1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hậu Giang:

Cụ bà "gần đất xa trời" hơn 10 năm chờ tấm Huân chương kháng chiến

(Dân trí) - “Tôi đã gần 90 tuổi rồi, sống nay chết mai nhưng ước mong lớn nhất đời tôi là được nhìn thấy tấm Huân chương kháng chiến Nhà nước tặng thưởng, nhưng cả chục năm qua vẫn chưa nhận được...”, cụ Nguyễn Thị Ba bày tỏ.

PV Dân trí đã đến ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang tìm gặp cụ Nguyễn Thị Ba (SN 1927), người phụ nữ hơn chục năm nay mòn mỏi chờ được nhìn thấy tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng vì có công ở thời kỳ chống Mỹ.

Tiếp xúc với cụ Ba, dù cụ đã ở cái tuổi gần 90 nhưng cụ còn rất minh mẫn. Cụ Ba vẫn còn nhớ rõ những ngày tháng cách mạng nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ bộ đội mà cụ đã làm ở địa phương. Cụ chia sẻ: “Thời kỳ chiến tranh, gia đình tôi còn nghèo lắm nhưng vì tấm lòng với nước nên không ngại nguy hiểm gian khổ để nuôi giấu các chiến sĩ bộ đội ở tại nhà. Sau ngày đất nước thống nhất, được Nhà nước ghi công tặng thưởng cho tấm Huân chương kháng chiến, tôi mừng lắm”.

Thế nhưng cả chục năm nay, cụ Ba chưa một lần được nhìn thấy tấm Huân chương kháng chiến này. Cụ nói: “Tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì hồi năm 2001, nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được, không biết tấm Huân chương đó đã đi về đâu nữa”.

Cụ Ba và con trai trong buổi tiếp xúc trao đổi vụ việc với PV
Cụ Ba và con trai trong buổi tiếp xúc trao đổi vụ việc với PV Dân trí.

Trò chuyện với PV Dân trí, anh Huỳnh Hữu Ẩn (con trai của cụ Ba) cho biết: Khoảng tháng 6/2001, anh làm các hồ sơ gửi Ban thi đua khen thưởng tỉnh Cần Thơ (cũ) về việc báo công cho mẹ của anh là cụ Ba. Sau đó, tỉnh Cần Thơ chia tách thành TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang nên tất cả hồ sơ thuộc tỉnh Hậu Giang đều chuyển về Ban thi đua khen thưởng của tỉnh Hậu Giang. Vào năm 2009, sau khi hay tin, anh Ẩn đến Ban thi đua khen thưởng tỉnh Hậu Giang hỏi thăm thì cơ quan này cho biết hồ sơ của mẹ anh đã được duyệt.

Theo đó, anh Ẩn được cán bộ của Ban thi đua khen thưởng tỉnh thông báo, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1017KT/CTN, số sổ vàng 64 ngày 13/12/2001 (sau 6 tháng từ khi anh Ẩn gửi hồ sơ báo công) về việc tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì cho cụ Nguyễn Thị Ba. Cán bộ Ban này cũng cho biết, Huân chương đã được chuyển về huyện Vị Thủy vào ngày 13/11/2002.

Tuy nhiên, anh Ẩn khẳng định, gia đình anh chưa bao giờ nhận được thông báo nào của huyện Vị Thủy về việc nhận Huân chương. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây- cho biết, chính quyền địa phương xã cũng không nhận được thông tin gì liên quan đến Huân chương của cụ Ba. Cụ Nguyễn Thị Ba bức xúc: “Không biết vì lý do gì mà huyện đã nhận bằng từ năm 2002 nhưng vẫn không trao cho tôi. Do đó, tôi cũng chưa nhận được tiền trợ cấp theo quy định”. Cụ Ba và anh Ẩn cùng cho rằng, việc này đã có sự tắc tránh của những người phụ trách công tác thi đua khen thưởng của huyện Vị Thủy.

Theo anh Ẩn, từ năm 2009, anh đã gửi rất nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang và huyện Vị Thủy đề nghị xem xét về sự “mất tích” của tấm Huân chương nhưng tỉnh “đá” cho “huyện”, huyện lại “đá” qua tỉnh nên cho đến nay tấm Huân chương kháng chiến của mẹ anh vẫn “bặt vô âm tín”. Anh Ẩn cũng cho hay, khi anh đến huyện Vị Thủy hỏi thì nhiều cán bộ ở Ban thi đua khen thưởng huyện cho rằng, từ năm 2002 đã trải qua nhiều người phụ trách nên họ “không nhớ” gì.

Sau nhiều lá đơn gửi khiếu nại, ngày 7/12/2012, Ban thi đua khen thưởng tỉnh Hậu Giang có văn bản trả lời, khẳng định: Cụ Nguyễn Thị Ba đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì theo Quyết định số 1017 ngày 13/12/2001. Sau khi có văn bản trả lời của Ban thi đua khen thưởng tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang mới có Quyết định 1008 ngày 12/11/2012 về việc trợ cấp hàng tháng cho cụ Ba, với mức 630.000 đồng/tháng từ ngày 1/11/2012.

“Chủ tịch nước tặng thưởng cho mẹ tôi năm 2001 nhưng Sở chỉ có quyết định trợ cấp từ tháng 11/2012, vậy còn số tiền trợ cấp từ tháng 10/2012 trở về trước ai đã nhận và đã có quyết định trợ cấp thì tấm bằng Huân chương ở đâu?”, anh Ẩn bức xúc đặt nghi vấn.

Cụ Ba và con trai trong buổi tiếp xúc trao đổi vụ việc với PV
Nhiều lá đơn khiếu nại của gia đình cụ Ba gửi cơ quan chức năng nhưng đến nay tấm bằng Huân chương vẫn "bật vô âm tín".

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Minh- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây- cho biết, xã bắt đầu nhận trợ cấp cho cụ Ba từ tháng 12/2012 vì tháng 11 cụ đã nhận trực tiếp ở huyện. Xã chỉ có trách nhiệm nhận tiền trợ cấp và trao đầy đủ cho cụ Ba, còn việc số tiền trợ cấp từ tháng 10/2012 trở về trước thì xã không giải quyết được. “Bản thân tôi thấy cụ Ba bị thiệt thòi rất nhiều nên xã cũng kiến nghị các cơ quan liên quan sớm xem xét cấp lại Huân chương và cho cụ Ba truy lĩnh số tiền theo chế độ”, ông Minh nói.

Trong khi đó, ông Lý Văn Chi- Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vị Thủy- cho rằng, Phòng cũng chỉ có trách nhiệm nhận tiền trợ cấp và cấp phát cho cụ Ba. Theo ông Chi, về thời gian trợ cấp, Phòng chỉ căn cứ vào quyết định của Sở là trợ cấp từ tháng 11/2012, còn thời gian từ tháng 10/2012 trở về trước thì ông không biết vì chưa có quyết định nào.

"Đối với việc cấp bằng Huân chương, Phòng LĐ-TB&XH không có trách nhiệm, việc này là ở Ban thi đua khen thưởng của huyện mà Phòng Nội vụ là cơ quan chủ trì", ông Chi nói. Cũng theo ông Chi, Phòng đang làm tờ trình gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang xem xét đề nghị truy lĩnh tiền trợ cấp từ tháng 10/2012 trở về ngày được cấp Huân chương là tháng 12/2001 cho cụ Ba.

Ông Đồng Quang Dững - Phó Phòng Nội vụ huyện Vị Thủy - thừa nhận, Huân chương kháng chiến hạng Nhì cấp cho cụ Ba từ năm 2001 không biết thất lạc về đâu vì đã trải qua thời gian khá dài, những cán bộ phụ trách cũng đã chuyển công tác.

Theo ông Dững, trước mắt để giải quyết quyền lợi của cụ Ba, huyện đang làm tờ trình gửi Ban thi đua khen thưởng tỉnh Hậu Giang xem xét đề nghị Nhà nước cấp lại Huân chương cho cụ Ba. "Còn đối với những cán bộ phụ trách có liên quan trước đây, lãnh đạo huyện sẽ mời đến làm việc để làm rõ trách nhiệm", ông Dững cho biết.

Cụ Ba và con trai trong buổi tiếp xúc trao đổi vụ việc với PV
   Bà cụ Ba đang ở cái tuổi "gần đất xa trời" chỉ mong được một lần nhìn thấy Huân chương mà Nhà nước đã ghi công. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Chia sẻ với PV Dân trí, cụ Ba bộc bạch: “Tôi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, giờ ước mong lớn nhất của tôi là được nhìn thấy tấm Huân chương kháng chiến mà Nhà nước ghi công cho tôi thì có xuôi tay nhắm mắt cũng mãn nguyện”. Anh Ẩn cũng mong muốn các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang sớm có quyết định để an lòng cho mẹ anh ở tuổi xế chiều.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm