Cụ bà 6 năm cần mẫn dạy múa miễn phí cho người khuyết tật
(Dân trí) - Từ niềm đam mê những điệu múa cổ điển, bà Liu đã lan tỏa tình yêu này đến cộng đồng người khuyết tật, giúp họ tìm được sự lạc quan trong cuộc sống.
Cứ thứ 6 hàng tuần, cụ bà Liu Zhijian, 65 tuổi đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc lại đến nhà văn hóa ở Triều Dương để dạy vũ đạo cho những học sinh tại đây. Học sinh của bà Liu rất đặc biệt, có những người không thể đi lại bình thường, một số bị khiếm thính, số khác lại bị thiểu năng trí tuệ, nhưng ở họ có niềm đam mê chung là rất thích múa.
Đã 6 năm nay, bà Liu đều đặn đi đến nhà văn hóa dành cho người khuyết tật. Ở nơi này, họ sẽ được tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa như thêu thùa, ca hát, tư vấn tâm lý, hướng nghiệp. Lớp của bà Liu bắt đầu từ 2 giờ chiều với khoảng 10 học sinh.
Trước đó, bà Liu từng là giáo viên mầm non. Khi về hưu, bà nhận thấy bản thân mình rất thích múa, đặc biệt là múa cổ điển Trung Quốc. Kể từ đó, bà Liu theo những vũ công để được học bài bản môn nghệ thuật này. Dù đã lớn tuổi nhưng bà Liu vẫn rất chăm chỉ luyện tập. Đến năm 2016, bà được giới thiệu đế nơi sinh hoạt của cộng đồng người khuyết tật.
Bà Liu chịu trách nhiệm biên đạo chính, mỗi động tác được dàn dựng dựa trên thể chất của từng người. Với những người phải ngồi xe lăn, bà Liu sẽ hướng dẫn cách chuyển động phần cơ thể phía trên và tận dụng sự linh hoạt của đôi tay.
Với những người khác, bà thường sắp xếp sử dụng đạo cụ như quạt hay khăn dài và thay đổi đội hình liên tục. Sau khi hoàn thành bài học, bà Liu sẽ đưa họ đi biểu diễn ở Bắc Kinh và tham gia một số cuộc thi khác nhau.
Bà Huo Xiaochao, 53 tuổi, là một trong số những người khiếm thính theo học tại lớp múa cổ điển. Bà Huo yêu thích môn nghệ thuật này từ nhỏ nhưng vì điều kiện không cho phép, bà đành gác ước mơ này lại cho đến khi nhìn thấy cô giáo Liu.
Với một bên tai trái bị mất thính lực, bà Huo rất khó khăn khi theo học tại lớp. Bà thường xuyên bực bội vì không thể nhớ động tác hay không nghe thấy tiếng nhạc. Khi đó, cô giáo Liu lại bình tĩnh hướng dẫn và chỉ dạy chi tiết một lần nữa.
Nỗ lực của bà Liu đã hái được nhiều quả ngọt khi một số học sinh trước đó không thể tự đi lại được thì nay đã có thể bắt đầu múa. Họ học cách thể hiện cảm xúc thông qua đôi mắt và những cử động trên khuôn mặt.
"Mặc dù có khiếm khuyết trên cơ thể nhưng tinh thần của chúng tôi thì không", nhiều học sinh đã chia sẻ sau khi tham gia lớp học múa của bà Liu. Ngoài dạy múa cổ điển, bà Liu còn tham gia dạy chữ nổi cho các em nhỏ khiếm thị. Bà không quản ngại đường xa hay mưa gió, chỉ cần lớp còn học sinh, bà Liu sẵn sàng dạy. Nhờ bà Liu, những người khuyết tật đã có cuộc sống tinh thần vui tươi mỗi ngày với các hoạt động bổ ích và lý thú.