1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cuộc đời ngắn ngủi của một đứa trẻ

(Dân trí) - Đứa trẻ 10 tháng tuổi gầy còm ốm yếu, đang mê ngủ trong một căn phòng nhỏ được trang bị đủ loại thuốc và thiết bị y tế. Phía góc phòng là một chiếc bình thở ôxy, để dành dùng khi trường hợp xấu nhất xảy ra. Bé bị bệnh teo não, hậu quả của một ca đẻ ngạt ở Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

Bắt đầu từ một ca đẻ ngạt

 

Đứa trẻ đáng thương đó là con anh Nguyễn Nam Giang và chị Lâm Ngọc Vui ở ngôi nhà số 7/20 Thượng Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng.

 

Khi mang thai đứa con đầu lòng này, anh chị đã khám xét rất cẩn thận. Trong quá trình mang thai, chị Vui khám định kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng và được các bác sĩ cho biết thai nhi phát triển bình thường, khoẻ mạnh, dây rau quấn cổ.

 

Chiều 27/9/2006, chị Vui nhập viện. Bác sĩ An Thị Thu Hà chẩn đoán ngôi thai cao, nếu không đẻ được thì phải mổ. Khoảng 1 giờ sáng ngày 28/9/2006, bác sĩ Hà có ca mổ cấp cứu. Trước khi đi, bác sĩ khám lại cho chị Vui và dặn các nữ hộ sinh 5 phút sau đưa sản phụ lên bàn đẻ.

 

Trong khi bác sĩ Hà vắng mặt, các y tá và hộ lý không làm đúng lời dặn mà tập trung ngồi nói chuyện tại phòng chờ đẻ. Khi chị Vui kêu đau dữ dội thì chỉ nghe tiếng họ nói vọng sang: “Ngôi cao không đẻ được, chờ bác sĩ Hà xuống rồi mổ”.

 

Chỉ đến khi chị Vui gào thét “giúp em với, con em thò đầu ra ngoài rồi”, các y tá, hộ lý mới chạy sang, cuống cuồng bảo chị Vui trèo lên bàn, bắt chị nín rặn để họ chuẩn bị đồ nghề. Chị Vui nhớ lại lúc đó chị sinh rất nhanh, nhưng con chị ra đời không khóc, người tím tái. Chị Vui thấy có ai đó bế con mình chạy nhanh ra khỏi phòng sinh.

 

Cháu bé được đưa sang phòng cấp cứu - khoa Sơ sinh. Đến 7 giờ sáng ngày 28/9, cháu lên cơn co giật. 15 giờ chiều cùng ngày, bác sĩ khoa Sơ sinh thông báo cháu bị xuất huyết não. 16 giờ, cháu bé được chuyển sang Viện Nhi Đức. Sau gần 1 ngày, tình trạng co giật không giảm, gia đình quyết định chuyển cháu lên Viện Nhi Thụy Điển - Hà Nội. Tại đây, cháu bé được chuẩn đoán đẻ ngạt, dẫn tới thiếu ôxy và co giật.

 

Những cố gắng vô vọng

 

Chị Vui xót xa nhớ lại: “Em đếm từng ngày chờ tiếng khóc của con. Em nhớ nó chỉ chính thức khóc được thành tiếng khi đã được 20 ngày tuổi”.

 

Sau 10 ngày điều trị tại Viện Nhi Thụy Điển, Gia Bảo - tên cháu bé - được xuất viện, về nhà theo dõi tình trạng co giật. Khi bé được 3,5 tháng, những cơn co giật nhẹ bắt đầu xuất hiện trở lại. Bệnh viện Nhi Đức (Hải Phòng) chẩn đoán cháu bé bị di chứng động kinh, tiền sử đẻ ngạt. 

 

Gia Bảo lại lên Hà Nội. 4 tháng điều trị tại Viện Nhi không khiến sức khoẻ cháu khá hơn. Cháu thường xuyên có biểu hiện co giật rất mạnh và viêm phổi nặng. Có thời điểm con chị co giật 18 tiếng/ngày, không một tiếng khóc, các cơn ho dồn dập.

 

Trưởng khoa Thần kinh - Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, cháu Bảo không bị bệnh bẩm sinh mà hoàn toàn là do đẻ ngạt dẫn đến teo não, suy hô hấp nặng, không thể cứu chữa.

 

Ngày 11/7/2007, Gia Bảo được trở về nhà. Căn phòng của cháu được trang bị đủ các loại thuốc và thiết bị y tế. Anh Giang cho biết, từ khi sinh cháu đến giờ, gia đình đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Nhưng những tổn thất về vật chất ấy không thấm gì so với nỗi đau thể xác của cháu Bảo và nỗi đau tinh thần mà anh chị đang phải chịu đựng.

 

Gần 1 năm nay, anh chị chỉ tập trung chữa chạy cho cháu; giờ biết không còn hy vọng gì, anh chị quyết làm rõ ai là người đã gây nên những bất hạnh cho cháu.

 

Tại dây rau ngắn?

 

Ngày 21/11/2006, gần 2 tháng sau khi chị Vui sinh, anh Giang đã có đơn kiến nghị gửi tới Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, đề nghị làm rõ sự việc. Ba ngày sau, phía bệnh viện có văn bản trả lời với nội dung rất ngắn gọn: “Quá trình theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ đã được xử lý đúng quy trình quy tắc chuyên môn. Các bác sĩ và nữ hộ sinh kíp trực ngày 27/9/2006 không vi phạm kỷ luật trách nhiệm trong công tác chuyên môn... Trẻ sơ sinh bị ngạt nặng sau khi sổ thai dây rau ngắn và quấn cổ”.

 

Không đồng tình với cách giải thích trên, gia đình anh Giang mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự việc.

 

Ngày 2/7/2007, Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng báo cáo kết quả xem xét đơn của anh Giang. Theo đó, căn cứ vào bản tường trình của hai nữ hộ sinh trong kíp trực hôm đó thì họ “không tập trung ngồi nói chuyện như ông Giang nêu trong đơn mà đi theo dõi các sản phụ khác vì hôm đó sản phụ chờ đẻ tương đối đông. Trường hợp sản phụ Vui có quen biết bác sĩ Hà nên rất được ưu tiên quan tâm. Tua trực đã hoàn thành nhiệm vụ. Việc xảy ra với cháu bé là ngoài khả năng nghĩ đến của các nữ hộ sinh”.

 

Ông Nguyễn Hồng Hải - Chánh thanh tra Sở Y tế Hải Phòng - cho biết: Thanh tra đã dành hẳn một buổi sáng để làm việc với Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Song chi tiết quan trọng có liên quan đến việc đẻ ngạt là chị Vui “phải tự đi vào bàn đẻ” lại không được làm rõ. Báo cáo của thanh tra cũng không thể hiện hết tinh thần trách nhiệm trong việc làm rõ cội nguồn của vấn đề. 

 

Cụ thể là đối với việc tự đi vào bàn đẻ, thanh tra đề nghị anh Giang chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa anh Giang, người chứng kiến và kíp trực ngày 28/9, nhằm đối chất làm rõ sự việc. Thiết nghĩ, với một thai nhi không có dị tật bẩm sinh, có những bất trắc ban đầu đã được báo trước (dây rau quấn cổ, ngôi thai cao) thì việc xác định trách nhiệm của các y, bác sĩ tại kíp trực trong ca đẻ ngạt này là không khó.

 

Hiện cháu Gia Bảo vẫn đang vật lộn với căn bệnh teo não và suy hô hấp nặng. Ai sẽ trả lại cháu cuộc đời, đáng ra cháu được sống?

 

PV: Xin ông cho biết, việc con đã thò đầu ra ngoài mà vẫn còn bắt sản phụ đi bộ là như thế nào?

 

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chánh thanh tra Sở Y tế Hải Phòng: Đấy là gia đình nói thế, còn về phía bệnh viện họ trả lời là không có chuyện đó. Gia đình nói là con thò đầu ra ngoài, nhưng lúc ấy thì ai nhìn thấy thai nhi thập thò? 

 

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến đẻ ngạt?

 

Ngạt là do dây rau quấn cổ, thai nhi không ra được thì ngạt. 

 

Vậy bệnh viện có nói rõ là sản phụ đã lên bàn đẻ bằng cách nào không?

 

Họ chỉ bảo sản phụ đau quá và cho vào bàn đẻ. 

 

Lúc đó họ bế sản phụ vào bàn, hay khiêng, cáng vào bàn?

 

Lúc chúng tôi hỏi họ chỉ bảo sản phụ đau quá và cho vào bàn đẻ. 

 

Nếu trong trường hợp chị Vui đang trong tình trạng con thò đầu ra ngoài mà bắt tự đi thì khả năng xảy ra đẻ ngạt không?

 

Tôi đã nói rồi, đẻ ngạt là trong trường hợp dây rau quấn cổ, nước ối cạn, thiếu ôxy lên não. Trong trường hợp của chị Vui là do dây rau thít vào cổ, thiếu ôxy lên não.

 

Trước khi sinh, sản phụ được chuẩn đoán thai nhi có rau quấn cổ, ngôi thai cao. Điều đó chứng tỏ, các bác sỹ, nữ hộ sinh trong kíp trực đã biết trước được những bất lợi của sản phụ rồi.

 

Đấy là người ta khám thế thôi chứ ai xác định được rau quấn cổ. 

 

Nhưng đây là kết quả từ siêu âm! 

 

Siêu âm nói thế thôi nhưng cũng chưa chính xác. Nó lờ mờ như vậy thì ai mà xác định. 

 

Vậy nếu không sử dụng siêu âm thì mình sẽ dựa vào đâu để chuẩn đoán trước khi sinh hiện nay. Và bằng chứng là siêu âm đúng.

 

(Không trả lời)

 

Là bác sĩ sản khoa đã bao giờ ông gặp trường hợp dây rau quấn cổ chưa?

 

Tôi gặp nhiều rồi.

 

Thế những trường hợp dây rau ngắn, quấn cổ, ông có vấp phải trường hợp nào dẫn đến đẻ ngạt, thậm chí tử vong?

 

Không, tử vong làm sao được. Trước tôi làm bác sĩ sản khoa khoảng 30 năm mà chẳng thấy tai tiếng bao giờ. 

 

Vậy mà bây giờ, với công nghệ hiện đại, trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ giỏi hơn thì lại gặp sự cố?

 

Bây giờ bệnh nhân đông quá, kiểm soát không xuể. Trước đây tôi làm ở bệnh viện huyện, là bác sĩ ngoại sản nên tất cả những việc liên quan tới mổ xẻ là tôi đều phải làm. Tôi làm hơn 30 năm. Cũng chẳng bao giờ thấy xảy sự cố gì lớn cả. Thật ra cái tâm của bác sĩ bây giờ cũng khác ngày xưa. 

 

Xin hỏi ông, về nguyên tắc theo quy định, thanh tra có phải tìm đến ngọn nguồn của sự việc không?

 

Án tại hồ sơ. Nhưng hồ sơ bệnh án người ta ghi như thế thì mình biết làm sao. Hồ sơ của bệnh viện khép kín hết rồi. Bây giờ để tìm ra sự thật là khó. 

 

Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

 

Tôi đã nói với bệnh viện chuyện bây giờ thì cũng đã xảy ra rồi, đừng có kiện cáo nhau thế này thế nọ nữa, không lấy lại được đứa trẻ nó hoàn chỉnh. Tốt nhất là cháu bé có điều trị như thế nào thì bệnh viện sẽ hỗ trợ (đây không phải là đền bù) một phần kinh phí nào đó. Chứ bây giờ nói đi nói lại rồi nó cũng thế thôi. Tôi nói như thế với bệnh viện thì bệnh viện cũng đã hướng như vậy.

 

Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã đình chỉ công tác mấy trường hợp của cán bộ đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng vì thiếu tinh thần công tác. 

 

Xin cảm ơn ông!

 

Lan Hương