Cuộc sống đảo lộn sau bão Yagi
(Dân trí) - Bão số 3 (bão Yagi) đã làm nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Ninh bị mất điện, mất nước, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân đảo lộn, gặp nhiều khó khăn.
Bão Yagi đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh ngày 7/9 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo thống kê ban đầu, tính đến 17h ngày 8/9, tại Quảng Ninh có 4 người chết, 157 người bị thương.
Thiệt hại về tài sản ở địa phương trên, thống kê sơ bộ có hơn 2.000 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng…
Tại Quảng Ninh bị mất điện, mất mạng viễn thông trên diện rộng, nguồn nước sạch cũng bị mất khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân đảo lộn, gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), tại quốc lộ 18, tuyến đường huyết mạch của tỉnh Quảng Ninh có hàng loạt cột điện bị gãy chắn hết một làn đường, giao thông đi lại khó khăn.
Giống như nhiều khu vực khác của tỉnh Quảng Ninh, địa bàn TP Cẩm Phả cũng bị mất điện, mạng viễn thông và nước sạch.
Ông Lê Văn Nam (51 tuổi, ở phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) chia sẻ, từ nhỏ ông chưa từng chứng kiến trận bão nào lớn như cơn bão số 3 vừa "quét" qua tỉnh Quảng Ninh.
Do nhà nằm sâu phía trong nên gia đình ông Nam bị thiệt hại về tài sản không đáng kể. Nhưng hiện tại cả khu vực nhà ông Nam sinh sống đang chịu cảnh "3 không".
"Trước mắt gia đình tôi phải đi xin từng xô nước của hàng xóm từ bể chứa dự trữ về dùng, nếu kéo dài thì gia đình chưa biết xoay xở như nào. Còn về điện lưới nhà tôi dùng nguồn điện máy phát", ông Nam chia sẻ.
Cách nhà ông Nam không xa, ông Nguyễn Đức Đường (Tổ trưởng Tổ dân phố số 9, Khu An Sơn, phường Cẩm Sơn) chia sẻ, bão số 3 khiến nhiều nhà trong khu vực bị thiệt hại, có nhà thì rơi téc nước, sập mái ngói, rơi trần nhà và toàn bộ mái tôn chống nóng bị gió thổi bay.
"Hiện tại nước sạch đang bị mất thì gia đình dùng từ nguồn nước dự trữ ở bể ngầm để nấu ăn. Còn nguồn nước dùng cho máy giặt, nhà vệ sinh là không có, gia đình đành phải múc nước vào để dùng. Còn điện thì nhà tôi phải dùng điện máy phát", ông Đường chia sẻ.
Theo nhiều người dân ở khu vực trên, đến ngày 8/9, họ đều chưa nhận được thông tin đến khi nào khắc phục xong sự cố điện lưới, nước sạch và mạng viễn thông. Chính vì vậy, người dân nơi đây lo lắng nếu các sự cố này kéo dài họ chưa xoay xở như thế nào.
Mất điện lưới chưa biết đến thời điểm nào khắc phục xong, nhiều người dân ở TP Cẩm Phả đã phải bỏ tiền ra thuê hoặc mua máy phát điện.
Theo chia sẻ của ông Phùng Duy Đức (54 tuổi), chủ một cơ sở kinh doanh sửa chữa và bán máy phát điện tại phường Cẩm Sơn, những ngày này rất đông người dân mang máy phát điện đến sửa chữa và mua máy mới.
"Trong ngày hôm nay có quá nhiều người mang máy phát điện đến sửa, tôi không làm xuể. Ngoài ra, cũng có nhiều người mua máy phát điện mới về dùng", ông Đức cho biết.
Những khó khăn của người dân ở TP Cẩm Phả mà phóng viên Dân trí ghi nhận cũng diễn ra tương tự tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ninh.
Tại TP Hạ Long, địa bàn du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh cũng bị "màn đêm bao trùm" vì mất điện lưới. Trong khó khăn đã xuất hiện những câu chuyện của tình người.
Ông chủ xin giấu tên của một khách sạn ở phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) cho biết, khách sạn của ông đã ngừng kinh doanh và chỉ đón người dân đến ở nhờ miễn phí.
Trong ngày 8/9, khách sạn trên đã đón 15 người dân đến ở nhờ do mất điện, mất nước.
Ngoài ra, tại địa chỉ 68 đường Nguyễn Văn Cừ (phường Hồng Hải, TP Hạ Long), một đơn vị viễn thông đã bố trí điểm sạc điện thoại miễn phí cho người dân.