1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cụ thể hoá quy định chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

(Dân trí) - Bộ Tư pháp cho rằng cần cụ thể hóa quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về việc chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh, nhất là các vấn đề về góp vốn, quyền của người góp vốn trong công ty, xác định tư cách cổ đông, quyền hưởng lợi tức cổ đông…

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình 2014 của Bộ Tư pháp, các vụ việc về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt.

Các vụ việc ly hôn có xu hướng diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ, độ tuổi từ 28-35, thời gian kết hôn ngắn. Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung, riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các công ty… hoặc về con chung, mức độ cấp dưỡng.

Cụ thể hoá quy định chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn - 1

Vụ ly hôn, phân chia tài sản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên gây ồn ào dư luận suốt thời gian dài (Ảnh minh hoạ).

Khó khăn trong việc xác định khối tài sản chung của vợ chồng

Về quan hệ giữa vợ và chồng, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định cụ thể hơn về các trường hợp đại diện giữa vợ và chồng để phù hợp với những đặc thù của quan hệ kinh doanh, bao quát hơn các trường hợp vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên xác lập, thực hiện. Qua đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và gia đình; quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba; sự an toàn trong giao dịch.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, việc đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh, Luật Hôn nhân và gia đình, các văn bản liên quan chưa làm rõ thế nào được hiểu là vợ chồng kinh doanh chung (phải lấy tài sản chung đem ra kinh doanh hay lấy tài sản riêng của một người, người kia góp công sức…).

Quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình chưa có sự thống nhất với Điều 136 Bộ luật Dân sự bởi vì Bộ luật Dân sự không ghi nhận việc đại diện đương nhiên giữa vợ và chồng và cũng không có quy định mở rộng “các trường hợp khác theo quy định của luật”. Do đó, không có cơ sở để áp dụng.

Về chế độ tài sản của vợ chồng, Luật Hôn nhân và gia đình đã bổ sung quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc theo luật định để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau và của vợ chồng đối với gia đình, bảo đảm an toàn pháp lý và sự ổn định trong các giao dịch, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.... Tuy nhiên, một số vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện làm rõ hơn.

Cụ thể là cơ chế công khai về thỏa thuận của vợ chồng trong xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận. Các loại tài sản khác, các quan hệ nghĩa vụ, hợp đồng được quy định tại các luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể về đất đai, chứng khoán, vốn góp tại doanh nghiệp, đối tượng sở hữu trí tuệ… cần được quy định cụ thể hơn về sở hữu của vợ chồng trong quan hệ liên quan.

“Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình, liên quan đến chia tài sản chung các khoản thu được từ việc khai thác tài sản riêng, chung của vợ chồng trong lĩnh vực cụ thể trong một số trường hợp chưa rõ ràng nên khó khăn trong việc xác định khối tài sản chung để phân chia; cơ chế lấy ý kiến thỏa thuận trong trường hợp vợ chồng có thời gian không sống chung với nhau mà mỗi bên có quản lý tài sản chung của vợ chồng; cơ chế vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới trong thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba nếu giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện, không phải đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”- Bộ Tư pháp nêu thực tế.

Bên cạnh đó là cơ chế xác định người thứ ba ngay tình và bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng; cơ chế xử lý mối liên hệ giữa việc thực hiện quyền đối với tài sản, ví dụ quyền của bên thế chấp, quyền của bên nhận thế chấp với bảo đảm về nơi ở của vợ chồng,…

Quy định cụ thể hơn về ly hôn

Bộ Tư pháp đánh giá, các quy định về ly hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình cũng cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn.

Trong đó chú ý tới pháp luật về đầu tư, kinh doanh, cần cụ thể hóa quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh, nhất là các vấn đề về góp vốn, quyền của người góp vốn trong công ty, xác định tư cách cổ đông, quyền hưởng lợi tức cổ đông…

Cần có hướng dẫn cụ thể hơn về những nội dung mang tính chất trung tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, như “thật sự tự nguyện ly hôn”, “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”, “người mẹ không đủ điều kiện”… để tránh việc áp dụng không thống nhất, phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người có thẩm quyền, như thẩm phán, kiểm sát viên.

“Cần có cơ chế pháp lý để bảo vệ hiệu quả hơn quyền, lợi ích của các bên liên quan trong thực hiện quyền lưu cư của vợ chồng khi ly hôn, quyền của con dâu, con rể khi sống chung với gia đình nhà chồng, nhà vợ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con…”- Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm