1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Cụ bà sống qua 3 thế kỷ, có hơn 40 cháu chắt

Kết quả điều tra dân số mới đây của huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, ở thôn Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ có cụ bà Lê Thị Sọt hiện đang sống tới 112 tuổi. Cụ Sọt sinh được 6 người con, trong đó có một con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tuổi xuân cơ cực

 

Cụ Sọt sinh đầu năm 1897. Nếu tính tuổi theo tháng, thì nay cụ Sọt đã hơn 112 tuổi. Ở tuổi xưa nay hiếm, song trí nhớ của cụ bà vẫn còn minh mẫn lắm. Cụ kể chuyện, đọc thơ tâm sự về nhân tình thế thái, về cuộc đời lắm nỗi gian truân của mình, rồi cười hiền như người chính đạo.

 

“Thuở thằng Pháp bắt dân đi làm đường tàu, đào sông Cánh Hòm (sông chảy qua 2 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh) mệ đã 17, 18 tuổi. Thời đó cơ cực lắm, làm ra một thúng thóc, sưu thuế chặn mất 2 phần. Như mệ đây, ngoài việc gập lưng cuốc ruộng, phải thức dậy từ 3h sáng, cuốc bộ tới chợ An Gia (thuộc huyện Gio Linh, cách Cẩm Phổ 40 cây số) để mua sắn củ, mít non; đêm về cắt chúng tới tận khuya; sớm ra đi chợ Bạn ở Trung Giang (Gio Linh) bán kiếm lời nuôi con”, cụ Sọt bùi ngùi nhớ lại.
Cụ bà sống qua 3 thế kỷ, có hơn 40 cháu chắt - 1

Cụ Sọt và con trai Nguyễn Sào. 
 

“Ở quê, chợ đò xa xôi, ăn uống thiếu thốn, nhưng tui luôn chăm sóc mạ tui một cách tốt nhất, cụ sống thêm được ngày nào là con cháu vui ngày đó - ông Nguyễn Sào (74 tuổi), con trai cụ Sọt, tâm sự - Rứa mà mạ tui không yên tay yên chân, hễ thấy con, cháu vắng nhà là mạ tui ra sân phơi khoai, phơi sắn. Dường như những cơ cực của tuổi xuân đã khiến mạ tui không bỏ được cái tính động tay động chân ấy!”

 

“Sống nhờ cách mạng”

 

“Thuở ông nó còn sống, giặc Pháp đàn áp, đẩy người dân đến chỗ cơ hàn; ông nó cùng tui đã phải làm thuê làm mướn khắp nơi và mất trong một lần đi rừng do bị sốt rét ác tính - cụ Sọt quệt nước mắt kể - Ông nó mất rồi, tui một tay nuôi 6 đứa con, nhưng thù giặc, nợ nước nên quyết tâm đi theo cách mạng và nhờ cách mạng mà gia đình tui mới thoát khỏi cảnh cơ hàn”.

 

Theo sử liệu của Đảng bộ Gio Linh, suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những gia đình làm cơ sở cách mạng ở Cẩm Phổ, trong đó có bà Lê Thị Sọt đã bất chấp hiểm nguy trong vùng địch tạm chiếm, nuôi giấu và làm giao liên cho lực lượng bộ đội trinh sát từ bờ Bắc sông Bến Hải vào hoạt động nắm tình hình địch.

 

Năm 1966, người con trai của bà Sọt, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Sào đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh ở Bến đò B Tùng Luật (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh).

 

Khi nỗi đau chưa nguôi, năm 1972 đang lúc chạy giặc lên huyện Cam Lộ, người con gái của bà, chị Nguyễn Thị Sòi đã bị máy bay giặc Mỹ bắn chết. Bộ đội đã đưa gia đình mẹ Sọt đi sơ tán ở xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh), đến sau giải phóng, mẹ cùng các con quay về quê cũ.   

 

Cụ Sọt hiện có hơn 40 cháu, chắt, chút, chít. Mặc dù tuổi rất cao, cụ vẫn có thể nhớ rành rọt tên từng đứa. Cụ bảo: “Con, cháu mệ đều thương như nhau, nhưng mệ thương nhất là thằng Sào hy sinh rồi. Đêm mô mệ cũng thắp hương cho nó”.

 

Theo Công an Nhân dân