Báo động hạn hán và mặn hóa ĐBSCL
(Dân trí) - Nước thượng nguồn sông MêKong, biển hồ (campuchia) ở mức thấp khiến mực nước tại các sông ở ĐBSCL đang xuống thấp kỷ lục; nước mặn từ biển dâng cao qua các cửa sông rồi thâm nhập vào đất liền 70km… ĐBSCL đang bị hạn hán và mặn hóa trầm trọng.
40% lúa đông xuân đang bị mặn hóa đe dọa
Sáng 12/3 tại Sóc Trăng, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, lãnh đạo 12 tỉnh, thành ĐBSCL đã mở hội nghị triển khai giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hạn chế thiệt hại do nắng nóng, khô hạn.
Vụ lúa đông xuân đang bị đe dọa, nước khô, đất nứt nẻ (ảnh chụp ngày 9/3 ở Bạc Liêu).
Báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, ảnh hưởng của mặn hóa đối với vụ lúa đông xuân 2009 - 2010 đến các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre... là 620.000/1.545.000 ha - chiếm 40% diện tích toàn vùng.
Theo lịch thời vụ, cuối tháng 4 đầu tháng 5, ĐBSCL đồng loạt xuống giống lúa hè thu. Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài, khả năng hạn đầu vụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 550.000 ha ở vụ lúa này.
Cục thủy lợi cho biết, đầu tháng 3/2010 nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, có nơi vào sâu đến 70 km. Cụ thể trên sông Vàm Cỏ Đông, tại cống Bà Xiểng (cách biển 45 km) độ mặn 5,5 phần ngàn; trên sông Tiền độ mặn tại Vàm Giồng lên đến 6,2 phần ngàn; trên sông Hàm Luông tại Phú Khánh 7,7 phần ngàn; sông Cổ Chiên tại Láng Thé 5,6 phần ngàn; sông Hậu mặn đã vượt qua cống Mỹ Văn ăn sâu vào đất liền đến 60 km.
Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, nếu đúng như dự báo, Bạc Liêu sẽ có trên 20.000 ha bị ảnh hưởng mặn vụ hè thu. Con số này tại Long An là 50.000 ha, Sóc Trăng 40.000 ha, Hậu Giang 30.000 ha, Kiên Giang 120.000 ha...
Tại hội nghị, các Sở NN&PTNT ĐBSCL đề nghị Bộ hỗ trợ 220 tỷ đồng để các địa phương chủ động bơm tưới cho 550.000 ha lúa hè thu sớm có khả năng thiếu nước ngay đầu vụ.
Thủy lợi chưa hoàn chỉnh, cứu lúa thì “tôm khóc”
Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết: “Hiện có hai vệt nước mặn đang tồn tại trong vùng ngọt. Nếu mở cống lấy nước ra để phục vụ việc nuôi tôm thì dòng nước mặn này loang ra tràn vào các dòng kênh tưới cho lúa”.
Sông ở ĐBSCL đang khô cạn từng ngày (ảnh chụp ngày 9/3).
Ngày 23/2, tỉnh Bạc Liêu họp khẩn chỉ đạo các huyện Phước Long, Hồng Dân… huy động người dân bơm nước mặn ra khỏi vùng ngọt, sau đó sẽ cho mở cống lấy nước mặn ra để đón nguồn nước ngọt từ Sóc Trăng qua đập Nàng Rền để cứu lúa, tuy nhiên nguồn nước ngọt này rất hạn chế lúa vẫn bị uy hiếp.
Theo Cục nuôi trồng thủy sản, năm 2009 tôm sú và tôm thẻ chân trắng nước lợ và nước mặn ở vùng ven biển ĐBSCL với diện tích nuôi gần 800.000 ha luôn cần có nguồn nước mặn luân chuyển. Ông Lân cho biết: “Để cứu lúa thì phải lấy ngọt từ thượng nguồn về vì vậy cần phải mở hệ thống cống dọc theo QL 1A. Nếu vậy sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nước mặn cho người nuôi tôm”.
“Hiện nay hệ thống thủy lợi tại đây vừa phục vụ nước mặn cho nhu cầu nuôi tôm vừa phục vụ nước ngọt cho nhu cầu trồng lúa. Trong khi đó, hệ thống cống chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào để hài hòa lợi ích của cả hai là điều vô cùng khó khăn” ông Lân phân trần.
Trước tình hình cấp bách hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức phát đã chỉ đạo: Tất cả các địa phương triển khai các biện pháp đồng bộ hơn, quyết liệt hơn.
Theo đó Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cùng Cục Thủy lợi phối với khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi toàn bộ tình hình lưu vực sông MêKong kể cả nước bạn qua đó nắm được tác động chung trong khu vực để đề ra biện pháp phù hợp.
Đối với các vụ lúa phải xuống giống trong khung thời vụ tốt nhất đối với từng vùng, từng địa phương; Địa phương nuôi trồng thủy sản phải cấp nước ngọt, nước mặn kịp thời, theo dõi diễn biến môi trường nước ở các vùng, tránh tình trạng tôm cá chết, xem xét cơ cấu loài nuôi.
Bài, ảnh: Phạm Tâm