Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:

“Cứ thế này thì chúng ta tự chìm xuống đáy biển trước khi nước biển dâng”

(Dân trí) - Đánh giá về tình hình phòng, chống sạt lở, biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng: “Cần có nhà khoa học, có những nghiên cứu, giải pháp nhanh chóng, chứ cứ để thế này thì chúng ta tự mình chìm xuống đáy biển trước khi nước biển dâng”.

Tại hội thảo về giải pháp xử lý sạt lở vùng ĐBSCL vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại tỉnh Cà Mau, ông Hà Công Tuấn- Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT cho biết, trên hệ thống lưu vực sông Mê Kông, các quốc gia dự kiến xây dựng 162 hồ, đập. Hiện nay, có 142 hồ, đập đã hoàn thành 27%. Theo các nhà khoa học, đến năm 2020 lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm từ 60-67% so với năm 2007.

Với tốc độ xây dựng các hồ, đập thì dự kiến đến năm 2040 chỉ còn khoảng 3% lượng phù sa về ĐBSCL, mức độ có thể coi là "kinh khủng". Không còn phù sa thì làm gì có bồi, sẽ tăng xói lở. Hệ thống các hồ, đập này không được quản lý tốt sẽ làm tăng thêm lụt lội nếu như cùng đồng loạt xả nước. Tình trạng này còn khốc liệt hơn cả hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, cùng với đó,  chúng ta không thể không khai thác cát, bởi làm nhà, làm đường,… đều phải dùng cát. Nhưng nếu như khai thác mọi nơi, mọi chỗ một cách không kiểm soát được thì việc sạt lở là tất nhiên.

“Nhiều vùng sụt, lún cùng với việc dâng cao mực nước biển, cho nên dự báo rằng nếu như chúng ta không thích ứng, không khắc phục được thì 5 năm, 50 năm nữa, ĐBSCL sẽ ngập toàn phần”, Thứ trưởng Tuấn nói.

“Cứ thế này thì chúng ta tự chìm xuống đáy biển trước khi nước biển dâng” - 1

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, chưa bao giờ Đảng, Nhà nước quan tâm, bàn về ĐBSCL trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai nhiều hơn phương án tổ chức sản xuất. Cho nên, theo Thứ trưởng Tuấn, giải pháp của chúng ta không chỉ là giải pháp trước mắt, mà nếu là giải pháp trước mắt cũng phải bền vững, lâu dài.

Do đó, đề nghị cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT, các địa phương tiếp tục rà soát vùng, điểm sạt lở, đặc biệt là những điểm nghiêm trọng. Khi đã xác định được các điểm thì có phương án xử lý, kế hoạch ưu tiên trong điều kiện “liệu cơm gắp mắm”, nhưng vừa phải đảm bảo yên dân, an sinh xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chúng ta phải có những giải pháp giảm thiểu tác động nhân tố tạo ra sạt lở, trước hết là quản lý lưu vực. Việc này của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, đề nghị cơ quan liên quan thường xuyên làm sao đàm phán với các quốc gia thực hiện tốt việc đánh giá tác động môi trường từ các công trình.

“Có những công trình không thể yêu cầu bạn dừng được đâu, mà chính là có cơ chế điều tiết để đảm bảo nguồn nước về vùng hạ du của chúng ta, tiến tới chia sẻ trách nhiệm, lợi ích toàn lưu vực. Dứt khoát không đồng ý cho các quốc gia chuyển nguồn nước lưu vực sông Mê Kông sang lưu vực khác”, Thứ trưởng Tuấn khẳng định.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ai cũng thấy sụt lún vùng ĐBSCL ở mức độ nghiêm trọng. Các nhà khoa học cho rằng điều này do khai thác nước ngầm. Vậy nên cần nghiên cứu thế nào để chống sụt lún, đặc biệt quản lý việc sử dụng nước ngầm. Nhưng dù quản lý gì thì dân không thể không có nước sinh hoạt, trong khi nhà nước chưa đầu tư kịp.

“Một mặt chúng ta đầu tư để cấp nước sạch cho người dân, nhưng vấn đề là có những vùng không thể có gì ngoài giếng khoan. Vậy thì các nhà khoa học có thể nghiên cứu bù đắp mùa nước nổi cho những vùng này hay không. Phải có các nhà khoa học, thì nhà quản lý mới dám quyết. Chứ cứ để thế này thì chúng ta tự mình chìm xuống đáy biển trước khi nước biển dâng”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Huỳnh Hải