1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công viên lãng phí tiền tỷ

Cổng công viên Yên Sở, những ống inox cuốn vòm phản chiếu ánh mặt trời sáng lóe tạo cảm giác gai mắt. Không bóng người, vài chiếc ô tô tải đỗ chình ình hai bên. Cỏ rậm! Trên lối vào trung tâm công viên, một tổ hợp vui chơi “chào” quý khách bằng sự ... im lặng.

Công viên không khách!

 

Trung tâm Sao chổi được nhập mới toanh từ Nga về có giá 3 tỷ đồng nay trông không khác “tổ hợp” sắt vụn chờ thanh lý. Trụ quay, những cục gỉ tiếp tục đùn ra. Những chiếc ghế, hệ thống tay vịn loang bạc màu nắng, mưa. Cả khối thiết bị lớn được che bằng một mảnh bạt nhỏ. Khối tài sản hơn 3 tỷ đồng của Nhà nước đang bị phơi mưa, nắng. Duy chỉ có tấm biển “Công trình chào mừng Đại hội VIII Công đoàn Việt Nam và kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1998” do Hội đồng thi đua khen thưởng Sở GTCC Hà Nội gắn là còn khá nét.

 

Một cán bộ của Cty Công trình cơ điện (Sở GTCC Hà Nội-chủ đầu tư) giải thích: “Đáng lẽ trung tâm  Sao chổi được lắp đặt trên công viên Lê Nin, nhưng sau được ưu tiên chuyển xuống Yên Sở...”.

 

Cách đó không xa, nhà nổi Thuyền Ngự bập bềnh trên mặt hồ. Tiếc rằng, trên chiếc thuyền khá sang trọng này chẳng có khách và cũng không thấy bóng chủ. Vườn đà điểu: 6 con chim ngơ ngác xô lại với nhau vì khách lạ... Trưa, Hà Nội nóng 38 độ vậy mà dạo gần 6km đường quanh công viên được xếp vào loại lớn nhất Hà Nội, chúng tôi không thấy một bóng khách.

 

Hàng trăm tỷ đồng đầu tư: Bao giờ có khách?

 

“Sau khi mở cửa- năm 2002, thi thoảng chúng tôi cũng đón khách miễn phí. Nhưng khi đường vành đai 3 thi công, bụi bẩn, khách đến ít và nay thì chẳng có khách”- Ông Nguyễn Quốc Đảm, GĐ Cty Cơ điện công trình thừa nhận. Không chỉ có trạm Sao chổi ngừng “bay”, hiện cả trăm thuyền, vịt nước trị giá hàng tỷ đồng cũng ngừng bơi và đã xếp kho.

 

“6 sân tennis (trị giá 2,5 tỷ đồng) dạo này cũng rất vắng khách”- Ông Đảm nói. Để duy trì tồn tại của công viên, ngoài việc thành phố đài thọ khoảng 70 triệu đồng, thu từ dịch vụ trông giữ ô tô 30-40 triệu đồng, mỗi tháng, Cty bù lỗ 40 triệu đồng để trả lương cho khoảng 150 con người...

 

Ông  Đảm cho biết nguyên nhân vắng khách là do việc thực hiện các hạng mục đầu tư của dự án chậm, công viên nằm xa trung tâm thành phố, việc thi công đường vành đai 3 gây bụi bẩn... Tuy nhiên một nguyên nhân làm cho công viên này dù có được đầu tư hoàn chỉnh cũng không thể có khách đó là: nước của hồ trong công viên quá ô nhiễm!

 

Nguồn nước này được tích từ các con  sông nước thải là Kim Ngưu, Sét, Lừ và chưa hề được xử lý. Khi trời nắng nóng, nước bẩn bốc mùi hôi thối bao phủ toàn bộ công viên. Công viên được ví như cái “chảo nước thải” với khoảng 40ha mặt nước được nắng hè đun sôi”.

 

Dự án công viên Yên Sở có tổng mức đầu tư 188,3 tỷ đồng (Khu A). Theo kế hoạch, khu A1 (80ha) của dự án sẽ được chia làm 7 gói thầu và sẽ phải hoàn thành vào năm 2006. Tuy nhiên, việc đầu tư đến nay còn dang dở, những gói thầu thu hút các nhà đầu tư (Khu văn hóa dịch vụ, chòi nghỉ, hệ thống thông tin bưu điện, đường dạo...) chưa xác định được nhà đầu tư.

 

Lý do, nhiều nhà đầu tư “chạy mất dép” vì lo ngại đầu tư  hàng tỷ đồng rồi sẽ không có khách vì nước công viên quá ô nhiễm. Đang trong lúc công việc còn bộn bề, chủ đầu tư phát hiện: Toàn bộ công viên bị...lún. Chỗ lún sâu đến 60cm, chỗ lún ít là 20 cm. Vì lẽ đó, toàn bộ thiết kế kỹ thuật của dự án sẽ phải điều chỉnh. Thời gian thực hiện những gói thầu không biết phải kéo dài bao lâu nữa.

 

Nhưng, điều mà dư luận quan tâm hơn cả là cho dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng thì công viên Yên Sở cũng khó phát huy được hiệu quả, khi nguồn nước của công viên vẫn cứ đen đặc và luôn bốc mùi hôi thối.

 

Theo Phùng Sưởng
Tiền Phong