Cử tri Đà Nẵng "nóng" vì ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Nhiều điểm đen về ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng đã được cử tri thành phố phản ánh nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc với Hội đồng nhân dân thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sáng 15/5, tại Đà Nẵng, diễn ra Chương trình Hội đồng nhân dân (HĐND) với cử tri, nhằm chuẩn bị cho cuộc họp thường kỳ của HĐND thành phố vào đầu tháng 7 tới. Chương trình do ông Nguyễn Nho Trung – Phó Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì. Tham dự Chương trình có lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng và các sở, ban, ngành trực thuộc chính quyền thành phố.

Chương trình Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng với cử tri vừa diễn ra sáng 15/5 do ông Nguyễn Nho Trung - Phó Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì
Chương trình Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng với cử tri vừa diễn ra sáng 15/5 do ông Nguyễn Nho Trung - Phó Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì

Tham dự chương trình, nhiều đại diện cử tri ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã có những phát biểu "nóng", phản ánh bức xúc về những điểm đen ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt thường ngày của người dân.

Trong chương trình, một số vấn đề bức xúc khác cũng được cử tri phản ánh và được các sở, ban, ngành chức năng liên quan trình bày, giải đáp phản hồi tại chỗ như: các dự án “treo” quá lâu, điển hình là dự án kênh thoát lũ Hoà Liên; hiệu quả hoạt động của hệ thống camera giám sát an ninh trật tự trong khu dân cư; thực trạng công tác phòng cháy chữa cháy ở các khu dân cư chưa đảm bảo.

“Công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án còn ẩu!”

Ông Tô Hùng – Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng đã phát biểu góp ý như trên khi nói đến việc tồn tại và hoạt động sản xuất của các nhà máy ở khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt thường ngày của người dân sinh sống ở khu vực này, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Tô Hùng - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng: Công tác đánh giá tác động môi trường khi triển khai dự án, xây dựng các nhà máy công nghiệp còn ẩu!
Ông Tô Hùng - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng: "Công tác đánh giá tác động môi trường khi triển khai dự án, xây dựng các nhà máy công nghiệp còn ẩu!"

Nói đến bức xúc vì ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, cử tri Phạm Bá An (phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc Đà Nẵng cho dừng hoạt động sản xuất của hai nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường ở huyện Hoà Vang. Nhân dân khu vực khu công nghiệp ở quận Liên Chiểu chúng tôi cũng trong tình trạng tương tự (ảnh hưởng ô nhiễm môi trường bởi hoạt động của các nhà máy thép, nhà máy cao su… ở khu công nghiệp tại phường Hoà Hiệp Bắc). Chúng tôi đã phản ánh bức xúc nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nếu có, thì cũng chỉ có giải pháp tình thế là trồng cây xanh, nhưng thực tế là giải pháp này không thấm vào đâu. Đã vậy, chúng tôi còn nghe thông tin sắp tới sẽ đưa thêm kho xăng về đây, nên vô cùng lo lắng. Đề nghị thành phố cho biết chủ trương, giải pháp khắc phục dứt điểm ô nhiễm môi trường và tiến độ thực hiện các giải pháp này!”.

Cử tri Phạm Bá An (phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu): Bao giờ thành phố giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân ở gần khu công nghiệp?
Cử tri Phạm Bá An (phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu): "Bao giờ thành phố giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân ở gần khu công nghiệp?"

Đây cũng là tâm tư bức xúc chung của người dân sinh sống tại các khu vực “nóng” ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng (bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu), mỏ đá Phước Tường (quận Cẩm Lệ), bờ kè sông Cổ Cò (quận Ngũ Hành Sơn), kênh Phú Lộc (giáp ranh quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu)…) khi tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm hoặc đã có giải pháp nhưng “dân chờ quá lâu mà chưa thấy triển khai thực hiện, làm mãi chưa xong” như ý kiến của cử tri nêu trong Chương trình của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng sáng nay (15/5).

Nhiều điểm đen ô nhiễm môi trường tồn tại lâu năm ở Đà Nẵng gây bức xúc cho người dân (ảnh: ô nhiễm môi trường ở khu vực kênh Khe Cạn đổ ra sông Phú Lộc, Đà Nẵng)
Nhiều điểm đen ô nhiễm môi trường tồn tại lâu năm ở Đà Nẵng gây bức xúc cho người dân (ảnh: ô nhiễm môi trường ở khu vực kênh Khe Cạn đổ ra sông Phú Lộc, Đà Nẵng)

Chia sẻ với cử tri, ông Nguyễn Nho Trung – Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói: “Chính tôi khi đi thực tế ở khu công nghiệp ở phường Hoà Cường Bắc còn chịu không nổi bởi môi trường ở đó thật sự bị ô nhiễm nặng. Chỉ đứng đó có một chút mà tôi đã chịu không nổi, vậy mà người dân lại sống chung với ô nhiễm môi trường bao nhiêu năm nay như thế, bức xúc là đúng”.

Ông Trung đề nghị các sở, ban, ngành chức năng liên quan trình bày giải pháp và sớm có câu trả lời dứt điểm bao giờ khắc phục xong tình trạng này vào kỳ họp thường kỳ của HĐND thành phố sắp đến.

PCCC ở chung cư: “Đừng đùa với tính mạng của người dân!”

Thực trạng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các khu chung cư chưa đảm bảo an toàn cũng làm “nóng” Chương trình HĐND TP Đà Nẵng với cử tri.

Cử tri Nguyễn Đức Minh (ở khu chung cư tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lo lắng hỏi: “Tuy mới bắt đầu mùa hè mà đã có nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra, trong đó, có vụ xảy ra ngay ở Đà Nẵng. Xin hỏi, các công trình trên địa bàn thành phố, nhất là các khu chung cư, nhà ở xã hội, có đảm bảo công tác PCCC không?”.

Đám cháy xảy ra ở khu chung cư F.Home (quận Hải Châu, Đà Nẵng) vào ngày 29/4 vừa qua khiến người dân hoảng loạn
Đám cháy xảy ra ở khu chung cư F.Home (quận Hải Châu, Đà Nẵng) vào ngày 29/4 vừa qua khiến người dân hoảng loạn

Trả lời câu hỏi của cử tri, Đại tá Trần Đình Chung – Giám đốc Phòng Cảnh sát PCCC Đà Nẵng chia sẻ đánh giá của cơ quan chức năng là công tác PCCC ở các công trình, các khu chung cư tại Đà Nẵng hầu hết không đảm bảo. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư công trình chưa chú trọng hạng mục trang thiết bị cũng như bố trí nhân lực PCCC tại chỗ, cũng như chưa chủ động thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng về PCCC.

Có hiện tượng chủ đầu tư sẵn sàng nộp phạt (mức cao nhất là 80 triệu đồng) cho vi phạm về PCCC tại công trình nhưng lại “né” đầu tư hệ thống, trang thiết bị PCCC vì kinh phí đầu tư cho hạng mục này, nếu thực hiện bài bản là rất lớn. Thêm vào đó, cũng có nhiều trường hợp cho thấy ý thức của người dân về PCCC chưa cao; ví dụ, có trường hợp cư dân chung cư phá hỏng bình chữa cháy, chuông báo cháy khi say xỉn.

Đại tá Trần Đình Chung - Giám đốc Phòng Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng: Công tác PCCC ở các khu chung cư tại thành phố hầu hết chưa đảm bảo an toàn
Đại tá Trần Đình Chung - Giám đốc Phòng Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng: "Công tác PCCC ở các khu chung cư tại thành phố hầu hết chưa đảm bảo an toàn"

Đại tá Chung cũng chia sẻ trách nhiệm về phía cơ quan chức năng, Phòng Cảnh sát PCCC sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn PCCC ở các công trình trên địa bàn thành phố, nhất là các khu chung cư, nhà ở xã hội.

Ghi nhận trình bày của lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC thành phố, ông Nguyễn Nho Trung nói ngay: “Đề nghị Phòng Cảnh sát PCCC sau khi xử phạt các công trình vi phạm luật PCCC phải tiếp tục giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư công trình khắc phục tồn tại, hạn chế trong PCCC tại chỗ ngay, chứ không phải phạt xong rồi thôi. Đề nghị cả ngành chức năng lẫn các đơn vị, doanh nghiệp là chủ đầu tư các công trình, dự án chung cư, nhà ở xã hội ở coi trọng và nghiêm túc thực hiện luật PCCC. Đừng đùa với tính mạng của người dân!”.

Tâm An