữa chốn thâm sơn - 11

Bài viết: Phạm Hoàng

Thiết kế: Ngọc Diệp