1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cụ rùa Hồ Gươm “dính” lưỡi câu chùm

Trong khi cả nước đang tưng bừng các hoạt động chào đón 1.000 năm Thăng Long thì cụ Rùa Hồ Gươm đang phải sống qua ngày với một lưỡi câu chùm mắc ở lưng cùng nhiều vết thương khác.

Biểu tượng tâm linh của cả nước đang đối mặt nguy cơ bị tấn công hằng ngày từ phía những kẻ câu trộm cá.

 

Cụ rùa Hồ Gươm “dính” lưỡi câu chùm - 1

Cụ Rùa trên lưng chi chít các vết thương nghi do bị đập bằng vật cứng và lưỡi câu chùm

 

Thương tích đầy mình

 

Theo thông tin phóng viên được cung cấp, cụ Rùa Hồ Gươm đang bị thương do những kẻ câu trộm cá tấn công bằng lưỡi câu chùm. Ảnh chụp ngày 1/8/2010 cho thấy rõ ràng có một vật hình dáng như lưỡi câu chùm cắm vào phần mai cụ.

 

Cũng theo thông tin chúng tôi nhận được, nhiều khả năng lưỡi câu này không phải mới, mà đã mắc ở cổ cụ ít nhất năm tháng ròng!

 

Trước đó, vào ngày 12/3/2010, trên một trang mạng xã hội đưa tin kèm video cảnh cụ rùa bị tấn công. Theo người đưa tin, hôm đó, cụ nổi bắt đầu từ mặt hồ khu vực Sở Điện lực Hà Nội, sau đó đi dọc theo mép hồ, xuôi về Bưu điện. Sau khoảng nửa tiếng, cụ đi qua hướng ngã tư Tràng Thi - Bà Triệu rồi hướng ra Tháp Rùa. Tại đây, cụ bị một thanh niên dùng lưỡi câu chùm tấn công.

 

Không biết lưỡi câu khi quăng đi có trúng cụ Rùa hay không, nhưng dây cước căng như dây đàn và đứt ngay sau đó. Đối tượng này sau đó đã bỏ chạy khi bị quay phim, chụp ảnh. Trong phần video được đăng tải, không rõ chi tiết cụ Rùa có bị tấn công không ngoài hình ảnh một thanh niên đang quấn đoạn dây cước đã bị đứt.

 

Theo PGS Hà Đình Đức, người được mệnh danh là nhà rùa học, sự việc cụ Rùa bị tấn công bởi những kẻ câu cá trộm đã diễn ra nhiều năm nay. Đây cũng không phải là lần đầu tiên cụ bị thương. Trên lưng và cổ cụ còn chi chít những vết thương khác do những kẻ vô ý thức gây ra. Lần giở lại tài liệu chép những lần trước đây cụ Rùa bị thương, PGS Đức cho biết.

 

“Ngày 1/1/1997, tôi gửi thư lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phản ánh về rùa bị thương và đề nghị cho kiểm tra lại những cọc đóng chung quanh chân Đảo Ngọc, cho nhổ bỏ hết những cọc lởm chởm trên hồ và triệt để cấm những kẻ câu cá trộm xung quanh hồ để rùa có thể bơi lội an toàn”.

 

Ngày 1/4/1998, PGS Đức tiếp tục gửi thư lên Thủ tướng trình báo về rùa bị thương kèm theo hình ảnh do phóng viên Trần Mạnh Lân - Đài Truyền hình Việt Nam cung cấp. Hình ảnh cho thấy trên dọc cổ bên phải rùa bị sưng tấy, màu đỏ hồng trông như có vết cứa chéo có thể do các chướng ngại vật trong hồ, hoặc bọn câu trộm bằng lưỡi câu chùm gây nên.

 

Năm 2002, những hình ảnh cụ Rùa bị thương tiếp tục được cung cấp cho PGS Hà Đình Đức. Trên bức ảnh chụp vào ngày 25/11/2002, nhìn rõ vết sẹo to bên cổ cụ Rùa.

 

Hai bức ảnh khác chụp vào ngày 3/11/2005 và 8/11/2007, lại cho thấy lưng cụ chi chít vết thương. Trong các bức ảnh này, cụ đang nằm phơi nắng trên thảm cỏ bên chân Tháp Rùa. Phần mai trông rõ các vết lõm to (có thể là vết đập) và vết lõm nhỏ “có thể do lưỡi câu chùm” xé rách.

 

Xót xa thân phận cụ Rùa

 

Ngay sau khi được cung cấp những hình ảnh mới nhất về cụ Rùa bị dính lưỡi câu chùm trên mai, ngày 3/9/2010, chúng tôi tới gặp tổ bảo vệ an ninh trật tự Hồ Gươm. Một số nhân viên trong kíp trực cho hay chưa từng biết về việc này, cũng chưa chứng kiến cảnh cụ Rùa mắc câu bao giờ.

 

Cụ rùa Hồ Gươm “dính” lưỡi câu chùm - 2
Cụ Rùa với lưỡi câu chùm trên lưng

 

Khi chúng tôi hỏi “nếu bắt được kẻ câu cá trộm ở hồ Gươm sẽ xử lý như thế nào”, một nhân viên cho biết, ở đây có rất nhiều việc nên… không thể nắm hết được các vấn đề đó.

 

Được biết, tổ bảo vệ có 50 người, chia làm 3 kíp trực. Ngoài việc bảo vệ hồ Gươm, tổ bảo vệ còn kiêm trông coi, giữ gìn trật tự khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ.

 

Theo PGS Hà Đình Đức, nếu không có các biện pháp hữu hiệu ngay lập tức để bảo vệ cụ Rùa, e rằng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ vĩnh viễn mất đi một biểu tượng tâm linh, văn hóa.

 

“Trước hết, phải lấy được lưỡi câu khỏi mai cụ Rùa. Làm việc này không đơn giản. Chỉ còn cách đợi cụ bò lên phơi nắng trên Tháp Rùa rồi tiếp cận cụ. Nhưng ngay cả khi đó, chưa chắc đã tới gần được cụ. Nếu không lấy được lưỡi câu ra thì cụ sẽ phải mang theo nó đến lúc vướng vào đâu đó lưỡi câu xé rách mảng da đó ra…” - PGS Đức lo ngại.

 

Nhà rùa học cũng bày tỏ sự xót xa cho thân phận cụ Rùa hàng chục năm qua đã phải chống chọi với sự vô ý thức của rất nhiều người. “Trước đây mỗi khi phát hiện cụ Rùa bị thương, tôi đều gửi thư ngay tới lãnh đạo thành phố để báo cáo sự việc và đề nghị có biện pháp giải quyết. Nhưng đợt này thành phố còn bận lo tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên…”.

 

Cơ quan chức năng có biết sự việc này hay không và phản ứng như thế nào nhằm bảo vệ cụ Rùa thiêng? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Theo Mỹ Hằng

 Tiền phong