Huế:

Cửa biển Lăng Cô đang bị xâm thực nặng nề

(Dân trí) - Trong khoảng một tuần trở lại đây, từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, vùng cửa biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đang bị xâm thực nặng nề. Cửa biển ăn sâu vào đất liền hơn 200 mét và có chiều hướng tiếp tục xâm thực sâu thêm.

Theo bà con nơi đây, mặc dù thời gian qua có ảnh hưởng mưa, gió nhưng cường độ gió chưa lớn, sóng biển cũng chỉ ở mức vừa phải, nhưng ở vùng cửa biển Lăng Cô vẫn bị xâm thực mạnh mẽ. Một diện tích lớn đất bị biển cuốn đi, nhiều cây trồng chắn gió, giữ đất của người dân ở vùng này cũng bị cuốn trôi, gãy đổ. Dù thủy triều đang lúc xuống nhưng ở nhiều đoạn nước biển vẫn ăn sâu vào khu vực dân cư.

Theo bà con, những năm mưa bão lớn, vùng cửa biển này cũng bị xâm thực. Năm nay chưa có bão mà biển vẫn xâm thực sâu vào khu dân cư khiến người dân lo lắng trước nguy cơ bị biển cuốn trôi…

Cửa biển Lăng Cô đang bị xâm thực nặng nề - 1

Những hình ảnh về cửa biển Lăng Cô thuộc Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô bị xâm thực bất thường trong hơn 1 tuần nay.

Những hình ảnh về cửa biển Lăng Cô thuộc Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô bị xâm thực bất thường trong hơn 1 tuần nay.

Những diễn biến bất thường của thời tiết trong những năm qua cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của những cư dân sống ven biển; tại huyện Phú Lộc vùng bờ biển các xã Vinh Hải, Vinh Hiền cũng bị xâm thực nặng.

Vào chiều ngày 5/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi kiểm tra thực địa tình hình xâm thực bờ biển tại khu vực cửa biển Lăng Cô.

Tại hiện trường, đại diện UBND huyện Phú Lộc đã báo cáo 1 tuần trở lại đây, vùng cửa biển Lăng Cô đang bị xâm thực nặng nề, cửa biển ăn sâu vào đất liền hơn 200 mét và vẫn đang có chiều hướng tiếp tục xâm thực sâu thêm.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đoàn làm việc sẽ tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp khắc phục kịp thời, hạn chế biển xâm thực, giúp ổn định sản xuất sản xuất và đời sống của người dân vùng biển.

Văn Nhân – Đại Dương