1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cuộc gặp gỡ của những chiến sĩ xe tăng 846

Lần đầu tiên, kể từ ngày sát cánh cùng nhau trên chiếc xe tăng 846 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2) tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, các chiến sĩ xe tăng mới có dịp gặp lại nhau. Họ cũng chính là những người có mặt trên chiếc xe tăng trong bức ảnh nổi tiếng “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” của tác giả Trần Mai Hưởng (TTXVN).

Cuộc gặp gỡ của những chiến sĩ xe tăng 846
Các chiến sĩ xe tăng 846 và nhà báo Trần Mai Hưởng. Trong ảnh, từ trái sang: Lái xe tăng 846 Trần Bình Yên, chỉ huy xe tăng 846 Nguyễn Quang Hòa (người cầm bức ảnh), pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ và nhà báo Trần Mai Hưởng (đứng sau).
Niềm vui ngày gặp mặt

Trong cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, trong đội hình mũi nhọn tiến vào dinh Độc Lập, xe tăng 846 có bốn chiến sĩ: Chỉ huy xe Nguyễn Quang Hòa, pháo thủ số 1 Trần Quý, pháo thủ số hai Nguyễn Bá Tứ, lái xe Trần Bình Yên. Sau khi giải ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, dù muốn, họ cũng chưa có dịp nào gặp nhau đầy đủ.

Lần hội ngộ lần này, cũng chỉ có ba người (thiếu pháo thủ số 1 Trần Quý ở Hải Phòng do chưa liên lạc được). Nhưng cuộc gặp gỡ của họ đã trở nên đặc biệt hơn khi có cả chiến sĩ lái xe tăng 380, thủ trưởng Bình-tiểu đoàn phó phụ trách kỹ thuật; nhà báo Trần Mai Hưởng, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành (Thông tấn xã Việt Nam), nhà báo-Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng (báo Quân đội Nhân dân)-những phóng viên đã có mặt tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

Những cái bắt tay, những vòng ôm thật chặt. Bốn mươi năm cho một cuộc hội ngộ đặc biệt, trong một dịp đặc biệt-kỷ niệm tròn 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ba chiến sĩ xe tăng năm nào, bây giờ người đã già, người vẫn còn vất vả trong cuộc mưu sinh. Chỉ huy xe tăng Nguyễn Quang Hòa, hiện ở La Khê, Hà Đông (Hà Nội), mái tóc đã bạc trắng. Ông vừa trải qua đợt phẫu thuật tim, trước đó lại bị tai biến, nên sức khỏe chưa hồi phục. Khi ông nói chuyện, vẫn có những tiếng bị méo, có lúc bị ngắt quãng. Khi ấy, vợ ông lại nhắc lại cho khách có thể nghe rõ hơn.

“Những căn bệnh của tuổi già”, ông Hòa nói. Nhưng có một điều mà ông không hề che giấu, đó là niềm vui không gì nói hết thành lời được khi gặp lại đồng đội. Vợ ông kể, mấy hôm nay ông Hòa không ngủ được, chỉ mong đến ngày gặp mặt.

Lái xe Trần Bình Yên (quê ở Hà Nam), cũng chẳng ngại ngày mưa, bảo con trai chở xe máy vượt 70 cây số lên Hà Nội. Ông bảo phải đi bằng được. Pháo thủ số hai Nguyễn Bá Tứ, nhà ở một con ngõ trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), sức khỏe cũng không được tốt. Cách đây hơn bốn năm, ông đã phải ngừng lái xe khách để phẫu thuật cắt bỏ thanh quản do căn bệnh ung thư thanh quản.

Bây giờ khi giao tiếp với ai, đi bất cứ đâu, có hai thứ bất ly thân đó là cây bút và tờ giấy để “nói chuyện”. Ai hỏi gì, ông đều trả lời bằng cách viết ra giấy. Cuộc sống của ông còn rất nhiều khó khăn, hai vợ chồng bán xôi sáng hàng ngày. Vợ chồng ông có 3 người con, cô con gái lớn sinh năm 1978 bị nhiễm chất độc da cam toàn phần do di chứng chất độc da cam từ bố, con út còn đang học lớp 12.

“Hôm nay (ngày 8/3), tôi cố gắng tham gia cuộc gặp gỡ này vì đã 40 năm rồi, anh em trên cùng chiếc xe tăng mới có cơ hội gặp nhau, chứ gia đình đang có hai đám tang, một đám tang mẹ vợ, một đám tang của đứa cháu ở Hà Đông”, ông Tứ cho biết.

Đường đến Dinh Độc Lập

Trong cuộc gặp gỡ ấy, hồi ức về mùa xuân đại thắng, về những ngày cùng đồng đội hành quân, có mặt trong dinh Độc Lập, lại được các cựu chiến binh nhớ lại, chi tiết và sống động.

“Cả đêm đi lạc trong rừng cao su, khoảng tám giờ ngày 25/4/1975 đơn vị mới đến nơi tập kết. Trời mù sương nhưng để đảm bảo an toàn, nên xe tăng không bật đèn pha mà để đèn ngầm để đi”, lái xe Trần Bình Yên kể. Trước khi vào chiến dịch, ông Yên được anh y tá tiêm cho một mũi thuốc bổ. Tất cả mọi người chuẩn bị mọi thứ cho cuộc hành quân sắp tới, nhận đạn pháo, kiểm tra lại ngòi nổ.

“Có đồng chí trên lữ đoàn xuống mang cho một cái bản đồ và nói sau khi đánh Trường sĩ quan thiết giáp xong thì ra ngã ba đường 15 để đi đường 1 qua Long Bình, Thủ Đức. Khi qua cầu Thị Nghè thì sẽ có người chỉ dẫn đường vào dinh Độc Lập. Nhiệm vụ chính của đại đội là đánh thọc sâu và cắm cờ”, ông Yên nhớ lại.

17 giờ ngày 26/4/1975, xe tăng 846 bắn phát súng đầu tiên khai màn chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Nước Trong, cửa ngõ Sài Gòn. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đến ngày 29/4 mới kết thúc. Sau khi đánh xong căn cứ Nước trong, ngay trong đêm 29/4, Chính ủy Bùi Tùng và Lữ đoàn trưởng tăng thiết giáp 203 Nguyễn Tất Tài gọi Nguyễn Quang Hòa và Bùi Quang Thận hội ý. Chiến dịch đã rất gấp rút.

Để tiện chỉ huy, hai đại đội của Nguyễn Quang Hòa và Bùi Quang Thận sáp nhập làm một. Bùi Quang Thận là đại đội trưởng, kiêm trưởng xe 843, ông Hòa là đại đội phó (lúc ấy ông Hòa là đại đội trưởng Đại đội 5) kiêm trưởng xe 846. Sau đó, ông Hòa nhận nhiệm vụ, điều 3 xe của Đại đội 5 lên ngã ba Long Bình trước.

Khoảng 6 giờ sáng 30/4, được lệnh của Lữ đoàn, đại đội theo xa lộ Biên Hòa tiến về cầu Sài Gòn. “Khi tới đây, có một chiếc xe tăng địch từ bên kia cầu chạy sang, chúng tôi quay pháo bắn cháy xe. Lái xe tăng bị thương nhẩy ra khỏi xe thì tôi bắt lại. Tôi hỏi: Tình hình bên kia thế nào? - Chúng tôi đã rút hết xe tăng về để cố thủ Sài Gòn rồi, lái xe tăng địch trả lời”- ông Hòa kể tiếp.

Khoảng hơn 10 giờ, đội hình tăng vượt cầu Sài Gòn, nhưng xe tăng 846 hết dầu. Khi ấy, xe đồng chí Bùi Quang Thận đi phía sau cũng vừa kịp tới, vượt lên phía trước. Sau khi xin dầu của xe bạn, xe 846 tiếp tục cùng đội hình vượt cầu.

“Khi vào trong dinh Độc Lập thì xe 843 và 390 đang đỗ ở giữa sân; 3 xe của đại đội tôi chạy qua sân trước và tập kết ở bên trái của dinh Độc Lập, nòng pháo quay ra phía cổng. Anh em vẫn được lệnh trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu như địch phản ứng lại. Đến 4 giờ chiều 30/4 thì được lệnh rút ra tập kết ở Tổng kho Long Bình. Lúc đó, chúng tôi không ở đại đội xe của anh Thận nữa mà tách 3 xe về tiểu đoàn”, ông Hòa kể.

Cùng với những chiếc xe tăng khác của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, xe tăng 846 và bốn chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ của họ trong ngày trọng đại nhất của lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chỉ có điều, trong khi lái xe Trần Bình Yên cho xe tiến vào dinh Độc Lập thì cả bốn chiến sĩ trên xe tăng đều không hề biết họ đã lọt vào ống kính của nhà báo Trần Mai Hưởng, lúc ấy cũng vừa có mặt tại dinh Độc Lập.

Và họ cũng không thể ngờ rằng, bức ảnh ấy cũng đã trở nên nổi tiếng trong suốt thời điểm đó và nhiều năm qua và cũng không hề biết tác giả bức ảnh là ai cho đến khi có cuộc gặp gỡ này.

Theo Xuân Phong
Baotintuc.vn