Cử tri đề nghị khung phạt tham nhũng nặng hơn, Tổng Thanh tra nói gì?
(Dân trí) - Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định xử lý đối với các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật hiện hành "rất nghiêm khắc và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân người có hành vi vi phạm".
Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ, vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng.
Cử tri 2 địa phương này đề nghị "kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng" và "quy định khung hình phạt các hành vi tham nhũng ở mức độ nặng hơn".
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong khẳng định, pháp luật về phòng chống tham nhũng đã quy định khá đầy đủ về xử lý người có hành vi tham nhũng.
"Người có hành vi tham nhũng tùy từng mức độ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự", ông Phong nói.
Ông dẫn quy định tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nêu rõ, người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
Người bị kết án về tội tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì đương nhiên mất quyền đại biểu.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn quy định xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 luật này, như: Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm,…
Riêng đối với hành vi tham nhũng, ngoài Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn, Bộ luật Hình sự cũng quy định về các tội tham nhũng, cụ thể từ Điều 353 đến Điều 359.
"Việc xử lý đối với các hành vi này theo quy định của pháp luật hiện hành rất nghiêm khắc và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân người có hành vi vi phạm. Một số hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình", Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong trả lời cử tri.
"Trốn cũng không thể thoát tội"
Như Dân trí thông tin trước đó, trả lời cử tri tỉnh An Giang, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong phản ánh, nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.
Nhiều địa phương chủ động phát hiện, xử lý án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Xử lý triệt để đối tượng phạm tội, kể cả bỏ trốn với tinh thần "trốn cũng không thể thoát tội".
"Điển hình như các vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại TPHCM, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế); vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, nhận hối lộ xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Tổng công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; vụ án chuyến bay giải cứu với 54 bị cáo; vụ án Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh,…", ông Phong nêu ví dụ.