1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“CSGT chỉ được trưng dụng tài sản của dân khi có quyết định của Bộ trưởng Công an”

(Dân trí) - Trả lời PV Dân trí, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) khẳng định những ngày qua dư luận hiểu chưa đúng về Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.

Thiếu tướng Trần Thế Quân (Ảnh: Tiền Phong).
Thiếu tướng Trần Thế Quân (Ảnh: Tiền Phong).

Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này Bộ Công an đã rà soát lại Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT, trong đó có việc CSGT được trưng dụng tài sản của người dân gây tranh cãi dư luận thời gian qua hay chưa? Quy định này có vấn đề gì về cơ sở pháp lý hoặc trái với Luật Trưng mua, Trưng dụng hay không?

Thiếu tướng Trần Thế Quân: Chúng tôi đã rà soát kỹ và thấy cơ sở pháp lý không có vấn đề gì cả, chủ yếu do cách hiểu chưa đúng mà thôi.

Nguồn gốc của nó từ Luật Công an nhân dân năm 2005 nói công an được trưng dụng tài sản. Lúc đó thẩm quyền rộng, trong nhiều trường hợp khác nhau đều được coi là trưng dụng hết nên đến năm 2008 Quốc hội thông qua Luật Trưng mua, Trưng dụng ra thì giới hạn trưng dụng theo nghĩa mới rất chặt chẽ và thẩm quyền ra quyết định trưng dụng chỉ có một số người thôi. Ví dụ như trong lĩnh vực an ninh trật tự thẩm quyền là của Bộ Công an, và chỉ trong trường hợp liên quan đến an ninh quốc phòng, thiên tai địch họa lớn mới trưng dụng. Luật Trưng mua, Trưng dụng đã bãi bỏ trưng dụng tài sản của Luật Công an nhân dân năm 2005 rồi.

Đến năm 2014 khi Luật Công an nhân dân ra đời, để khắc phục vướng mắc đó đã có quy định công an nhân dân có quyền trưng dụng và huy động tài sản. Quy định về trưng dụng tài sản trong Luật Công an nhân dân năm 2014 khác với quy định về trưng dụng tài sản của Luật Công an nhân dân năm 2005 và phù hợp với Luật Trưng mua, Trưng dụng năm 2008.

Trưng dụng tài sản trong trường hợp vì lý do an ninh quốc phòng phải được người có thẩm quyền quyết định thì mới được thực hiện việc trưng dụng đó.

Còn những trường hợp CSGT sử dụng xe của người dân để đưa người đi cấp cứu thì đó là huy động tài sản và huy động tài sản đó có thời gian ngắn hơn, sử dụng tài sản của người dân cũng ít hơn, phạm vi hẹp hơn.

Nhiều người vẫn đang hiểu “trưng dụng” theo nghĩa “huy động” nên hiểu chưa đúng về Thông tư 01/2016 của Bộ Công an. Thông tư này nói CSGT có quyền trưng dụng tài sản nhưng đã có cái đuôi: “Theo quy định pháp luật”.

Thông tư 01/2016 căn cứ vào Luật Công an nhân dân năm 2014 chứ không phải Luật Công an nhân dân năm 2005 nên việc trưng dụng này chỉ trong trường hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh và Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thì quyền của CSGT mới được thực thi.

Còn thông thường cần đưa người đi cấp cứu hoặc đuổi bắt tội phạm là huy động tài sản. Chính vì không hiểu như thế nên một số người làm trong giới luật sư mới nói rằng đây là “quy định treo”, “trái luật”.

Như vậy có thể chốt lại vấn đề là CSGT chỉ được trưng dụng tài sản khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an?

Đúng rồi. Theo đúng Luật Công an nhân dân 2014 là thế.

Nhưng thưa ông, người dân có quyền từ chối việc “huy động tài sản” của CSGT không?

Hiến pháp và Luật Công an nhân dân đều có quy định về việc công dân có nghĩa vụ tham gia hỗ trợ công an thực hiện quyền hạn của mình.

Hiến pháp nói công dân có nghĩa vụ tham gia đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội. Công an nói chung, CSGT nói riêng trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu công dân hỗ trợ đuổi bắt tội phạm, đưa người đi cấp cứu. Nghĩa vụ của anh này là quyền của anh kia. Nhưng nếu thấy việc huy động tài sản đó không phù hợp thì người dân có quyền từ chối.

Nếu huy động gây thiệt hại thì phải bồi thường, người tham gia hỗ trợ chết thì gia đình người đó được nhà nước cho hưởng chế độ chính sách theo quy định pháp luật, danh dự được khôi phục, tài sản được bồi thường. Trong trường hợp bồi thường chưa thỏa đáng thì dân có quyền kiện đòi bồi thường.

Trước việc dư luận ồn ào như vậy, sắp tới Bộ Công an sẽ có hướng dẫn cụ thể thực hiện thông tư này?

Trong thông tư đã giao Cục CSGT hướng dẫn thực hiện việc đó. Cục CSGT sẽ phải tập huấn cho thống nhất cách hiểu. Đó là điều tất yếu.

Thăm dò ý kiến Theo thông tư 1/2016 của Bộ công an, khi đang trong một tình huống khẩn cấp, cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông được sử dụng ôtô, xe máy, điện thoại… của dân để xử lý tình huống. Ý kiến của bạn về qui định trưng dụng như vậy?
Người dân có cơ hội thể hiện trách nhiệm chung, giúp CSGT hoàn thành tốt nhiệm vụ Dễ xảy ra rắc rối cho người dân có tài sản được trưng dụng Ý kiến khác
“CSGT chỉ được trưng dụng tài sản của dân khi có quyết định của Bộ trưởng Công an” - 2
“CSGT chỉ được trưng dụng tài sản của dân khi có quyết định của Bộ trưởng Công an” - 3

Nhưng vừa qua khi trả lời báo chí, đại diện Cục CSGT đã giải thích về quy định trưng dụng tài sản nêu trong Thông tư 01/2016 không đúng, không khớp như điều ông đã nói phía trên?

Đó là do chưa hiểu đúng vấn đề, mới hiểu theo Luật Công an nhân dân năm 2005 và thực tiễn nên sẽ phải có giải thích cái này cho đúng bởi Thông tư 01/2016 nhắc lại quyền của CSGT chứ chưa có giải thích nào cả. Quyền trưng dựng đã có trong Luật Trưng mua, Trưng dụng rõ cả rồi.

Xin cảm ơn ông!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi họp bàn với các đơn vị liên quan, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về cơ sở pháp lý, tính hợp hiến của Thông tư 01/2016 của Bộ Công an. Sắp tới Bộ Tư pháp sẽ có trao đổi kỹ hơn với Bộ Công an về quy định trưng dụng tài sản được nêu trong thông tư này.

Thiếu tướng Trần Thế Quân khẳng định: “Chúng tôi sẽ trao đổi rõ với Bộ Tư pháp, đặc biệt chỗ Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các cơ quan liên quan về vấn đề này. Nhiều người đang hiểu và giải thích chưa rõ chuyện đó, bởi giải thích “trưng dụng” theo nghĩa “huy động” là không đúng rồi. Quốc hội đưa ra luật như thế hoàn toàn không mâu thuẫn nhau đâu”.

Thế Kha (thực hiện)