1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ kiện sở hữu trí tuệ đầu tiên tại Hà Nội:

Cục Sở hữu trí tuệ thắng kiện

(Dân trí) - Hôm qua, 2/3, phiên toà xét xử vụ kiện đầu tiên trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ kết thúc với "phần thắng" thuộc về Cục Sở hữu trí tuệ. Công ty Hải Bình - bên nguyên đơn - đã không bảo vệ được quyền sở hữu với sản phẩm bơm xăng mang nhãn hiệu EnE.

Năm 1999, Công ty cổ phần Hải Bình ký hợp đồng với Công ty Korea EnE của Hàn Quốc về việc Công ty Hải Bình là nhà phân phối, bảo hành và bảo dưỡng độc quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam sản phẩm bơm xăng điện tử mang nhãn hiệu Korea EnE do công ty của Hàn Quốc sản xuất. Logo sản phẩm là chữ EnE lồng trong hình oval có màu nền là hình xanh lá cây. Việc nhập khẩu thiết bị bơm xăng dầu điện tử EnE cùng nhãn hiệu hàng hoá của công ty Korea EnE đã được công ty Hải Bình đăng ký kiểm định tại Tổng cục đo lường chất lượng.

 

Đến tháng 1/2002, Công ty Hải Bình có đơn gửi Cục sở hữu trí tuệ xin đăng ký nhãn hiệu " EnE và hình oval", hình chữ H và Habico. Đến tháng 6/2003, Công ty Hải Bình được cấp đăng ký chứng nhận sở hữu hàng hoá.

 

Tuy nhiên, về phía công ty Korea EnE khi biết nhà phân phối sản phẩm độc quyền của mình tại Việt Nam lại đăng ký nhãn hiệu hàng hoá logo giống với mẫu của Korea EnE thì công ty này đã uỷ quyền cho Công ty tư vấn Sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ (Công ty P & TB) đề nghị huỷ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá đối với công ty Hải Bình.

 

Với các chứng minh hợp lệ phía đại điện công ty  Korea EnE nên Cục sở hữu công nghiệp đã có Quyết định số 24 về việc huỷ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá của công ty Hải Bình.

 

Không đồng tình với quyết định này, công ty Hải Bình đã có đơn kiện tại toà hành chính Hà Nội về quyết định 24. Ông Vũ Hữu Dũng, Giám đốc công ty cổ phần Hải Bình cho biết công ty Hải Bình thành lập trước Công ty “mẹ” Korea EnE và ngày 19/5/1998, công ty đã có hợp đồng thuê thiết kế logo thương hiệu này cho mình để chứng minh logo thương hiệu của mình là độc lập so với công ty Hàn Quốc.

 

Nhưng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ lại đưa ra bằng chứng cho rằng hợp đồng này không đáng tin cậy vì vào thời điểm 13/7/1998 Hải Bình mới nhận được con dấu từ Cơ quan Công an. Vậy thì làm sao có con dấu để ký hợp đồng thiết kế logo công ty của mình.

 

Hội đồng xét xử đã đánh giá: logo sản phẩm của Hải Bình gần như trùng khớp với logo của Korea EnE, người tiêu dùng bình thường khó có thể phâm biệt được. Mà Hải Bình lại không chứng minh được quyền sở hữu chính đáng của mình với nhãn hiệu sản phẩm này. Trong khi những lập luận, chứng cứ của Cục Sở hữu trí tuệ về việc ra Quyết định 24 huỷ Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá của Công ty Hải Bình là đúng luật, hợp lý.

 

Vì vậy, toà đã bác đơn kiện của Công ty Hải Bình yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ phải huỷ quyết định 24 trên.

 

Phương Thảo - Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm