1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Cuộc hội ngộ của gần 700 nữ tù chính trị

(Dân trí) - Sáng 9/5, gần 700 nữ tù chính trị đại diện cho hơn 2.600 nữ tù chính trị trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam và tiến tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc hội ngộ của gần 700 nữ tù chính trị - 1

Rơi nước mắt khi gặp lại đồng đội cũ

 

Tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban liên lạc Hội tù chính trị TP Đà Nẵng, cho biết: Đây là dịp để chị em cựu tù chính trị ôn lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong các nhà tù Mỹ Ngụy, cũng là dịp để chị em thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau để biết được kẻ còn người mất, đồng thời động viên nhau làm tốt công tác xã hội và chăm lo gia đình trong quãng đời còn lại.

 

“Hôm nay, chúng ta gặp mặt tại đây không quên quá khứ hào hùng, những đau thương mất mát cũng như những chiến công của người đã ngã xuống hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ giang sơn đất nước, không tính toán thiệt hơn và để lại cho đời một cuộc sống tự do, hạnh phúc”, bà Thanh phát biểu trước gần 700 đại biểu.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hàng ngàn chị em phụ nữ trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng đã bị địch bắt và tra tấn dã man. Nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rất nhiều chị em bị đày đến những “địa ngục trần gian” như nhà lao Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp nhưng ở nhà lao nào các chị vẫn tiếp tục đấu tranh đòi dân sinh, cải thiện đời sống...

 

Nhiều chị em đã bị bắt đi Côn Đảo, suốt nhiều tháng bị giam ở đây nhiều người không có quần áo để thay, cơm không đủ ăn, không có rau xanh, mỗi bữa chỉ ăn 1 chén cơm với hai con cá khô đã bốc mùi.

 

Bị giam ở chuồng cọp, cứ 5 người ở một phòng từ 3-4m2, mỗi ngày một người chỉ được 1 lon nước, chị em chỉ uống 1 ít còn lại để cho chị em khác có việc riêng, 10 ngày chúng mới cho tắm 1 lần... Còn ở nhà lao Tân Hiệp, chúng đàn áp bằng cách bắn lựu đạn cay và phun hơi nóng vào phòng làm 100% chị em bị bỏng. Nhưng các chị cũng đứng vững và tiếp tục đấu tranh.

 

Với khí phách của người phụ nữ kiên trung, các chị đã đấu tranh một mất một còn với kẻ thù, không ngại hy sinh gian khổ cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Dù bị kẻ thù tra tấn hết sức dã man nhưng chị em vẫn chịu đựng mọi cực hình để bảo vệ cơ sở cách mạng.

 

Còn rất nhiều câu chuyện mà các cô, các chị đã có dịp ôn lại trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy ắp tình cảm này.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, hiện nay trong xây dựng cuộc sống chị em cũng tự hào góp một phần sức mình trong công cuộc đổi mới. Có chị tham gia công tác lãnh đạo các cấp ngành, khi về hưu có chị lại tham gia công tác đoàn thể trong các hoạt động phòng chống tội phạm, chăm lo cho những gia đình gặp nhiều khó khăn, phát huy tinh thân “lá lành đùm lá rách”...

 

Công Bính