1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cử tri Hà Nội: HĐND chỉ quyết những... "sự đã rồi" (!)

(Dân trí) - Nhiều cử tri Hà Nội cho rằng, HĐND quyết những việc đã được quyết định trước và bàn cái mà người khác đã bàn. Do vậy, một số hoạt động của HĐND chỉ mang nặng tính hình thức, “hợp pháp hóa”… sự đã rồi.

Kết quả sau hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật” vừa được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, đa số người dân phản ánh Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 trong quá trình thực hiện còn những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, cử tri Hà Nội cho rằng, cơ cấu đại biểu HĐND hiện nay chưa hợp lý, nặng về cơ cấu theo ngành nghề, dân tộc, giới... Vì vậy, đại biểu được bầu còn hạn chế về trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động đại biểu, cá biệt có người đang thực hiện nhiệm vụ tại HĐND kém nhiệt tình, thiếu kinh nghiệm và năng lực hạn chế.

Cử tri Hà Nội chưa hài lòng chất lượng hoạt động HĐND
Cử tri Hà Nội chưa hài lòng chất lượng hoạt động HĐND

Phần lớn các đại biểu HĐND các cấp hoạt động kiêm nhiệm, tập trung ở các cơ quan hành pháp nên thời gian dành cho hoạt động HĐND không nhiều. Tài liệu trình kỳ họp HĐND các cơ quan chuyên môn chuẩn bị chưa tốt dẫn đến báo cáo thẩm tra chưa bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và sức thuyết phục nên việc thực hiện chức năng “quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương” của HĐND cấp huyện, cấp xã còn hạn chế.

Công tác giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã còn hạn chế, tái giám sát chưa được quan tâm vì hầu hết các Trưởng ban của HĐND đều là kiêm nhiệm. Có ý kiến cho rằng HĐND quyết định những việc đã được quyết định trước và bàn cái mà người khác đã bàn do vậy mang nặng tính hình thức, hoạt động HĐND chỉ là “hợp pháp hóa”.

Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tổ chức lại hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan chấp hành, cơ quan hành chính nhà nước ở theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đa số ý kiến đề nghị mô hình tổ chức chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND được tổ chức ở 3 cấp hành chính (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).

Nhiều ý kiến đề nghị cần quán triệt tinh gọn bộ máy đặc biệt là Luật tổ chức chính quyền địa phương khi có hiệu lực không làm tăng biên chế cán bộ công chức mà chỉ đặt vấn đề sắp xếp lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước.

Đối với địa bàn Hà Nội dân số đông, cử tri cho rằng, cán bộ công chức phải thực hiện khối lượng công việc lớn, nên đề nghị dự thảo Luật nghiên cứu theo hướng cho phép Thủ đô được vận dụng quy định đặc thù trong một số lĩnh vực như tố chức bộ máy, công tác cán bộ.

Quang Phong