Bình Định:

Cửa biển bị bít, tỉnh lo sông nhấn chìm làng mạc

(Dân trí) - Cửa An Dũ (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị bít làm giảm khả năng thoát lũ, gây ngập lụt cho vùng hạ lưu, uy hiếp đến tính mạng, tài sản nhân dân; tàu cá ngư dân “hết đường” vào bán hải sản.

Ngày 27/2, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này ký văn bản trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, có ý kiến về kết quả nghiên cứu Dự án Cửa An Dũ - xã Hoài Mỹ, Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Cửa biển bị bít, tỉnh lo sông nhấn chìm làng mạc - 1
Cửa biển An Dũ đoạn xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) bị bồi lấp khiến tàu thuyền của ngư dân không thể ra vào bán thủy sản cả 20 năm nay.

Theo UBND tỉnh Bình Định, hiện tượng dịch chuyển, bồi lấp cửa An Dũ làm giảm khả năng thoát lũ qua cửa, gây ngập lụt cho vùng hạ lưu sông Lại Giang. Hàng năm, trước mùa mưa lũ UBND tỉnh Bình Định phải bỏ hàng trăm triệu đồng để nạo vét, khơi thông cửa hoặc nổ mìn để cho nước lũ thoát qua biển.

Đặc biệt, trận lũ lịch sử cuối năm 2003, phía thượng lưu các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão nước lũ dâng cao do cửa sông bị bồi lấp, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài ra, sự bồi lấp cửa sông còn ảnh hưởng đến sự ra vào của tàu thuyền của vùng này. Khu vực nuôi trồng thủy sản của huyện Hoài Nhơn bị ảnh hưởng, gây sạt lở bờ sông ở các xã Hoài Hải và Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn).

Cửa biển bị bít, tỉnh lo sông nhấn chìm làng mạc - 2
Những bậc cao niên ở xã Hoài Hương cho biết, cửa An Dũ trước đây là cảng cá nhộn nhịp thì nay không tàu nào có thể vào vì cửa biển bị bồi lấp.

Ông Trần Tấn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) cho biết, trước năm 2000 cửa An Dũ phát huy rất tốt, toàn bộ hệ thống tàu thuyền hàng ngàn chiếc tàu ngư dân trong huyện, kể cả tàu thuyền ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Trong đó, riêng xã Hoài Hương khoảng 700 tàu thường xuyên ra vào cửa An Dũ giao thương, mua bán thủy hải sản, góp phần phát triển kinh tế rất lớn tại địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, cửa An Dũ liên tục bị bồi lấp, tàu thuyền không thể ra vào bán thủy hải sản.

Theo ông Thuận, về mặt kinh tế, khi cửa An Dũ bị bồi lấp ảnh hưởng đến thu nhập của người dân xã Hoài Hương và một số xã phía Đông Nam huyện. Tàu thuyền không vào buôn bán, kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề biển bị ảnh hưởng, người dân mất việc làm. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi mọi hệ thống nước thải, xác súc vật, rác thải từ thường nguồn các huyện Hoài Ân, An Lão đổ về điểm cuối xã Hoài Hương bị tắc không thoát ra khỏi cửa.

Cửa biển bị bít, tỉnh lo sông nhấn chìm làng mạc - 3
Cửa biển bồi lấp để lại nhiều hệ lụy: ngập lụt, ô nhiễm môi trường, các loại thủy sản cạn kiệt...

Cửa An Dũ bị bồi lấp, có tính chất nguy hiểm đến công tác phòng chống bão lụt rất lớn. Mưa lũ lớn, cả 2 xã Hoài Mỹ và Hoài Hải không thể giao thương được với nhau. Ngoài ra, số lượng hộ dân nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm, trường hợp lũ lụt lớn không chỉ mất vài tỷ mà mất vài chục tỷ, trăm tỷ đồng; các loại nguồn lợi thủy sản như tôm, cá bị cạn kiệt.

“Tên tuổi cửa An Dũ có trong lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện, xã nhưng từ khi bị bồi lấp, tàu thuyền không ra vào buôn bán nên tên tuổi cũng mờ nhạt dần. Từ lâu, nhân dân địa phương mong muốn nếu xây dựng được cửa An Dũ là điều tốt nhất, còn không thì nạo vét chỉnh trị lại dòng chảy, làm sao không còn tình trạng bồi lấp, tàu thuyền lại có thể ra vào mua bán thủy sản, giải quyết được vấn đề môi trường, ngập lụt”, ông Thuận chia sẻ.

Để giải quyết tình trạng bồi lấp cửa An Dũ, từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018, tỉnh Bình Định được Trung ương hỗ trợ 5 tỷ đồng để thực hiện Dự án Cửa An Dũ - Hoài Mỹ, Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).

Mục đích để nghiên cứu đánh giá hiện tượng sạt lở, bồi lấp cửa An Dũ để có căn cứ, cơ sở khoa học nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sạt lở vào mùa mưa lũ, bồi lấp vào mùa khô. Từ đó, có căn cứ đưa ra giải pháp phi công trình và công trình để xử lý triệt để, ổn định cửa An Dũ lâu dài.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện dự án dự kiến 215,7 tỷ đồng. Trong đó, nạo vét thanh thải dòng chảy: 5,7 tỷ; công trình hướng dòng: 29,0 tỷ; kè chống xói lở doi cát cửa sông: 29,4 tỷ; hệ thống đập mỏ hàn chữ Y: 151,6 tỷ, được chia làm 4 giai đoạn đầu tư, nếu được chấp thuận dự án sẽ được thực hiện từ 2021 - 2025.

Doãn Công