1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cụ ông 70 tuổi gánh củi đi 20 km để bán với giá... 20 nghìn đồng

(Dân trí) - Không cha mẹ, anh em, không người thân thích..., năm nay đã ngoài 70 tuổi, tóc bạc lưng còng nhưng vẫn như 40 năm qua, ngày nào ông Dinh cũng gánh củi đi bộ khoảng 20 km đi bán.

dsc03971

Ông Dinh chẻ sẵn củi để gánh ra chợ bán.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đào Dinh (ở xóm Sao Vàng, xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vào một ngày mưa đầu tháng 10. Hoàn cảnh của ông khá đặc biệt nên chỉ cần đến đầu xóm hỏi thăm ông là mọi người ai cũng biết.

Nằm ngay cạnh con đường đất, ngôi nhà ông nhỏ hẹp, rêu bám xanh cả một góc tường phía sau. Nền nhà ẩm mốc, trong nhà chẳng có một thứ gì đáng giá, vỏn vẹn chỉ có một chiếc giường cũ nát và vài ba cái bát, đôi đũa.

Thấy chúng tôi, ông Dinh, dù lưng đã còng nhưng tỏ ra khá nhanh nhẹn, khỏe mạnh, niềm nở mời vào nhà. Loay hoay mãi ông cũng chẳng sắp nổi cho khách một chỗ ngồi...

dsc03970

Bữa cơm đạm bạc hàng ngày của ông chỉ có cá biển với muối trắng

Ái ngại với khách chứ với ông, ông đã quá quen với cuộc sống chật vật của mình. Bằng cái giọng chậm rãi, buồn buồn, ông Dinh giãi bày về cuộc đời vất vả, đơn độc của mình.

"Tôi sinh ra không nhớ mặt cha mẹ là ai, nghe dân làng kể lại ngày xưa quê của tôi ở làng Phú Ninh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), nơi đây vốn là vùng đồng bằng nên lũ lụt thường xuyên", ông kể và cho biết, khi ông mới được mấy tháng tuổi thì cha mẹ ông qua đời vì bệnh tật.

Ông được anh em trong họ và dân làng cưu mang, đi xin sữa nuôi lớn. Lớn lên ông đi cày thuê cuốc mướn, đi ở cho nhà người ta chứ không được học hành.

Năm 1963, ông theo dân làng đi khai hoang phục hóa theo chủ trương của nhà nước tại xóm Sao Vàng, xã Kim Thành, huyện Yên Thành.

dsc03965

Ngôi nhà tình thương của ông Dinh được chính quyền tặng

Tại đây, vì mang tiếng là đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, không nghề nghiệp… nên ông cũng chẳng lấy được vợ. Căn nhà nhỏ nơi ông đang ở cũng là nhà tình thương của chính quyền xây tặng.

40 năm qua, để mưu sinh ông phải gắn liền với nghề bán củi dạo. Ông kể, hàng ngày ông lên rừng kiếm củi khô, tối về chẻ ra rồi dùng dây buộc chặt gọn gàng rồi đem ra chợ bán. Để hoàn thành một gánh củi ông phải mất một ngày rưỡi khi vừa tìm vừa bán.

Giá của một gánh củi chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng nhưng để bán được gánh củi đó, ông phải thức khuya dậy sớm, đi bộ vượt quãng đường 20 km, gánh trên vai khoảng 30kg củi. Và không phải lúc nào củi cũng bán được...

Cụ ông 70 tuổi gánh củi đi 20 km để bán với giá... 20 nghìn đồng - 4

img_0911[1]

Sau khi bán được củi, ông thường dùng toàn bộ số tiền đó để mua cái ăn chứ không để dành được đồng nào. Những lúc ốm đau hay trời mưa gió không thể đi bán, ông đành húp cháo loãng qua ngày.

Khi chúng tôi đến thăm, ông đang chuẩn bị một bữa ăn với cơm trắng và nồi cá biển được đun đi đun lại với muối bám trắng xóa xung quanh.

Chúng tôi hỏi: tại sao già rồi ông còn làm công việc cực nhọc như vậy? Ông Dinh chia sẻ, không đi bán củi ông cũng chẳng biết làm gì. Mỗi tháng trung bình ông bán được 15 gánh củi, mỗi gánh được 20.000 đồng, cả tháng được 300.000 đồng.

img_0910[1]

Sau khi bán củi xong cụ chia nhỏ số tiền để mua gạo và thức ăn

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Xuân Niêm ở gần nhà ông Dinh cho biết: “Hằng ngày thấy ông Dinh đi bán củi mua gạo cũng thấy tội, nhưng rồi cũng quen, chỉ tội thân ông nay đã già yếu những lúc ốm đau cũng không biết kêu ai…”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch xã Kim Thành cho biết: “Hoàn cảnh của ông Dinh là rất khó khăn, là người đơn thân không nơi nương tựa, chính quyền phường cũng không quan tâm được nhiều vì trên địa bàn cũng có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn".

Cũng theo ông Quân, năm 2013 có một đoàn từ thiện đã về muốn giúp đỡ ông vào trung tâm để ở nhưng ông Dinh từ chối. Theo ông giãi bày thì ông đã quen sống một mình và ông cũng không muốn làm phiền ai, nơi đó nên giành cho những người già yếu hơn ông.

Nguyễn Tú

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm