1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đà Nẵng:

Cử tri bức xúc về ô nhiễm, quy hoạch treo, quá tải bệnh viện...

(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII đang diễn ra, ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch UBMTTQVN TP - cho biết đã tập hợp được 223 ý kiến của cử tri phản ảnh các vấn đề “nóng” liên quan đến cuộc sống của người dân.

Nổi bật nhất vẫn là vấn đề thực phẩm không an toàn, môi trường sống ô nhiễm, khám chữa bệnh quá tải, quy hoạch treo, người dân xin thuê hoặc mua chung cư không được giải quyết nhưng cán bộ được phân nhà chung cư lại đi cho thuê…

Vấn đề nảy sinh nhiều phức tạp nhất liên quan tới đất đai, do các Ban quản lý những dự án khi thực hiện đền bù, tái định cư, đó là sự thiếu minh bạch, ứng xử với dân thiếu tế nhị, việc nhận tiền đền bù còn phiền hà trong khi giá trị đền bù thấp, giải quyết việc làm sau giải tỏa chậm… Đó là chưa kể nhiều trường hợp người chây ì giải tỏa thì được quan tâm hơn.
Cử tri Đà Nẵng gởi gắm nhiều ý kiến bức xúc đến các đại biểu HĐND chất vấn các thành viên UBND
Cử tri Đà Nẵng gởi gắm nhiều ý kiến bức xúc đến các đại biểu HĐND chất vấn các thành viên UBND

Cử tri quận Sơn Trà thắc mắc: Các hộ nằm trong diện giải tỏa khu nhà liền kề thuộc phường Nại Hiên Đông chấp hành đi trước thì lại thiệt thòi, còn các hộ chây ì thì lại được thành phố ưu tiên bố trí và được hưởng các chế độ ưu đãi khác. Việc này khiến nhân dân cảm thấy không công bằng.

Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng – ông Võ Duy Khương trả lời: Đối với những hộ nhà liền kề hiện nay đã được bố trí vào chung cư làng cá Nại Hiên Đông hành nghề biển mà có tàu đánh cá trên 30 CV và ngư lưới cụ thì sẽ được bố trí 1 lô đất đường 5,5m thuộc diện hộ chính trên địa bàn quận Sơn Trà, sau khi nhận đất thực tế thì thu hồi căn hộ chung cư đã bố trí. Hiện nay, UBND quận Sơn Trà đã kiểm tra và thống kê các trường hợp có đủ điều kiện được bố trí đất TĐC, báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết.

Nhiều ý kiến hộ nghèo cho biết, họ xin chung cư 3-4 năm chưa được giải quyết, trong khi đó vừa qua theo thống kê đã có khoảng trên 110 trường hợp cán bộ được giao nhà chung cư lại đem sang nhượng, cho thuê.

Về vấn đề này, ông Võ Duy Khương nói: Hiện nay số lượng đơn của các đối tượng có nhu cầu về nhà ở và chung cư chuyển đến các ngành chức năng là rất lớn gần 1.500 trường hợp. Trong khi đó quỹ nhà chung cư của TP rất hạn chế, đang phải tập trung bố trí cho các hộ thuộc diện giải tỏa của các dự án, do vậy chưa đủ nhà chung cư để bố trí.

Với vấn đề quá tải bệnh viện tuyến trên, có khi 2-3 người nằm chung một giường trong khi bệnh viện tuyến dưới như bệnh viện quận Thanh Khê có cơ sở vật chất đảm bảo lại ít người khám do không có bác sĩ giỏi. Ông Khương thừa nhận: Hiện nay tình hình thiếu bác sĩ tại tuyến y tế quận huyện là tình trạng chung trên toàn thành phố và ngày càng trầm trọng.

Trong nhiều năm qua, thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế, Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố cử bác sĩ luân phiên về hỗ trợ công tác khám chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật cho các Trung tâm y tế quận huyện nhằm tăng cường khả năng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Mặc khác, TP đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường cơ sở hạ tầng, thiết bị cho bệnh viện tuyến dưới đồng thời thu hút nhân lực, luân chuyển bác sĩ về tuyến dưới để phục vụ khám chữa bệnh tốt hơn cho người dân.

Vấn đề bức xúc không kém là các dự án treo. Nổi bật như dự án làng đại học, ga Đà Nẵng, các dự án khu Đa Phước, dự án khu đô thị Tây Bắc 2… Điều đáng nói là, các dự án này chiếm nhiều diện tích đất sau quy hoạch nhưng chậm được sử dụng hoặc bỏ hoang, lãng phí trong khi nhân dân không có đất sản xuất.
Cử tri Đà Nẵng gởi gắm nhiều ý kiến bức xúc đến các đại biểu HĐND chất vấn các thành viên UBND
Người dân tập trung phản đối ô nhiễm môi trường tại nhà máy xử lý nước thải KCN Thọ Quang (quận Sơn Trà) gây ô nhiễm môi trường

Nhiều ý kiến cử tri đặt ra với TP là cần trả lời dứt khoát người dân có triển khai dự án không, khi nào trển khai để người dân biết và có kế hoạch sản xuất, xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống…

Ô nhiễm môi trường của các công ty, xí nghiệp cũng được cử tri gởi ý kiến chất vấn thành viên của UBND TP Đà Nẵng. Điển hình như Công ty CP xi măng Ngũ Hành Sơn, Công ty CP cao su Đà Nẵng, xí nghiệp hóa chất Kim Liên, nhà máy thuốc lá Khuê Trung, cầu Phú Lộc, khu thủy sản Thọ Quang…

Theo kế hoạch, ngày 6/12, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng sẽ chất vấn lãnh đạo các sở ban ngành liên quan và lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng để làm rõ hơn những ý kiến bức xúc của người dân.
 
Công Bính