Cử tri TPHCM: "Cần coi tham nhũng là tội phản quốc!"
(Dân trí) - Bức xúc trước vấn nạn tham nhũng hiện nay, cử tri tại TPHCM kiến nghị không được đặc xá, giảm án đối với tội phạm tham nhũng. Ngoài ra, cần coi tham nhũng là tội phản quốc, chống lại chế độ.
Sáng 3/12, tổ đại biểu Quốc hội TPHCM (đơn vị 1) tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và 4 sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Tại đây, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc và "hiến kế" xử lý vấn nạn tham nhũng. Cử tri Đặng Kim Hương (quận 4) cho rằng, tình trạng tham nhũng xảy ra tại các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề lớn, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Bà nhắc lại một số vụ việc như cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc bị công an bắt, cán bộ thanh tra Nhà nước ở Thanh Hóa bị bắt quả tang nhận hối lộ... "Hơn nữa, tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp, tham nhũng vặt diễn ra trên nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi", bà Hương bức xúc.
Ngoài ra, bà Hương cũng đề cập đến một số vụ sai phạm lớn liên quan cổ phần hóa, mua bán tài sản công như vụ Mobifone mua lại AVG, sai phạm tại tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2...
Từ thực trạng tham nhũng thời gian qua, cử tri Hương đề nghị không được đặc xá, giảm án cho tội phạm tham nhũng và cần coi tham nhũng là tội hình sự nặng nhất, là tội phản quốc, chống lại chế độ.
"Nhân dân có nhu cầu chính đáng là tiêu diệt chứ không phải phòng, chống tham nhũng nữa. Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản vì cho tới nay chưa có vụ tham nhũng nào bị phát hiện qua kê khai tài sản", bà Hương nói.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề: "Ai tham lam? Ai nhũng nhiễu?". Theo ông, chỉ "quan" mới có đất để tham lam, có quyền để nhũng nhiễu. Dân không có điều kiện để làm việc này.
Để phòng chống tham nhũng, theo ông Cường, các cơ quan chức năng không cần phải chứng minh tài sản do tham nhũng mà có, thay vào đó, nếu người có dấu hiệu tham nhũng không chứng minh được tài sản do bản thân làm ăn chính đáng mà ra thì đó là tài sản tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn mà có.
"Hiện nay đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, cử tri đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Cử tri rất cần người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, không cần cán bộ tham nhũng và lợi ích nhóm - là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước", ông Cường nói.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu cho rằng hiện nay có quá nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm sẽ dẫn đến xung đột về trách nhiệm. "Trong dân gian thường nói: Một người không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi. Đó là điều nghịch lý", ông Châu nói.
Do đó, để đại biểu Quốc hội làm tốt công tác giám sát, ông Châu kiến nghị gia tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40-50%.
Thay mặt tổ đại biểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tiếp thu ý kiến của cử tri, nhất là những trăn trở về vấn đề phòng, chống tham nhũng.
Ông Quang cũng nêu quan điểm về phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan có trách nhiệm mà cử tri đề cập: "Không có gì tệ bằng người có trách nhiệm phòng chống tham nhũng lại dính vào tham nhũng".
Phó Bí thư Thành ủy cho biết, lãnh đạo Trung ương đã nêu quan điểm rất rõ là sẽ xử lý nghiêm và dứt khoát đối với các cán bộ đang là cán bộ có trách nhiệm ở cơ quan phòng, chống tham nhũng mà dính tới tham nhũng.
Theo ông Quang, thời gian qua Trung ương rất quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng khi đưa ra xét xử nhiều vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao.
"Chúng ta có thể bức xúc vì tham nhũng nhưng nhìn nhận thực tế, chống tham nhũng thời gian qua được thực hiện nghiêm. Tổng Bí thư từng nói chưa bao giờ có sự dừng lại, lơ là ở đây. Câu chuyện đang diễn tiến tích cực. Bà con có thể nóng ruột vì sao vụ này lâu quá, chưa công khai nhưng tinh thần là phải cẩn trọng vì chúng ta đang quy kết tội một con người", ông Quang nói.
Quốc Anh