Cụ ông hơn 30 năm trèo đèo lội suối trông coi cột mốc biên giới

(Dân trí) - Hơn 30 năm qua, dù nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, ông Lâu Văn Hự vẫn chăm chỉ vượt gần chục km lên với cột mốc G8. Ông xem đó như là một ngôi nhà thứ hai của mình.

Vốn là con em của đồng bào dân tộc Mông, ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Với tinh thần yêu quê hương và muốn đóng góp sức mình vào việc bảo vệ biên cương của Tổ quốc, ông đã tình nguyện trông coi cột mốc G8 từ hàng chục năm nay.

Bố Hự báo cáo với cán bộ biên phòng về tình hình cột mốc và biên giới.
Bố Hự báo cáo với cán bộ biên phòng về tình hình cột mốc và biên giới.

Giờ đây khi sức khỏe không còn cho phép dù ông còn tâm huyết lắm, còn muốn cống hiến cho Đảng cho bộ đội lắm, nhưng ông không thể nào vượt qua đèo cao, suối sâu để đến với cột mốc mà ông đã gắn bó hơn 30 năm qua.

Trước khi về nghỉ ngơi, nguyện vọng duy nhất của ông là muốn trao nhiệm vụ thiêng liêng này lại cho các con của ông. “Giờ ta già rồi, không thể leo núi, lội suối để đến với cột mốc G8 được nữa. Đã đến lúc phải giao lại việc trông coi cột mốc cho các con ta, bọn thằng Lự, thằng Lâu, thằng Lênh thôi”, ông Hự cho biết.

Cột mốc G8 vốn là cột mốc nằm ở vị trí cao nhất, con đường đến cột mốc rất khó đi. Đây là vị trí phân định ranh giới giữa xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa với bản Phiềng Khạy, cụm xã Mường Pùn, huyện Viêng Xay, Lào.

Dù phải trèo đèo, lội suối vất vả, nhưng suốt 30 năm qua hàng tháng ông Hự vẫn đều đặn lên cột mốc G8 để tuần tra, bảo vệ cột mốc, đồng thời nắm bắt tình hình để về báo cáo cho bộ đội biên phòng đồn Quang Chiểu.

Mỗi lần đến với cột mốc, hành trang của cụ là một gói cơm đùm, chai nước uống và chiếc dao quắm. Quãng đường từ bản Pù Đứa đến cột mốc G9 hơn 9 km nhưng phải mất từ 11 đến 12 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Trong đó phải kể đến đỉnh núi Đá Đen dài khoảng 5km với nhiều đoạn vách đá tai mèo dựng đứng.

Vào mùa mưa lũ, nhiều con suối nước chảy xiết, có thể cuốn phăng mọi thứ, nhưng cụ vẫn không bỏ cuộc. Những ngày mùa đông giá rét cụ vẫn cần mẫn băng rừng, lội suối để đến với cột mốc. Cũng có những lần, cụ lên cột mốc nhưng gặp trời mưa, nước suối chảy lớn nên cụ không thể về được mà đành phải ở lại trong rừng.

Công việc của cụ khi đến cột mốc là phát quang cây cỏ, đắp đất vào móng cột mốc, kiểm tra hiện trạng của cột mốc. Nếu có gì thay đổi bố Hự đều báo cáo đầy đủ cho cán bộ đồn Biên phòng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lương, đồn biên phòng Quang Chiểu cho biết, bố Hự đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bố vẫn còn nhanh nhẹn như một con sóc. Cụ có một sức khỏe phi thường mà nhiều thanh niên khó bì kịp, nhất là kinh nghiệm đi rừng.

Cũng như các cán bộ đồn biên phòng Quang Chiểu, người dân địa phương luôn dành cho cụ sự cảm phục bởi những gì ông đã làm trong suốt hàng chục năm qua, và gọi cụ với một cái tên thân thương là bố Hự.

Biết bao nhiêu kỷ niệm đến với bố Hự trong suối 30 năm tình nguyện tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc G8. Có lẽ, với bố, kỉ niệm đáng nhớ nhất là vào năm 1998, trong một lần lên tuần tra bảo vệ cột mốc, cụ phát hiện một nhóm người đang trồng cây thuốc phiện gần khu vực cột mốc G8. Trước sự việc trên, cụ suy nghĩ, nếu bản thân cụ đứng ra ngăn cản nhóm người đang trồng cây thuốc phiện thì chắc chắn sẽ không thành công, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

30 năm qua, bố Hự gắn bó với cột mốc G8 để góp phần công sức của mình bảo vệ vùng biên của tổ quốc.
30 năm qua, bố Hự gắn bó với cột mốc G8 để góp phần công sức của mình bảo vệ vùng biên của tổ quốc.

Với kinh nghiệm của mình, bố Hự chọn phương án rút về bản rồi thông báo cho đồn biên phòng Quang Chiểu biết tình hình. Sau đó bố cùng các chiến sĩ của Đồn lên điểm trồng cây thuốc phiện trái phép tuyên truyền, vận động để nhóm người này tự phá bỏ cây thuốc phiện.

Nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc là một nhiệm vụ thiêng liêng, với những gia đình, dòng họ như gia đình cụ Hự trong những năm vừa qua đã góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc.

Khó khăn vất vả là vậy, nhưng bố Hự không có một chế độ nào, bố Hự làm nhiệm vụ bằng tất cả tấm lòng của mình với Đảng, Nhà nước và các chiến sĩ biên phòng. Những ngày lễ Tết, các cán bộ chiến sỹ biên phòng thường đến thăm hỏi, tặng quà động viên bố Hự.

Mô hình này cũng được nhân rộng ở các đồn biên phòng tại tỉnh Thanh Hóa, các chiến sĩ biên phòng tuyên truyền rộng rãi đến các gia đình, dòng họ nhằm góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và tăng thêm tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào.

Duy Tuyên