1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cử nhân đại học đi tiếp thị, giữ xe

(Dân trí) - Những cử nhân giấu tấm bằng đại học để đi làm công nhân hay tìm những công việc thời vụ như giữ xe, tiếp thị, dạy kèm... Chuyện đó giờ không còn xa lạ với những trí thức đang sở hữu tấm bằng đại học.

Khi “ông cử” không còn được trọng vọng

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng bộ phận nhân lực Chonviec kể về H., một “khách quen” của mình: “Cậu ấy tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, nộp đơn tìm việc ở chỗ tôi đã gần 2 năm nay. Cứ mỗi khi có doanh nghiệp tuyển dụng vị trí nào phù hợp là tôi lại gọi cậu ấy đến phỏng vấn nhưng đã gần 10 lần rồi vẫn không có doanh nghiệp nào tuyển”.

Dù H. cố giấu nhưng do làm việc với nhau lâu ngày nên ông Hiếu cũng biết được trong 2 năm chờ việc, H. giấu bằng cấp để đi làm công nhân tại 1 công ty trong KCX Tân Thuận (quận 7, TPHCM). Trong thời gian đó, H. vẫn nộp đơn xin việc ở nhiều nơi, khi có doanh nghiệp gọi phỏng vấn là cậu lại xin nghỉ việc với đủ lý do như bệnh, nhà có việc…

Gần dịp Tết năm ngoái, H. xin rút hồ sơ ứng tuyển ở chỗ của ông Hiếu. H. tâm sự: “Suốt 2 năm làm công nhân, quần quật cả ngày với máy móc, rồi tăng ca… em chẳng còn thời gian đâu học hành. Bao nhiêu kiến thức được học dần dà quên hết, người ta phỏng vấn hoài cũng không đậu”.

Cử nhân đại học đi tiếp thị, giữ xe
Với thị trường lao động khốc liệt như hiện nay, cử nhân không còn được ưu ái, họ phải trầy trật lắm mới tìm được công việc phù hợp

Theo ông Hiếu thì hoàn cảnh như H. không phải là hiếm. Trong 2 năm gần đây, số lượng hồ sơ cử nhân tìm việc ở chỗ ông phải “ngâm” cả năm trời mà không tìm được việc, phỏng vấn không đạt có khá nhiều. Nhiều người trong số đó phải làm những công việc tạm bợ như tiếp thị, dạy kèm… trong thời gian chờ việc.

L., một cô gái Quảng Ngãi tốt nghiệp tại 1 trường đại nổi tiếng ở miền Trung, lặn lội vào TPHCM tìm việc 2 năm nay vì nghĩ thành phố này nhiều doanh nghiệp, dễ kiếm việc làm. Thế nhưng, cầm tấm bằng đại học trong tay chạy vạy cả năm trời, nộp hồ sơ ở cả trăm nơi mà vẫn không tìm được việc khiến L. nản lòng. Hiện L. về phụ giúp dì của mình bán tạp hóa tại Bình Dương.

N. tốt nghiệp một ngành khá “hot” là báo chí tại 1 trường đại học danh tiếng phía Nam. Theo học với tư tưởng đây là ngành có tương lai, thi được vào ngành này nên N. cũng có lực học không kém. Thế nhưng, khi tốt nghiệp ra trường N. mới biết tính cách rụt rè, cam chịu của mình không hề thích hợp với ngành này.

Trong 2 năm, N. đi qua nhiều cơ quan báo chí nhưng vẫn chưa có đơn vị nào nhận anh vào làm chính thức. N. vẫn không buông bỏ, ngày ngày anh vẫn cắm cúi chạy khắp thành phố “tìm tin”, đêm về thì làm bảo vệ giữ xe tại 1 quán cà phê sân vườn để kiếm tiền nuôi mơ ước kiếm được chỗ làm đúng ngành mình học.

Doanh nghiệp cần người làm được việc

Theo các chuyên gia lao động, ngoài yếu tố chênh lệch cung – cầu trong nhu cầu tuyển dụng lao động, yếu tố trình độ chuyên môn không đáp ứng được nhu cầu làm việc của doanh nghiệp là 1 trong những lý do chính khiến tình trạng các tân cử nhân không thể tìm việc đúng ngành mình học xảy ra ngày càng phổ biến.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TPHCM cho rằng: “Khi hệ thống giáo dục mở rộng, cử nhân không còn là của hiếm nữa thì bằng cấp không còn là yếu tố quan trọng nhất. Thực trạng xã hội đòi hỏi người lao động đang tìm việc làm cần có những kỹ năng phù hợp với công việc cũng như kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Cái doanh nghiệp cần là người làm được việc”.

Tuy nhiên, nói về kinh nghiệm làm việc thì đó là 1 điểm yếu của hệ thống đào tạo cao đẳng – đại học, thậm chí là tại các trường nghề của nước ta. Bởi hiện giáo trình giảng dạy tại các trường vẫn bị các chuyên gia lao động đánh giá là còn nặng tính lý thuyết, ít thời gian thực hành; thậm chí là lý thuyết cũng ít cập nhật, quá lạc hậu với thực tiễn sản xuất.

Ông Hồng Xuân Viên, Trưởng ban Đào tạo của công ty Micro Game cho biết:“Chúng tôi từng tuyển dụng hơn 60 người có bằng cấp vào công ty cùng 1 lúc. Nhưng sau 6 tháng chỉ còn lại vài ba người đạt yêu cầu, làm được việc. Vì vậy chúng tôi rất ngại tuyển sinh viên mới ra trường. Chi phí đào tạo lại để có được 1 nhân sự làm được việc quá lớn!”.

Ông Nguyễn Minh Hiếu cho biết: “Làn sóng giải thể doanh nghiệp, thất nghiệp diễn ra suốt 2 năm nay "thải" ra thị trường lao động một lượng lớn nhân sự vừa có bằng cấp, vừa có kinh nghiệm. Đó là 1 nguồn cạnh tranh lớn đối với các tân cử nhân mới ra trường. Họ không chỉ phải cạnh tranh với những bạn bè cùng lứa mà còn phải vượt qua nhiều đàn anh, đàn chị có kinh nghiệm. Việc này khiến hành trình tìm việc của các tân cử nhân mấy năm nay càng thêm gian nan”.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Cần có sự kết nối giữa sinh viên với doanh nghiệp; giữa hệ thống đào tạo với hệ thống các doanh nghiệp thông qua các sàn giao dịch ngày hội việc làm với mục đích giúp sinh viên tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp. Qua đó cũng giúp cho các trường nâng cao hiệu quả đào tạo sinh viên những kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần”.

Tùng Nguyên