1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cụ ông 70 tuổi: Ước mơ nhập khẩu Hà Nội sau hơn 30 năm sắp thành hiện thực!

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Với sự chủ động giúp đỡ, thẩm tra, xác minh hồ sơ từ Công an quận Đống Đa (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1952) sắp được nhập khẩu vào phường Văn Miếu sau hơn 30 năm chờ đợi.

Cụ ông 70 tuổi: Ước mơ nhập khẩu Hà Nội sau hơn 30 năm sắp thành hiện thực! - 1

Nụ cười rạng ngời hiển hiện trên khuôn mặt ông Tiến khi đề cập đến câu chuyện làm thủ tục nhập khẩu của mình (Ảnh: Nguyễn Trường).

Thời gian gần đây, dù tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến thu nhập từ việc sửa chữa đồ điện gia dụng của ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1952, sống ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng trong thâm tâm ông vẫn luôn cảm thấy phấn khởi.

"Cán bộ Công an quận Đống Đa đã xác minh giúp và thẩm tra toàn bộ hồ sơ. Việc nhập khẩu của tôi sắp xong rồi. Sau hơn 30 năm, ước mơ sắp thành hiện thực rồi" - ông Tiến khoe, ánh mắt lộ rõ niềm hoan hỉ.

Ông Tiến chia sẻ, giờ đây, tư tưởng của bản thân rất thoải mái. Sau khi được nhập khẩu vào hộ gia đình sống ở đường Trần Quý Cáp, ông sẽ dần hoàn thiện nốt các giấy tờ tùy thân, mua bảo hiểm để giảm bớt gánh nặng mỗi khi ốm đau.

Ngày nhận được thông tin từ cơ quan công an về việc thẩm tra, xác minh xong hồ sơ nhập khẩu, ông Tiến mừng rỡ báo tin cho bà con lối xóm. Cả người con gái đang sinh sống ở nước ngoài cũng được ông gọi điện tâm sự.

"Hàng chục năm rồi tôi không dám đi đâu xa vì chẳng có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Nghĩ đến ngày được ra nước ngoài thăm con gái, tôi thấy sung sướng lắm. Trước đây, tôi không thể tự đi xác minh giấy tờ được vì đơn vị cũ ở Gia Lai đã giải thể, không biết tìm đâu, gặp ai. Cảm ơn cơ quan chức năng đã nhiệt tình giúp đỡ" - ông Tiến thổ lộ.

Cụ ông 70 tuổi: Ước mơ nhập khẩu Hà Nội sau hơn 30 năm sắp thành hiện thực! - 2

Thiếu tá Dương Thị Phương Thúy, người trực tiếp thụ lý giải quyết thủ tục nhập khẩu cho ông Tiến trong thời gian vừa qua (Ảnh: Nguyễn Trường).

Là người trực tiếp thụ lý giải quyết thủ tục nhập khẩu cho ông Tiến, Thiếu tá Dương Thị Phương Thúy (Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã Công an quận Đống Đa) nhận định, đây là trường hợp đặc biệt và có hồ sơ "phức tạp".

Theo Thiếu tá Thúy, đối với một người có hồ sơ bình thường, đầy đủ, nếu muốn nhập khẩu vào đâu, chuyển khẩu về với ai thì thủ tục giải quyết chỉ tối đa là 15 ngày làm việc. "Riêng hồ sơ của chú Tiến thì không còn giấy tờ gì, nên bắt buộc cơ quan công an phải mất thời gian để xác minh" - Thiếu tá Thúy nói.

Sau khi tiếp nhận đơn, Ban Chỉ huy Công an quận Đống Đa đã giao cán bộ vào cuộc xác minh, thẩm tra lý lịch, những nơi ông Tiến từng cư trú từ năm 1970 cho đến thời điểm hiện tại.

Căn cứ nội dung đơn đề nghị cùng thông tin ít ỏi từ những buổi làm việc trực tiếp, Thiếu tá Thúy đã "lần mò từng giai đoạn" để xác minh những nơi ông Tiến từng sinh sống.

"Ban Chỉ huy cũng luôn đốc thúc và trao đổi với công an các địa bàn để kiểm tra. Sau khi tiếp nhận phản hồi từ phía trường học, Công an quận Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, đơn vị đã có cơ sở để mời ông Tiến đến bổ sung hồ sơ. Dù thời gian tiếp nhận đơn cũng là lúc đang thực hiện cao điểm chiến dịch cấp căn cước công dân, nhưng công an các quận đều sát sao để sớm phản hồi thông tin xác minh cho trường hợp này. Hiện toàn bộ hồ sơ của ông Tiến đã được Công an phường Văn Miếu tiếp nhận để hoàn thiện nốt thủ tục còn lại" - Thiếu tá Thúy thông tin.

30 năm "ôm đơn" đi làm thủ tục nhập khẩu

Như Dân trí đã đưa tin, ông Nguyễn Văn Tiến là trường hợp đã bước sang 70 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn và đang tá túc ở nhà người quen tại căn nhà chật chội nằm sâu trong ngõ nhỏ trên đường Trần Quý Cáp.

Do giấy tờ bị thất lạc hết nên hồi tháng 3 vừa qua, ông Tiến đã có đơn đề nghị được cấp, làm lại giấy tờ, được nhập khẩu vào nhà người quen ở đường Trần Quý Cáp. Đây là việc mà hơn 30 năm trước ông đã bắt đầu thực hiện nhưng bất thành.

Nguyên nhân do khi đi làm thủ tục nhập khẩu, Công an quận Đống Đa đều hướng dẫn ông Tiến phải về đơn vị cũ ở Gia Lai (đã giải thể) để cắt khẩu xong thì mới được chuyển về địa phương. Nhiều lần đi tìm lại cơ quan cũ đều không được nên đến năm 2021, ông Tiến vẫn không được nhập hộ khẩu về Hà Nội.

Trong hồ sơ gửi tới cơ quan chức năng trình bày về hoàn cảnh gia đình và nguyên do xin làm lại sổ hộ khẩu, giấy tờ liên quan của ông Tiến, Công an phường Văn Miếu xác nhận, ông Tiến sinh sống ở địa bàn từ năm 2005 cho đến nay.

Bà Tống Thị Khuyết (Tổ trưởng tổ dân phố) xác nhận, người này chưa có giấy tờ tùy thân cũng như sổ hộ khẩu. Bà Khuyết đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ ông Tiến được cấp lại giấy tờ để đảm bảo cuộc sống lúc tuổi già.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm