1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Cuộc cách mạng thường đi liền với một cú sốc trong xã hội”

(Dân trí) - TS. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhấn mạnh cả thế giới đều đang nói về cách mạng 4.0. “Cuộc cách mạng thường đi liền với một cú sốc trong xã hội. Tôi dự đoán cuộc cách mạng lần này cũng sẽ tạo ra sự chuyển biến lớn trong xã hội” - ông Dũng nói.

Ông Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo.
Ông Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dự án Luật hành chính công” do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 3/6, TS. Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục tin học (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đa số các bộ ngành địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với tổng số dịch vụ công trực tuyến đạt được là 828 giao dịch vụ công cấp Bộ, 11.409 dịch vụ công cấp tỉnh.

Tại các bộ, ngành, địa phương, một số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, mức độ 4 đã đem lại hiệu quả cao, điển hình như Bộ Tài chính trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam 28 triệu, Bộ Ngoại giao trên 1,6 triệu, Bộ Kế hoạch- Đầu tư hơn 450.000 bộ hồ sơ trực tuyến, Hà Nội có trên 340 nghìn hồ sơ trực tuyến, An Giang trên 60 nghìn, Đà Nẵng trên 46 nghìn hồ sơ trực tuyến…

Trong khi đó, TS. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhấn mạnh cả thế giới đều đang nói về cách mạng 4.0. “Cuộc cách mạng thường đi liền với một cú sốc trong xã hội. Tôi dự đoán cuộc cách mạng lần này cũng sẽ tạo ra sự chuyển biến lớn trong xã hội”- ông Dũng nói.

Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công, bà Trần Thị Quốc Khánh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cho rằng người dân và doanh nghiệp đang có yêu cầu cao hơn với bộ máy hành chính, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Chính vì vậy, từng cán bộ, công chức, viên chức phải tự thay đổi tác phong làm việc, để góp phần chuyển từ nền hành chính “mệnh lệnh”, “xin-cho” sang nền hành chính “phục vụ”, coi người dân và doanh nghiệp là đối tác, khách hàng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công.

“Dự án Luật Hành chính công được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ/chính quyền điện tử, góp phần tận dụng các tác động tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 đến nước ta. Sự đẩy mạnh công nghiệp 4.0 dựa trên số hóa và kết nối là xu thế của thế giới và có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”- bà Khánh phán đoán.

Tuy vậy, TS. Nguyễn Thành Phúc đánh giá, khó khăn lớn nhất mà nhiều bộ, ngành, địa phương phản ánh trong quá trình triển khai và ứng dụng công nghệ, giao dịch điện tử và chữ ký số trong cơ quan nhà nước là thiếu kinh phí. Trong hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước hiện nay chưa có mục chi riêng cho ứng dụng công nghệ thông tin, còn ngân sách Trung ương cấp cho các bộ, ngành, địa phương được cấp chung, việc bố trí, phân bổ như thế nào là do các bộ, ngành, địa phương chủ động. Điều này dẫn tới việc nếu bộ, ngành, địa phương nào được lãnh đạo quan tâm thì mới được bố trí kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, người đứng đầu một số cơ quan Nhà nước chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chưa gương mẫu, tham gia trực tiếp vào quá trình chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, mới chỉ quan tâm tới số lượng dịch vụ công trực tuyến.

Việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu sự phối hợp; các bộ, ngành, địa phương chậm xây dựng, ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử (cấp bộ), kiến trúc chính quyền điện tử (cấp tỉnh) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn đến trùng lắp, không kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Ứng dụng công nghệ thông tin tại nhiều nơi chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động cải cách hành chính. Nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin tại nhiều Bộ, ngành địa phương vừa thiếu, vừa hạn chế về năng lực, nhất là bộ phận chuyên trách, tham mưu, quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo nhiều đại biểu, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới thì việc tiếp tục nghiên cứu, ban hành, đề xuất ban hành các văn bản pháp luật để hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử có vai trò quan trọng, trong đó có dự án Luật Hành chính công.

Kha Xuân Lộc