Cử tri TPHCM: Lợi ích nhóm là ai, ở đâu, có từ bao giờ?
(Dân trí) - Tại buổi tiếp xúc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cử tri đề nghị các cơ quan có thẩm quyền làm rõ nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, không để lợi ích nhóm len lỏi trong đời sống.
Sáng 3/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri quận 3 trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Sự kiện có sự tham dự của ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội; bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cùng đại diện lãnh đạo UBND TPHCM và quận 3.
Tại buổi tiếp xúc, người dân quận trung tâm TPHCM đã gửi gắm đến các đại biểu những tâm tư liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, vấn đề e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ.
Cần xử lý tham nhũng không vùng cấm, không ngoại lệ
Cử tri Lâm Hùng Mạnh bày tỏ, trong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống người dân đạt nhiều kết quả khả quan. Mặt khác, công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Vị cử tri cho biết, người dân mong muốn, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý mạnh, quyết liệt, dứt điểm các vụ tiêu cực phát hiện được. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực cần được nhận diện, làm rõ, không để lợi ích nhóm len lỏi trong đời sống.
"Lợi ích nhóm là những ai, hình thành từ bao giờ, ở đâu, có loanh quanh đâu đây mà chúng ta chưa nhận diện được hay không?", ông Lâm Hùng Mạnh đặt câu hỏi.
Vị cử tri mong muốn, trong các vụ án tham nhũng, cán bộ vi phạm cần được xử lý triệt để theo tinh thần mọi người bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thể hiện sự quan tâm đến công tác cán bộ của TPHCM, cử tri Nguyễn Hữu Châu cho biết, vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đề cập đến điều hạn chế của chất lượng đội ngũ. Cụ thể, nhiều cán bộ còn "chưa đúng vai, chưa thuộc bài" hay một Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức bị xử lý về mặt Đảng.
Ông Châu cho rằng, tâm lý sợ sai, lựa chọn sự an toàn của một bộ phận cán bộ dễ dẫn đến cách làm việc máy móc, thiếu sáng tạo và ì ạch trong giải quyết hồ sơ hành chính.
Sẽ có quy định nhận diện lợi ích nhóm
Trả lời ý kiến các cử tri, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng những năm gần đây được các cấp ủy Đảng thực hiện rất quyết liệt. Nhiều vụ án lớn được đưa vào diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp theo dõi, xử lý.
Hiện nay, TPHCM cũng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng đã ảnh hưởng tích cực đến dư luận xã hội, việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
"Cũng có ý kiến cho rằng, việc xử lý quá nghiêm làm cán bộ chùn tay trong thực thi trách nhiệm. Thực tế, vấn đề này là có, nhưng chỉ ở một bộ phận cán bộ", bà Trần Kim Yến chia sẻ.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Kim Yến cũng nhấn mạnh, vấn đề này chỉ đúng với một bộ phận cán bộ có tư tưởng làm sai, còn những người làm đúng thì không.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Bằng kết luận này, khi cán bộ, công chức xử lý công việc theo thẩm quyền nếu chưa có quy định, hoặc chưa có quy định phù hợp thì được quyền báo cáo thủ trưởng, cơ quan có thẩm quyền.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển thông tin, thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền, chuyên gia, nhà khoa học đã làm nhiều việc liên quan đến nhận diện lợi ích nhóm, các hành vi liên quan đến lợi ích nhóm.
Trong xây dựng pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được giao chủ trì xây dựng quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Quy định này sẽ nhận diện rất rõ các biểu hiện, đưa ra giải pháp phòng, tránh và chế tài xử lý.
"Trong quá trình xây dựng quy định, có một vấn đề cần quan tâm là phân biệt lợi ích nhóm với ý nghĩa tiêu cực và các lợi ích của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc. Thời gian tới, quy định này sẽ được hoàn thiện để trình Bộ Chính trị", ông Đỗ Đức Hiển cho hay.