1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cụm mộ cổ hàng nghìn năm được lưu giữ ở Thanh Hóa

Thanh Tùng

(Dân trí) - Một cụm mộ cổ gồm 3 bộ xương người, cách ngày nay khoảng 6.000 năm và hàng nghìn công cụ lao động bằng đá đang được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Theo thống kê từ Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay đơn vị lưu giữ và trưng bày hơn 30.000 hiện vật cổ.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, cho biết tại phòng trưng bày "Thanh Hóa thời tiền sử - sơ sử" có khoảng 7.000 hiện vật có từ thời tiền sử, sơ sử và hơn 3.000 hiện vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Cụm mộ cổ hàng nghìn năm được lưu giữ ở Thanh Hóa - 1

Các hiện vật có niên đại cách đây hàng vạn năm được lưu giữ tại phòng trưng bày "Thanh Hóa thời tiền sử - sơ sử" (Ảnh: Thanh Tùng).

Các hiện vật chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức. Những hiện vật này có niên đại cách ngày nay từ hàng nghìn đến hàng vạn năm, được phát hiện tại các di chỉ khảo cổ ở Thanh Hóa.

Đặc biệt, tại bảo tàng hiện nay còn lưu giữ một cụm mộ cổ, cách ngày nay khoảng 5.000-6.000 năm.

Cụm mộ cổ hàng nghìn năm được lưu giữ ở Thanh Hóa - 2

Cụm mộ cổ cách ngày nay 5.000-6.000 năm (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo hồ sơ khai quật, cụm mộ xuất hiện vào giai đoạn trung kỳ đồ đá mới. Ở thời kỳ này, người nguyên thủy ở các mái đá, hang động phía tây Thanh Hóa đã làm một cuộc di cư vĩ đại vươn ra chiếm lĩnh đồng bằng, tiến ra biển tạo dựng nên một nền văn hóa nổi tiếng - Văn hóa Đa Bút.

Cụm mộ này được khai quật tại di chỉ Cồn Cổ Ngựa (nằm trên cánh đồng xóm 5, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa), vào năm 2013. Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 146 di cốt với diện tích hố khai quật là 84m2.

Cụm mộ cổ hàng nghìn năm được lưu giữ ở Thanh Hóa - 3

Quá trình khai quật mộ cổ tại di chỉ Cồn Cổ Ngựa, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Ảnh: Thanh Tùng).

Cụm mộ cổ này gồm 3 cá thể được chôn cùng tại một thời điểm trong tư thế mai táng ngồi co bó gối. Trong đó có 2 hài cốt là người lớn (1 nam, 1 nữ, khoảng 50-60 tuổi) và 1 trẻ em (vài tháng tuổi).

Ngoài cụm mộ cổ, tại bảo tàng còn lưu giữ các hiện vật gắn với cư dân nguyên thủy. Các hiện vật chủ yếu bằng đá, có kỹ thuật chế tác đỉnh cao như rìu, bàn mài, chày, bàn nghiền, chì lưới, mảnh gốm, đồ đựng bằng đất nung, hạt chuỗi…

Cụm mộ cổ hàng nghìn năm được lưu giữ ở Thanh Hóa - 4

Các công cụ bằng đá được tìm thấy tại di tích hang Con Moong, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, tại phòng trưng bày "Thanh Hóa thời tiền sử - sơ sử" đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan.

"Phòng trưng bày đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân nâng cao hiểu biết về những giá trị lịch sử, văn hóa từ xa xưa. Qua đó, giáo dục các thế hệ con, cháu sau này hiểu biết hơn về quá trình hình thành, phát triển của loài người, nét đẹp lao động thay đổi qua các thời kỳ lịch sử", ông Dương cho biết thêm.