“Cuộc chiến” thắt lòng bên ngôi cổ tự
Trong tiếng tụng kinh gõ mõ lâm râm, đèn nến trang hoàng, một “ngôi chùa”cùng tên gọi, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” mọc lên bên cạnh ngôi cổ tự thâm nâu cổ kính.
Và, khi nhà báo vào, bà cụ quản lý “chùa mới” xông ra chửi rủa với lời lẽ kinh khủng, đòi đập máy ảnh. Các cụ đứng về phe bảo vệ ngôi cổ tự đã tồn tại nhiều thế kỷ ở thôn Bảo Tàng bèn xông ra bảo vệ nhà báo. Họ chửi nhau rầm trời, lời lẽ và sự hung hãn còn đáng sợ hơn lúc bà cụ xua đuổi nhà báo.
Buồn thay, có người trong số đó là vợ liệt sĩ, có người đã gần 60 năm tuổi Đảng, nhiều người từng là cán bộ khá quan trọng… Chuyện này xảy ra ở xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Vì sao lại có “cuộc chiến” thắt lòng bên cửa Phật như thế?
Xây một ngôi chùa, bỏ luôn một ngôi chùa
Các cụ có câu: “Cứu một mạng người bằng xây 9 ngôi chùa”! Ý rằng, xây chùa là việc lớn lao lắm, phúc đức lắm, nên làm lắm. Tuy nhiên, việc ngẫu hứng, tiện thể xây luôn một ngôi chùa gây ra bao nhiêu hệ lụy, gây kinh động đến tận Trung ương suốt bao tháng ngày như ở thôn Bảo Tàng thì thật sự là… rách giời rơi xuống.
Đặc biệt, vừa qua, nhận đơn kiến nghị thống thiết và tử tế của cụ Lê Văn Đoan, 84 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, tố cáo việc “chùa Phổ Xuân bị hủy hoại do công tác quản lý của chính quyền địa phương”, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UB VHGDTNTNNĐ) của Quốc hội đã có công văn chuyển đơn đến UBND tỉnh Hưng Yên. Và, ngày 12.8.2013, UBND huyện Ân Thi đã tức tốc có báo cáo chính thức gửi UBND tỉnh và UB VHGDTNTNNĐ của Quốc hội. Từ đó, mọi sai phạm mới được “ba mặt một nhời” hơn.
Theo đó, mọi việc bắt đầu từ khi ban hộ tự và ban kiến thiết của chùa Phổ Xuân có đề nghị xin được sửa chùa. Ngày 10.5.2010, UBND huyện có công văn đồng ý cho sửa, lời lẽ rất chỉn chu, thận trọng, có vẻ đúng luật lắm.
Than ôi, thế nhưng chẳng hiểu huyện, xã, thôn có tham gia giám sát gì không. Công trình tu sửa chùa bị biến thái thành việc dựng một ngôi chùa mới trong khuôn viên của chùa cổ. Tất cả những gì chúng tôi trích dẫn ở công văn trên, đều bị phớt lờ, hoặc làm ngược lại. Chùa cổ vẫn đứng đó, cũ càng, rêu phong.
Đại công trình diễn ra… ngoài nền chùa. Họ huy động tiền tỉ ở đâu đó, về xây một cái chùa mới toe, với kiến trúc, tên chùa y xì phóc chùa cổ. Thế là có hai chùa Phổ Xuân đứng… ngắm nhau.
Lập tức, đơn thư khiếu nại, dân tình hoang mang kiện cáo khắp nơi. Cãi cọ trong thôn rầm rĩ. Đặc biệt đáng kinh sợ là việc: Nửa đêm, họ hoàn thành chùa mới rồi, cho “ba quân tướng sĩ” khênh toàn bộ tượng của chùa Phổ Xuân cổ kính sang “chùa mới”. Ông Lê Văn Đoan, ông Lê Quang Tiệp và nhiều bô lão, gặp chúng tôi mà chảy nước mắt: Chùa của chúng tôi trống trơn, nhiều hạng mục bị đào vứt lăn lóc ra bờ ao. Toàn bộ tượng bị khênh mất.
Chúng tôi đòi, họ không trả. Chúng tôi đi kiện, huyện về giải quyết, họ trả lại… 2 pho. Nay, chúng tôi phải thắp nhang trên những… bệ tượng trống trơn, bát nhang thờ cũng biến mất. Chúng tôi phải lấy khúc cây chuối tươi đặt tạm lên bệ thờ để có thể cắm nhang tiếp tục… thờ Phật.
Khi nhóm PV Báo Lao Động có mặt vừa qua: Chùa chỉ còn vài pho tượng sau khi các cụ đi kêu kiện rát quá, họ khênh trả lại. Bát nhang không có, các bệ tượng trống huênh. Kể cả khu thờ các liệt sĩ ở góc bên trái cửa vào chùa, cũng bị mang hết bát nhang đi.
Một cảnh thê lương chưa từng có! Giữa lúc đó, là tiếng khóc của các bô lão. Rồi sau đó là tiếng chửi bới “cút khỏi chùa”, “nghi nhà báo là kẻ trộm”, “ai cho phép vào chùa (mới) của chúng tôi”… bắt đầu vang lên. Rồi hai phe xông vào chửi nhau như hàng tôm hàng cá.
Chấp nhận để chứng kiến sự xâm hại với hàng trăm ngôi cổ tự khác?
Dù cán bộ địa phương có lý giải thế nào đi nữa, thì sự thật là việc sửa chữa, tôn tạo chùa Phổ Xuân đã không diễn ra như mong muốn của bà con, như sự chấp thuận của UBND huyện Ân Thi theo công văn kể trên.
Có phải người ta đã lấy cớ xin sửa chùa để “nhân tiện” lập một công trình khổng lồ mới, rồi cái đó đã biến thành “chùa Phổ Xuân”, khênh toàn bộ tượng chùa Phổ Xuân mấy trăm năm tuổi sang chùa mới? Thế là không cần xin phép, không cần đặt tên “chùa”, không cần xin hoặc mua đất đai, vườn tược, ao chuôm, tự dưng họ có một ngôi chùa mới.
“Chùa mới” lại có sẵn tượng cổ, có sẵn danh hiệu, uy tín của ngôi chùa cổ nhiều trăm năm tuổi, được ngành văn hóa liệt hạng trong danh mục bảo vệ từ khá lâu? Đơn thư của ông Đoan và bà con tố cáo rất rõ ràng điều đó. Sự trống hoác của chùa Phổ Xuân cổ hiện nay cũng cho thấy điều đó.
Và đây nữa: Sự “lấy ý kiến nhân dân” rồi đồng thuận cho phép lấy ngôi chùa xây không phép kể trên làm chùa thờ Tam Bảo (chùa chính), biến ngôi chùa cổ thành khu thờ mẫu hoặc nhà tổ đã thể hiện rõ bằng một loạt văn bản, giấy tờ quan trọng.
Cụ thể, trong bản báo cáo UBND huyện Ân Thi gửi lên UB VHGDTNTNNĐ của Quốc hội đã phải thừa nhận công trình khổng lồ trong khuôn viên chùa Phổ Xuân cổ kính kia là thứ không có giấy phép: “Trong khi sửa chữa cải tạo, người con quê hương có lòng hảo tâm công đức toàn bộ kinh phí để xây dựng thêm nơi thờ tự. Do nóng vội, ban kiến thiết cùng các phật tử và nhân dân, lãnh đạo thôn Bảo Tàng đã tự ý xây thêm nơi thờ tự trong khuôn viên của đất tôn giáo khi chưa làm hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng. UBND xã Quang Lãng thiếu kiểm tra, giám sát…”. Từ đó, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lãng, rồi lãnh đạo thôn đã bị kỷ luật.
Vậy là, sự việc đã quá rõ ràng: Ai đã cố tình làm ngơ hay vô tình để “công trình khổng lồ” ra đời? Xin thưa, không thể có sự vô tình hay thiếu giám sát ở đây, nhất định phải là sự đồng thuận ngầm của ai đó. Vì một ngôi chùa bề thế trị giá nhiều tỉ đồng xây ngay trong ngôi chùa mà bà con hằng ngày, hằng tuần vẫn đều đặn nhang khói, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, chứ có phải ngôi nhà ống hay túp lều hẻo lánh đâu mà bảo làm lén.
Theo tố cáo của ông Đoan và nhiều bô lão, cựu cán bộ đang sống ở địa phương chỉ rõ: Khi bà con phản đối ghê quá, có cán bộ lãnh đạo xã còn lên cuộc họp nói là “công trình to lớn” kể trên xây có phép. Khi bà con truy vấn hỏi công văn cho phép đâu, thì họ đọc công văn cho phép sửa chùa Phổ Xuân cổ trong hội nghị. Có cán bộ đọc trong cuộc họp (theo tố cáo của bà con), rằng họ có tiền họ xây “chùa” thì tốt quá, chùa to thì đem tượng sang đó để thờ. Rồi việc biểu quyết lấy ý kiến, chỉ là hành vi “chính thức hóa” công trình đã được tính toán để xây và tính toán để… biến chùa cổ thành nhà tổ, thành nhà mẫu.
Nên chăng: Chỉ nhờ sự biểu quyết đầy tai tiếng kia, chỉ vin vào việc lấp liếm “sự đã rồi” kể trên mà nghiễm nhiên biến một công trình không phép thành chùa thờ Tam Bảo (chùa chính) của địa phương, rồi đem chùa Phổ Xuân cổ kính thành… nhà tổ, nhà mẫu, khênh hết tượng cổ đem đi, khiến nhiều người phải khóc ròng, kiện lên tận Trung ương(!?) Nếu tiền lệ này được chấp thuận dễ dàng thế, thì chúng ta sẽ còn phải chứng kiến nhiều ngôi cổ tự bị mất tên, mất tượng, mất vai trò tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử để biến thành… chùa bêtông cốt thép xây không xin
phép khác.
Đằng sau câu chuyện này, còn là lòng dân, là thái độ của người ta đối với văn hóa cổ của cha anh mình. Chúng tôi buốt lòng xem những chân cột của “ngôi chùa mới”, cầu kỳ, diêm dúa, ở đó có khắc rất to tên của vài gia đình, các cụ lão đã… cung tiến xây chùa. Nên làm như vậy không?
Đó là lý do để nhiều người phẫn uất nói rằng: Người ta đã bằng mọi giá xây công trình “của gia đình người ta”, rồi “hủy vai trò” của ngôi chùa đã là địa điểm tâm linh thành kính của bà con suốt nhiều thế kỷ! Nếu đây là sự thật, thì thật đáng sợ. Mà sự thật đã khắc vào đá tảng, đá phiến, ở ngay chân cột chùa chứ còn nghi ngờ gì đâu? Điều nữa, là việc địa phương có dấu hiệu “đàn áp” những người đi tố cáo như ông Lê Văn Đoan. 84 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, nguyên Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Công an xã, bệnh binh mất 71% sức khỏe, lại vừa phải phẫu thuật cắt bàng quang, lúc nào cũng treo bên hông một túi chứa… nước tiểu…, hàng ngày, ông Đoan vẫn đạp xe … đi kiện.
Ông bảo, ông sẵn sàng đánh đổi tính mạng mình để bảo vệ sự thật. Tai ông nặng, đi họp hành ở đâu nghe người ta nói láng máng, ông cũng bật cái máy ghi âm lên để mang về con cháu nghe và nói to lại cho ông nghe “thủng” hơn. Có lần cán bộ đã yêu cầu ông tắt máy ghi âm. Ông chấp hành. Nhưng có lần khác ông đeo máy trợ thính, thì cán bộ lại tưởng ông ghi âm lén nên làm toáng lên. Thế rồi, cán bộ cơ sở có ngày đã làm một việc tai tiếng là tiến hành bỏ phiếu 6 lần để “khai trừ” hoặc “kỷ luật” ông về mặt Đảng. Rồi ai đó phao tin khắp làng là ông phạm lỗi bị khai trừ khỏi Đảng, khiến xóm làng, con cháu tá hỏa. Điều này đã như đổ thêm dầu vào lửa.
Trong khi, sự thật với những sai phạm rành rành, thì người ta lại lấp liếm, lại “hợp lý hóa” dần dần các sai phạm của họ. Đến mức, bây giờ họ không hề trả nốt tượng cho ngôi chùa Phổ Xuân cổ kính, bà con càng đi đòi, tượng càng không về. Ông Đoan dẫn tôi vào “chùa Phổ Xuân mới”, ông lau nước mắt: “Tượng của chùa cổ chúng tôi đây nhé, họ kê ở dưới thấp này này, tượng mới họ kê trên cao, họ bảo tượng xấu tượng cũ thì ở đó thôi”.
Ông lại dẫn tôi sang chùa cổ, “họ biến đây thành cái nhà kho”, “chúng tôi phải đẵn khúc chuối tươi làm chỗ cắm nhang thờ Phật, chứ mọi thứ bị khênh đi hết rồi”. Giọng ông Đoan thều thào, tôi (nhà báo) chưa kịp phản ứng gì, bà cụ “phe bên kia” lại xông vào tấn công, chửi bởi, đòi giật máy ảnh đuổi ra khỏi chùa “của chúng tao”. Vậy mà, bản báo cáo gửi UB GDTNTNNĐ của Quốc hội, người ta dám nói: “Việc thờ cúng tâm linh của nhân dân phật tử trong thôn vẫn diễn ra bình thường không như nội dung phản ánh trong đơn đề nghị của ông Lê Văn Đoan”. Gớm, nói vậy thì có gì mà cụ Đoan chả uất đến tận cổ!
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao Động