Bắc Kạn:
Cục Kiểm lâm báo cáo về nạn “tàn sát" gỗ nghiến ở VQG Ba Bể
(Dân trí) - Cục Kiểm lâm thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp vừa có báo cáo chính thức về tình trạng lâm tặc tàn sát hàng loạt cây gỗ nghiến quý tại Vườn Quốc Gia Ba Bể, tỉnh Bắc kạn.
Thời gian qua, dư luận xôn xao bất bình trước tình trạng hàng loạt cây gỗ nghiến quý tại VQG Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) bị lâm tặc tàn sát không thương tiếc. Theo ghi nhận, nhiều khu vực trong VQG Ba Bể bị các đối tượng lợi dụng đêm tối “xẻ thịt”, đốn hạ hàng loạt cây gỗ nghiến quý tại các bản Cốc Tộc, Ao Tiên, Bản Quá…
Sau khi cưa xẻ gỗ nghiến thành những thớt gỗ có đường kính lớn, lâm tặc chờ thời cơ vận chuyển ra ngoài bằng xe thồ và xe máy, tập kết lại chờ ô tô chuyển đi tiêu thụ, qua mặt cơ quan chức năng địa phương như Ban quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm và các chốt kiểm tra bằng nhiều cách ngụy trang khác nhau.
.
Sau khi tiếp nhận thông tin về tình trạng phá rừng nghiêm trọng trên, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm đưa ra các giải pháp cấp bách. Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn đã chỉ đạo cơ quan công an và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành lập Ban chuyên án đấu tranh về tình trạng gỗ nghiến quý trong VQG bị khai thác trái phép.
Tổng Cục Lâm nghiệp chỉ đạo Cục Kiểm lâm kiểm tra thực tế nạn phá rừng tại Ba Bể. Sau 1 tuần kiểm tra, ngày 2/7, Cục Kiểm lâm đã chính thức có Báo cáo số 354/BC-KL-ĐN công bố về tình hình khai thác rừng trái phép tại VQG Ba Bể; theo đó, việc khai thác, mua, bán, vận chuyển gỗ nghiến trong VQG Ba Bể như báo chí phản ánh thời gian qua là có thật.
Báo cáo khẳng định, việc “đầu nậu” qua mặt kiểm lâm đến thời điểm tổ công tác kiểm tra là chưa có căn cứ. Tuy nhiên, phía kiểm lâm cũng thừa nhận “không loại trừ một số cán bộ làm ngơ, né tránh hoặc tiếp tay cho lâm tặc”.
Cục Kiểm lâm cho biết, số liệu báo cáo của VQG Ba Bể qua các cuộc tuần tra truy quét từ đầu năm 2012 đến thời điểm này đã phát hiện 144 cây gỗ nghiến, khối lượng gần 660m3 bị lâm tặc khai thác trái phép. Theo đó, tình hình vận chuyển trái phép gỗ nghiến ra khỏi VQG Ba Bể được hình thành trên các tuyến đường liên xã, gồm: Hoàng Trĩ, Đồng Phúc - huyện Ba Bể sang xã Bằng Phúc - huyện Chợ Đồn và từ xã Nam Mẫu - huyện Ba Bể sang xã Nam Cường đi thị trấn Bằng Lũng - huyện Chợ Đồn theo đường tỉnh lộ 254.
Lý giải về nguyên nhân gỗ nghiến trong VQG Ba Bể bị “tận diệt”, Cục Kiểm lâm cho rằng do lợi nhuận thu được từ việc khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ nghiến trái phép rất cao. Trong khi đó, đời sống của người dân trong vùng lõi và vùng lân cận của VQG Ba Bể còn rất khó khăn, đất canh tác ít, nguồn sống chủ yếu phải dựa vào rừng.
Nguyên nhân thứ hai là do tinh thần trách nhiệm của cán bộ, cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ trên địa bàn chưa cao, lơ là trong việc bám sát địa bàn, chậm phát hiện các vụ phá rừng và không có biện pháp để ngăn chặn kịp thời.
Bản Báo cáo số 354/BC-KL-ĐN của Cục Kiểm lâm gửi lên Tổng Cục Lâm nghiệp ngày 02/7/2012 về tình hình gỗ nghiến trong VQG Ba Bể bị khai thác trái phép.
Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các trạm kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thống kê, đo đếm số cây và khối lượng gỗ bị chặt hạ trái phép để báo cáo về Cục Kiểm lâm, Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Bản báo cáo số 354/BC-KL-ĐN của Cục Kiểm lâm đã nói lên những khiếm khuyết, thiếu hiệu quả, thiếu năng lực trong việc bảo vệ rừng của Ban quản lý bảo vệ VQG Ba Bể và cơ quan chức năng các cấp trực thuộc sự quản lý, giám sát của tỉnh Bắc Kạn.
Cục Kiểm lâm cũng đề nghị Tổng Cục Lâm nghiệp chỉ đạo Sở NN&PTNN, Chi cục Kiểm lâm xem xét, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm các cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn được phân công quản lý.
Để sớm giải quyết tình trạng “chảy máu” tài nguyên rừng, và nhanh chóng ổn định tình hình, Cục Kiểm lâm đề nghị VQG Ba Bể tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, truy quét lâm tặc khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép trên địa bàn.