Cột mốc chủ quyền vô hình ở cực Tây Nam tổ quốc
Ở cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cột mốc đường biên to đẹp, được đánh dấu rõ ràng. Giữa vùng đồng sông nước mênh mông, những cột mốc đường biên nhỏ hơn, được đặt trên bệ cao; và có thêm cả những chỉ dấu chủ quyền vô hình nhưng quân dân nơi đây ai cũng cảm nhận được.
Nhưng đây là cột mốc hiếm hoi có đường nhựa to chạy đến tận nơi. Đoàn công tác nào đến Hà Tiên cũng đến. Còn những cột mốc khác, muốn đến phải đi ghe.
Thế là trong tiếng ghe chạy giòn tan trong ánh chiều sắp ngả trên dòng Giang Thành hiền hòa, Đại úy Danh Kim Huôl, chính trị viên phó đồn thong thả kể về công việc hàng ngày của người lính đường biên…
Thị xã Hà Tiên, điểm cực tây nam trên đất nước. Một thị xã nhỏ xinh nhưng rất đặc thù. Thị xã có 13,7 km đường biên cuối cùng trong tổng số 4639 km đường biên trên đất liền của Việt Nam. Phóng tầm mắt xung quanh, cảnh vật hai bên chẳng khác nhau là mấy. Bên này một con đường tuần tra biên giới, bên kia cũng một con đường ô tô chạy xong xong. Dân cư thưa thớt và hiền hòa. Tập trung đông nhất là khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.
Huôl cho biết, chính quyền, nhân dân và lực lượng biên phòng 2 bên khu vực đường biên nơi đây có quan hệ rất tốt. Đặc biệt là lực lượng biên phòng có mối quan hệ rất chặt chẽ cả trong và ngoài công tác phối hợp bảo vệ đường biên giới chung. Vậy hẳn là công việc của các anh cũng rất thuận lợi, nhẹ nhàng? Không chứ. Đó là những điều kiện thuận lợi thôi. Còn để hoàn thành nhiệm vụ thì không hề đơn giản chút nào.
Hơn 30 cán bộ chiến sỹ của đồn vừa đảm bảo công tác quản lý hành chính xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, vừa phải đảm bảo các mặt công tác từ quân sự, dân vận, phòng chống buôn lậu và các loại tội phạm biên giới… Huôl ví von hình ảnh, để bảo vệ đường biên, cả đồn chúng tôi có dàn hàng ngang đứng canh thì cũng phải cách 500m mới có 1 người. Mà đâu có thể đứng 24/24. Bởi vậy mới nói, biên phòng là nòng cốt, nhưng để đảm bảo an ninh biên giới thì chính nhân dân mới là lực lượng thường trực nhất.
Để hoàn thành nhiệm vụ, người lính biên phòng phải thiết lập và giữ được mối liên lạc với từng gia đình, từng người dân sống dọc biên giới. Để rồi, có bất cứ động tĩnh gì, bất cứ hành động lớn nhỏ nào có thể gây phương hại đến an ninh tổ quốc… đều được cấp báo đến các anh biên phòng kịp thời xử lý.
Trước đây, mỗi khi người dân cần báo tin cho bộ đội, hay bộ đội cần gặp dân để nắm thông tin tình hình, thì chỉ có cách lội bộ hay chạy ghe cả buổi. Địa bàn rộng, dân cư thưa, kênh rạch chằng chịt… nhiều khi nhận được tin, bộ đội biên phòng đến được địa bàn thì đã quá muộn.
Rồi đến khi máy điện thoại di động đã trở nên rất phổ biến, đồn biên phòng cửa khẩu Hà Tiên đã cấp hẳn cho mỗi gia đình một tờ danh bạ in sẵn các số điện thoại trực ban, của cán bộ chỉ huy đồn để bất cứ lúc nào, người dân có thể ngay lập tức báo tin. từ ngày đó đến nay, lượng tin báo của nhân dân về tình hình an ninh trật tự biên giới tăng lên rất rõ. Hàng năm, đồn nhận được khoảng trên dưới 100 tin an ninh cơ sở, trong đó có quá nửa được báo trực tiếp qua điện thoại với cán bộ chỉ huy đồn. Chủ yếu là tin về xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển hàng buôn lậu, hàng cấm. Cá biệt là có vụ xâm phạm đường biên…
Cũng là lúc ghe cập vào bờ. Một căn nhà vách gỗ mái lá dừa nước như bao ngôi nhà khác nằm rải rách khắp vùng miền tây. Huôl cùng một sỹ quan biên phòng trẻ tuổi rất nhanh trèo lên bờ, buộc ghe rồi vào nhà. Phía bên quay mặt ra mấy ao nuôi tôm, trên tấm phản ngoài hiên, một ông già vững chãi ngồi yên, coi việc Huôl cùng anh em đến như chuyện đương nhiên, chỉ hỏi mỗi câu “tới rồi hả?”. Huôl giới thiệu, đây là người giữ cột mốc số 306 và chính là người đã báo tin cho đồn vụ xâm phạm đường biên mấy năm về trước.
Bác Ba Thanh, một chiến sỹ biệt động vùng Hà Tiên những năm chống Mỹ, nay đã đích thị là một lão nông miệt sông nước, cười bảo: “Trời ơi việc nhỏ xíu từ năm nào vậy mà bay còn nhớ hả Huôl”. Chỉ đơn giản là chiều tối hôm đó, cũng từ cái chòi canh tôm này, bác Ba Thanh phát hiện có người đào đất khơi dòng nước cắt ngang qua đường biên giới đoạn giữa cột mốc số 306 và 307. Việc đương nhiên phải làm là bác gọi điện ngay cho cháu Huôl báo tin, như bao lần bác đã tin mọi động tĩnh xảy ra ở vùng khu vực biên giới này. Chỉ 20 phút sau, Huôl và đội công tác của đồn đã tới nơi, lập biên bản, đồng thời kịp thời ngăn chặn để vụ việc không tiếp diễn phức tạp thêm, làm ảnh hưởng đến an ninh biên giới. Ờ, mà cũng là lúc có điện thoại rồi. Chứ trước đây thì làm sao mà nhanh thế được.
Rồi bác dẫn khách đi thăm cột mốc 306, chỉ cách mái hiên bác vẫn ngồi khoảng hơn 100m. Đây là vùng đất thấp xung quanh là sông nước nên cột mốc được đặt trên một bệ cao, có thang lên. Bác Thanh leo lên cột, nghiêm cẩn lấy tay xoa xoa lên chữ “Việt Nam” mầu đỏ khắc chìm trên mặt cột bằng đá nguyên khối. Trong bóng chiều, dáng bác trông không khác mấy hình ảnh những chiến sỹ biên phòng vẫn làm công việc kiểm tra quen thuộc mỗi khi đến các cột mốc chủ quyền.
Ở một mình nơi biên giới sông nước này, bác có ngại không? Người cựu chiến binh nheo nheo mắt hỏi lại, ngại gì chứ? Nhà mình đây, đất mình đây thì mình ở, mình giữ chứ. Có gì lại bấm gọi anh em thôi.
Theo tay bác Thanh chỉ, một chiếc cột thanh mảnh quen thuộc vút lên mấy chục mét, nổi hẳn lên trên vùng đồng sông nước mênh mông, yên ắng. Một chiếc cột giống như hàng chục ngàn chiếc cột phát sóng khác trên khắp mọi miền. Nhưng ở nơi đây, nơi vùng biên, chiếc cột như thêm một chỉ dấu khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Xuân An