Cuộc chiến chống mặn, hạn ở ĐBSCL ngày càng quyết liệt
(Dân trí) - Hàng ngàn hecta cây ăn trái, hoa màu, tôm cá, lúa... đang thiếu nước tưới, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Cuộc chiến với hạn, mặn ở ĐBSCL ngày càng quyết liệt.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bến Tre cho biết: Nước mặn từ sông Cửa Đại, Hàm Luông và Cổ Chiên thâm nhập vào đất liền hơn 50 km. Tại xã Gia Hòa (huyện Châu Thành) xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, phường 7, TP Bến Tre từ 3,5 phần nghìn đến 5,3 phần nghìn. Dự báo tình hình mặn có khả năng tiếp tục xâm nhập sâu hơn nhiều.
Ông Võ Trường Xuân, ấp Lân Bắc, xã Phú Sơn nói: Phú Sơn nằm ven sông Hàm Luông trong bán kính của vùng mặn xâm nhập. Trong 2 năm 2008 - 2009, nông dân ven sông đã tự bỏ tiền và hàng trăm ngày công làm 3 cống ngăn triều cường, trữ nước ngọt bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên với mức xâm nhập mặn như hiện nay thì chưa thấm vào đâu.
Chính quyền huyện Chợ Lách có sáng kiến hướng dẫn người dân dùng cỏ, lục bình phủ gốc cây, dùng lá dừa che bóng cho cây trong những ngày khô hạn để giữ độ ẩm cho đất. Đối với vật nuôi, gia súc nên tăng cường bổ sung thức ăn xanh để giảm độ mặn trong khẩu phần ăn.
Ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre nói: tình trạng xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản) và sinh hoạt của nhân dân. Theo báo cáo của các địa phương, sẽ có khoảng 26.900 ha cây ăn trái, 4.000 ha ca cao, 4.000 ha lúa, 250 ha hoa kiểng, 450 ha hoa màu bị giảm năng suất.
Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn năm 2010, các giải pháp trước mắt của Bến Tre là: Tiếp tục gia cố đê bao, đắp đập tạm, nạo vét kênh mương để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; cung cấp dụng cụ chứa nước cho gia đình nghèo, diện chính sách, mở rộng tuyến ống cấp nước của những nhà máy nước hiện có…
Đầu tháng 4/2010, nhà máy nước tại xã An Phú Trung, Ba Tri, có vốn đầu tư khoảng 13 tỷ đồng được đưa vào hoạt động sẽ cung cấp nước sạch cho trên 1.500 hộ dân. Tuy nhiên, để công trình phát huy hiệu quả cần tới 25,5 tỷ đồng để thực hiện nạo vét kênh mương, đê bao, các đập tạm, sửa chữa các cống ngăn mặn, trữ nước ngọt...
Tương tự tại Tiền Giang, mặn đã xâm nhập đến thành phố Mỹ Tho, cách biển gần 60 km. Toàn bộ các cống ngăn mặn ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây… đã đóng kín, hàng ngàn hécta lúa đông xuân đang có nguy cơ giảm năng suất do thiếu nước ngọt.
Chi cục thủy lợi Tiền Giang đã mở 19 vòi nước công cộng để phục vụ cho 20.000 nhân khẩu thuộc 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông đang bị thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương đưa phương tiện chở nước ngọt từ thành phố Mỹ Tho xuống cung cấp xuống cho các hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Nắng nóng kéo dài, nước ao hồ cạn kiệt nhanh, độ mặn tăng cao tại 1.044 ha diện tích mặt nước ở các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang… đã khiến trên 100 triệu con tôm sú giống chết.
Chiều 25/3, Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: Từ ngày 20/3 đến nay, nước mặn tràn vào vùng ngọt chuyên sản xuất lúa. Độ mặn đo được tại Bạc Liêu - Sóc Trăng là 3,2 phần nghìn. Hiện Bạc Liêu còn khoảng 24.000 ha lúa đông xuân đang trổ bông, trong đó có hàng nghìn ha có nguy cơ bị mất trắng.
Ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Tây Nam Bộ, cho biết: Lưu lượng nước sông Mekong về tới khu vực đầu nguồn sông Cửu Long hiện chỉ còn khoảng 1.600m3/giây, chưa bằng 5% tổng lưu lượng trong mùa nước nổi. Nếu tận dụng triệt để nguồn tài nguyên này để tưới cho mỗi cây lúa thôi thì nguồn nước mặt vẫn không đủ.
Giải pháp sống chung với hạn đang được nông dân hướng đến. Việc đầu tiên nghĩ tới là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm những cây, con chịu hạn, chịu mặn. GS. TS. Nguyễn Văn Luật, Nguyên viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng: Cây khoai lang là một trong những loại cây trồng nhiều tiềm năng trong điều kiện có tác động của biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh:Phạm Tâm