1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Cù Lao Xanh - đảo của người già

(Dân trí) - Từng lớp thanh niên trai tráng bỏ biển vào đất liền lập nghiệp, còn người già lại ở lại bám biển. Trên đảo chỉ thầy người già và trẻ em. Vì vậy, người dân trên đảo hay đùa rằng Cù Lao Xanh nay là đảo của người già

Xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn, Bình Định) rộng chừng hơn 352 ha, gần 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. Nằm cách đất liền khoản 24 km đường biển. Mang tiếng là xã thuộc thành phố nhưng cuộc sống của người dân trên đảo vẫn khốn khó. Điện thắp sáng phải sử dụng máy nổ. Mỗi ngày chỉ có điện từ 17 giờ chiều đến 23 giờ đêm. Hàng ngày, chỉ duy nhất có một chuyến tàu của người dân vừa là phương tiện đi lại, vừa vận chuyển lương thực, thực phẩm đảm bảo sinh hoạt cho đảo.

Một góc xã đảo Nhơn Châu
Một góc xã đảo Nhơn Châu

Những năm gần đây, đảo được đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như: chợ, cầu cảng, đê chắn sóng, trường học, trạm y tế. Thậm chí, trạm y tế còn có phòng phẫu thuật riêng được trang bị máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại nhưng cũng... bỏ không. Cuộc sống mưu sinh của người dân trên đảo rất bấp bênh, nên ngày càng nhiều lớp trẻ bỏ đảo vào đất liền tìm tương lai mới.

Cụ ông Lê Văn Tòng (85 tuổi) một cao niên của làng gắn bó cả đời với đảo tâm sự: “Cù Lao Xanh của thuở xưa nay chỉ còn dĩ vãng. Trước đây, bãi biển xa tít tận ngoài kia nhưng sau những trận cuồng phong đã nuốt cả mấy lớp nhà của người dân. Dù nguy hiểm, nhưng người dân vẫn bám trụ trên đảo bởi đảo còn nhiều cá tôm đi thả lưới một đêm là cá đầy thuyền. Bây giờ, dù được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang nhưng tôm cá không còn, con cháu đành bỏ xứ mưu sinh khắp nơi”.

Người già và phụ nữ lại đi biển
Người già và phụ nữ lại đi biển

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Không (57 tuổi) chồng mất từ 15 năm trước vì căn bệnh ưng thư gan. Một mình bà nuôi 4 người con lớn lên nhờ vào gánh bánh canh,  giờ đây bà lại phải thui thủi một mình nuôi 2 đứa cháu nội để con bà đi làm ăn ở xa. Bà Không rưng rưng: “Từ ngày chồng đổ bệnh, con còn nhỏ không có thu nhập nên phải bán ghe tàu để chữa bệnh nhưng vẫn không qua khỏi. Vì hoàn cảnh khó khăn, lớn lên các con tôi đi tứ xứ làm thuê. Đứa vào Quy Nhơn làm thợ hồ rồi lấy vợ ở huyện Tuy Phước, thằng qua tận sang tận Lào. Chẳng mấy khi nhà được xum họp đông đủ, chỉ có ngày tết mẹ con, bà cháu mới được sum vầy bên nhau”.

Cụ Lê Văn Tòng gắn bó với đảo cả đời với đảo
Cụ Lê Văn Tòng gắn bó với đảo cả đời với đảo

Sở dĩ bao lớp thanh niên trai tráng đều bỏ đảo vào đất liền làm công nhân hay làm thợ hồ, chạy bàn… bởi người dân sống bằng nghề đánh bắt gần bờ, nên chỉ khi biển động cá ở ngoài khơi dạt vào mới kiếm ăn được. Thế nhưng, độ vài năm gần đây biển cạn kiệt tôm cá.

Đi lưới thả câu từ 4 giờ sáng đến 7 giờ sáng vào bờ nhưng chiếc thuyền của ông Võ Văn Cư chỉ được vài con cá lèo tèo không đủ cho vợ chồng ăn trong ngày chứ nói gì có cá để bán. Ông Cư than thở: “Biển có động đâu mà cá với mú. Chú không thấy lẽ ra đi biển phải trai tráng nhưng ở đây toàn là người già, phụ nữ. Bây giờ, tuổi lớn rồi còn biết làm gì, đành bám trụ ở đảo kiếm ăn qua ngày mà cũng khó”.

Chợ xây hoành tráng rồi bỏ, chỉ vài chỗ bán vài thứ hàng hóa lèo tèo
Chợ xây hoành tráng rồi bỏ, chỉ vài chỗ bán vài thứ hàng hóa lèo tèo

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Văn Khánh, phó chủ tịch UBND xã Nhơn Châu cho biết: “Người dân sống bằng nghề đánh bắt gần bờ, nhưng toàn xã có 77 chiếc tàu giảm 50 chiếc so với năm 2008. Nói là tàu cho oai, thực ra là thuyền nhỏ loại 18 – 20 – 30 sức ngựa. Đánh bắt nhiều biển cũng cạn kiệt, tiền đầu tư,đóng tàu mới không có, cuộc sống bấp bênh nên dân bỏ nghề biển vào đất liền làm công nhân vừa nhàn, thu nhập ổn định lại dễ tìm vợ con…”

Còn anh Phong cán bộ văn phòng UBND xã cho hay: “Chỉ trong 10 tháng đầu năm đã có 150 người ở xã vào đất liền vào đất liền làm công nhân, còn lại số người đi lao động không thông qua địa phương như đi làm phụ hồ, chạy bàn, ô sin …thì chưa biết là bao nhiêu”.

Đi thả lưới cả đêm ông Ơn cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn là cùng
Đi thả lưới cả đêm ông Ơn cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn là cùng

Bà Không thui thủi nuôi cháu nội bị thiểu năng trí tuệ để con đi làm ăn
Bà Không thui thủi nuôi cháu nội bị thiểu năng trí tuệ để con đi làm ăn

Cũng từ chỗ cuộc sống khốn khó, việc học hành của con em trên đảo vẫn còn nhiều thiệt thòi. Vì vậy, giấc mơ đại học của con em đất đảo xem ra vẫn còn xa vời. Ở đảo, học hết đến cấp 3 xem như là học đại học bởi lên cấp 3 các em phải vào đất liền ăn học ở trọ. Gia đình vẫn còn nhiều hộ khó khăn nên số học sinh đậu đại học chỉ đêm trên đầu ngón tay.

Vì vậy, nhiều người hay đùa rằng Cù Lao Xanh ngày nay là đảo của người già và trẻ em

Doãn Công